📞

Những đòn trừng phạt có thể châm ngòi chiến tranh công nghệ Nga-Mỹ?

Quang Hiếu 10:10 | 11/06/2022
Kể từ chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine, Mỹ và các nước phương Tây đã thiết lập một số biện pháp trừng phạt công nghệ mạnh tay nhất trong lịch sử đối với Moscow.
Phân tích vũ khí Nga thu thập được ở Ukraine cho thấy, thiết bị của Nga phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện điện tử được sản xuất ở phương Tây. (Nguồn: Creative Commons)

Trong một bài viết đăng tải trên trang 19fortyfive, Tiến sĩ Robert Farley thuộc Học viện Ngoại giao và thương mại quốc tế Patterson (Mỹ) đã chỉ ra những nỗ lực của Washington nhằm ngăn chặn sự phát triển công nghệ Nga tương tự với Liên Xô trong Chiến tranh lạnh.

Trong quá khứ, chính sách cô lập Liên Xô là một trong những khía cạnh nhất quán nhất qua các đời Tổng thống Mỹ. Chính quyền ông Truman và ông Eisenhower từng đi đến kết luận rằng, việc ngăn chặn sự phát triển công nghệ sẽ có tác động bất lợi lâu dài đối với sức mạnh kinh tế và kéo theo tác động tới sức mạnh quân sự của Liên Xô.

Mục tiêu của Mỹ

Tính toán tương tự dường như đang được triển khai ở thời điểm hiện tại thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm làm tê liệt về lâu dài sự phát triển của khoa học và công nghệ Nga.

Phân tích vũ khí Nga thu thập được ở Ukraine cho thấy, thiết bị của Nga phụ thuộc rất nhiều vào linh kiện điện tử được sản xuất ở phương Tây. Ngay cả quốc gia độc lập nhất trong các ngành công nghiệp tự động cũng khó có thể tránh khỏi sự hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau.

Mặc dù những tác động từ việc phụ thuộc về công nghệ đối với quân đội của Nga khá quan trọng, nhưng chúng không phải là vấn đề chính.

Theo giới phân tích, việc Nga chậm chế tạo vũ khí không có tác động lớn bằng việc nước này không thể sản xuất mới để thay thế những tổn thất trong xung đột.

Vì vậy, điều quan trọng là đánh vào khả năng cạnh tranh công nghệ lâu dài của Nga. Và mục tiêu chính sẽ là khu vực dân sự, chứ không phải quân đội.

Một số hiệu ứng từ các lệnh trừng phạt của Mỹ và các nước phương Tây đã có tác dụng khi ngành hàng không Nga đang phải hứng chịu nhiều tổn hại và tình trạng này còn có thể gia tăng trong những tháng tới do phụ tùng thay thế ít và thời gian bảo dưỡng ngày càng thưa.

Trung Quốc có thể giúp gì?

Nếu Trung Quốc quyết định đánh đổi quan hệ với phương Tây, thì Bắc Kinh hoàn toàn có thể giải quyết một số vấn đề của Nga nhờ sẵn có nhiều loại công nghệ.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Bắc Kinh tỏ ra khá e dè do lo ngại các biện pháp trừng phạt. Rõ ràng, các công ty công nghệ của Trung Quốc vẫn mong muốn hội nhập sâu rộng và không muốn tách mình ra khỏi thị trường toàn cầu.

Mặt khác, mối quan hệ giữa chính phủ Trung Quốc và các công ty công nghệ tư nhân khá phức tạp. Ngay cả khi quyết tâm giúp Nga, khả năng để Bắc Kinh buộc ngành công nghiệp nước này hỗ trợ Moscow là điều không chắc chắn.

Nếu buộc phải lựa chọn giữa Nga và thế giới, câu trả lời của Trung Quốc có thể nghiêng về phía thế giới.

Hơn nữa, trước nay, Moscow vẫn tìm nguồn cung linh kiện điện tử từ phương Tây chứ không phải từ Bắc Kinh vì một số lý do như công nghệ của Trung Quốc không cạnh tranh bằng, các công nghệ Nga có thể bị sao chép…

Lựa chọn nan giải

Lựa chọn giữa bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ với các công nghệ của mình hay chia sẻ với các đối tác để nhận được sự hỗ trợ là một bài toán mà Nga đang phải giải.

Trong ngắn hạn, việc giữ quyền sở hữu trí tuệ cũng giúp Nga có lợi thế khi khiến một số công ty công nghệ phương Tây phụ thuộc vào nước này. Nhưng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng có thể ngăn cản các công ty công nghệ Trung Quốc tham gia vào thị trường Nga về dài hạn.

Trong Chiến tranh lạnh, các lệnh trừng phạt nhắm đến khoa học-công nghệ của Liên Xô diễn ra trên cả bình diện vật chất và chất xám. Điều này gây ra những hạn chế đáng kể đối với việc học tập của sinh viên, nhà khoa học và kỹ sư Liên Xô ở Mỹ hay các nước phương Tây khác.

Do xung đột ở Ukraine, ít nhất một nghị sĩ Mỹ đã đề xuất trục xuất sinh viên Nga khỏi nước này (khoảng 5.000 người Nga đang theo học tại đây), nhưng cho đến nay, thông tin về số sinh viên Nga còn lưu trú tại Mỹ chưa xác định.

Việc đi lại của người Nga nhìn chung không bị giới hạn một cách chính thức, tuy nhiên, trên thực tế, họ gặp nhiều khó khăn vì những vấn đề hàng không.

Tất nhiên, thế giới không còn sống trong thời đại công nghệ của những năm 1950 nữa. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin, kiến thức và công nghệ dễ dàng hơn nhiều, việc học trực tiếp không còn là nhất thiết như trong quá khứ.

Có lẽ, việc cố gắng trục xuất các sinh viên, nhà khoa học và kỹ sư người Nga khỏi các nước phương Tây không có nhiều tác dụng.

Quan điểm của Moscow về hậu quả từ căng thẳng với các nước phương Tây vẫn chưa rõ ràng. Nga liệu có lường trước được tác động sâu rộng và lâu dài của các lệnh trừng phạt hay có kế hoạch điều hướng mức độ trừng phạt nhằm tiếp cận công nghệ mà nước này đang cần để xây dựng năng lực trong nước? Đây là những câu hỏi chưa thể trả lời ngay lập tức.

(theo 19fortyfive)