Michael Brosowski và những đứa trẻ được Hội Rồng Xanh cưu mang. |
Gặp Michael tại trụ sở Hội Rồng Xanh, nếu so với "độ nổi tiếng" của anh thì anh thân thiện và nhiệt hình hơn những gì tôi tưởng tượng. Năm 2009, được nêu tên trong mục Những người hùng của CNN (CNN Heroes), nhưng đối với Michael Brosowski, Hội Rồng Xanh mới là tất cả - nơi chứa đựng tâm huyết, tình thương, nơi có những đứa con, là gia đình của anh.
Những bước đi chập chững
Năm 2002, Hà Nội có nhiều trẻ em lang thang, cơ nhỡ. Khi đó, Michael Brosowski - một giáo viên người Australia đang làm việc tại Hà Nội - đã cùng một người bạn của mình mở lớp dạy tiếng Anh cho những đứa trẻ thiệt thòi này. Lớp học diễn ra ở bất cứ đâu, trong quán cà phê hay ngay trên hè phố. Đặc biệt là những đứa trẻ này cũng rất hứng thú với lớp học của một "ông Tây". Và, đó là cách mà Hội Rồng Xanh được hình thành.
Khởi đầu khó khăn khi không hiểu về luật pháp Việt Nam, không biết cách tổ chức chương trình và hình thành tổ chức phi chính phủ, Michael chỉ tâm niệm một điều: Cần cố gắng theo đuổi những gì mình cho là đúng. Khi ấy, cái gì anh cũng chưa biết. Đã có lúc, anh thấy sự giúp đỡ của mình trở thành vô ích, bị kẻ xấu lợi dụng...
Michael kể: Một lần khi đang ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh gặp Ngọc, cậu bé đến từ Huế, 13 tuổi. Anh thấy cậu thật nhếch nhác với mái tóc bù xù đứng bán hoa ở một góc đường rồi sau đó phải đưa số tiền bán được cho hai phụ nữ ngồi gần đó. Biết đây có thể là một trường hợp lợi dụng, ngược đãi trẻ em, anh đến gần và hỏi người phụ nữ kia: "Làm sao để đứa bé được tự do? Người phụ nữ kia nói: "Chỉ cần 500 nghìn đồng!". Tin là thật, anh đưa tiền. Thế nhưng, sau đó cậu bé vẫn bị bắt làm công việc cũ. Ân hận vô cùng, Michael đã thề với bản thân rằng, đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng anh đưa tiền cho bọn ngược đãi trẻ em.
"Chúng tôi không làm theo những khuôn mẫu của các tổ chức hình thành trước đó mà xác định những gì cần phải làm và cố gắng thực hiện mục tiêu đó" - Michael tâm sự. Hội Rồng Xanh đã hình thành như thế và mỗi ngày lại thêm trưởng thành với tuổi đời đến nay đã hơn 10 năm.
Những cơ hội từ Rồng Xanh
Theo báo cáo của The Street Educators' Club, năm 2007 Việt Nam có hơn 8000 trẻ em đường phố. Các em có thể bị ngược đãi, trở thành đối tượng của buôn bán người, mại dâm hoặc bị dụ dỗ thực hiện những hành vi phạm pháp... Nắm được hiện trạng này, Hội Rồng Xanh tìm cách hỗ trợ cho các em những nhu cầu thiết yếu như thức ăn, quần áo, phòng học, thậm chí cả nơi vui chơi và phòng máy tính. Đó chính là cách Rồng Xanh kéo các em rời xa đường phố và gắn bó với ngôi nhà của Hội.
"Có những em, mẹ thì đi tù, bố nghiện nặng, đứa trẻ đó khó tránh khỏi suy nghĩ, rồi tương lai của nó cũng như vậy. Thử thách lớn nhất của chúng tôi là khiến các em từ bỏ suy nghĩ chấp nhận số phận và phải đứng dậy đấu tranh giành lấy tương lai cho mình" - người sáng lập Hội Rồng Xanh cho biết.
Ảnh: Lfay.com |
Ngày 8/6 vừa qua, tại Quảng Bá, Hà Nội, các em học sinh lớp 7 Trường Alexandre Yersin đã tổ chức bán sách vở, quần áo, đồ chơi quyên góp được từ các giáo viên và học sinh của trường trong chợ phiên Tây Hồ cuối tuần. Toàn bộ số tiền 20 triệu đồng và nhiều quần áo thu được từ hoạt động từ thiện này sẽ được trao Hội Rồng Xanh, góp một phần nhỏ cho kinh phí của Hội. |
Từ thời điểm "khởi sự" năm 2002, hơn 2.500 trẻ em được Hội Rồng Xanh đưa trở lại trường học, hơn 1.000 trẻ được đưa đi khám chữa bệnh, 121 trẻ bỏ nhà đã được đưa về đoàn tụ với gia đình và hơn 100 em đã có được việc làm.
Michael chia sẻ: "Mục tiêu chính của Hội vẫn là giúp các em trở về với gia đình và nhận được sự chăm sóc tối thiểu. Dù sao thì trở về cùng bố mẹ, dù có nghèo thật, nhưng vẫn tốt hơn là sống ở đây".
Trẻ em đường phố phần lớn bỏ nhà đi từ những vùng quê nghèo, lên Hà Nội kiếm sống. Tuy nhiên, không phải em nào cũng "còn đường trở về", bởi có những em cả bố mẹ đều đã mất, sống với ông bà lại quá nghèo, không có khả năng nuôi dưỡng. Lúc này, Trung tâm giúp các em ở lại Hà Nội và kiếm cho các em những công việc phù hợp. "Việc đầu tiên chúng tôi cần làm là đảm bảo an toàn cho các em, sau đó tuỳ thuộc vào hoàn cảnh từng em, chúng tôi xác định mỗi em cần gì, thiếu gì và giúp các em thực hiện".
Hội Rồng Xanh có hơn 60 nhóm chuyên biệt, mỗi nhóm phụ trách khoảng 20 em. Có những em cần việc làm và một chỗ để ở, có em lại cần được khám bệnh... Nhiệm vụ của Hội làm là tìm hiểu nguyện vọng của từng em và hỗ trợ các em tối đa có thể.
Hiện nay, tại Việt Nam, Hội Rồng Xanh có 3 cơ sở và đang hợp tác với nhiều tổ chức, cơ quan chức năng khác để có hỗ trợ trực tiếp cho trẻ em khó khăn. Ở Bắc Ninh, Hội Rồng Xanh hợp tác với Hội chữ thập đỏ Bắc Ninh với mục tiêu chính là khuyến khích trẻ em lang thang đến trường và động viên các em không bỏ học sớm để lên thành phố tìm việc. Còn ở Điện Biên, Hội Rồng Xanh chú trọng hỗ trợ cho những trẻ em lang thang trước nguy cơ trở thành mục tiêu chính của các đối tượng buôn người trong nước và quốc tế.
Mạng lưới rộng khắp
Điểm "khác biệt" mà Hội Rồng Xanh không giống Hội nào khác đó là sự mạo hiểm khi tham gia quá trình giải cứu trẻ em đường phố khỏi bọn buôn người và đưa các em trở về nhà. Dù phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng Michael Brosowski và các cộng sự của mình đều cảm thấy ấm lòng mỗi khi chứng kiến niềm vui của những đứa trẻ được trở về nhà.
Ở Việt Nam, đã có nhiều vụ giải cứu trẻ em khỏi đường dây buôn bán người ở cả trong nước và nước ngoài có ghi dấu sự giúp đỡ của Hội Rồng Xanh. Chia sẻ với tôi, Giám đốc Hội Rồng Xanh vui vẻ khoe "mạng lưới" tin tức rộng rãi mà anh đã gây dựng được. Hà Nội là địa bàn của trẻ em đường phố đang sống tại trung tâm, vì thế các em sẽ nhanh chóng thông báo về các trường hợp có trẻ em lang thang, bị ngược đãi hay có dấu hiệu bị buôn bán. Còn ở các tỉnh như Điện Biên, Bắc Ninh, Huế… số lượng lớn các tình nguyện viên sẵn sàng giúp đỡ và cung cấp thông tin cho Hội.
"Các nhóm cộng sự của Hội sẵn sàng đi khắp đất nước để tham gia giải cứu cho những em bị lạm dụng, ngược đãi, bắt cóc... Chúng tôi đã nhiều lần làm việc với Bộ Công an, bộ phận phụ trách chống buôn người và hai bên đã cùng hợp tác nhiều lần. Có lẽ, tiếng lành đồn xa nên hiện nay, các địa phương hay Hội liên hiệp phụ nữ ở các tỉnh cũng gọi cho chúng tôi để nhờ sự giúp đỡ của Hội Rồng Xanh" - Michael chia sẻ.
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ trong hơn 10 năm là "thuyền trưởng" của Hội Rồng Xanh, Michael nhớ về lần đầu tiên giải cứu một bé trai trở về nhà. Đó là năm 2005, anh cùng cộng sự của mình là Tạ Ngọc Vân (một sinh viên Luật) biết được một trường hợp trẻ em bị ngược đãi và có được số điện thoại của người đang giam giữ bé trai này. Ngọc Vân đã gọi điện và đe doạ bọn giam người nếu không thả bé trai sẽ bị đi tù. Việc làm đơn giản ấy lại hiệu quả đến không ngờ bởi bọn xấu vội mua quần áo, vé tàu và cho tiền để đứa bé trở về nhà. Micheal cười lớn khi kể về "phi vụ" này.
Trong câu chuyện của mình, Michael tâm sự: "Những đứa trẻ đến với chúng tôi rồi lại rời đi. Có em thì về với gia đình, có em tìm được công việc ổn định nhưng vẫn quay lại giúp đỡ Hội. Những đứa trẻ của tôi (Michael gọi thân thiết như vậy) chúng đều nhớ về quá khứ không có cái ăn, cái mặc, không có nơi ở, thậm chí còn bị đuổi đánh. Vì thế chúng quay lại và giúp đỡ những em khác, những đứa trẻ có hoàn cảnh như mình ngày xưa. Thế nhưng, cũng có đứa phạm pháp phải đi cải tạo. Và, cứ 1 đến 2 tháng, các thành viên người Việt Nam của Hội lại tổ chức đi thăm các em. Vì quy định của Việt Nam không cho người ngoại quốc vào thăm tù nên tôi thường viết thư cho chúng. Sau khi ra trại, chúng tới gặp tôi, nói lời xin lỗi và bày tỏ mong muốn được làm lại từ đầu. Vì thế, chúng tôi vẫn ở đây, sẵn sàng giúp đỡ các em thay đổi cuộc đời mình"…
Tạm biệt Michael, tôi cảm nhận được niềm vui trên khuôn mặt anh khi anh chia sẻ: "Việt Nam là nhà của tôi, và tôi sẽ còn ở đây mãi, cống hiến vì trẻ em đường phố. Hội Rồng Xanh sẽ mãi là mái ấm cho các em"...
Trà My