📞

Những 'gam màu' xung đột vũ trang trong 20 năm qua

TS. Vũ Lê Thái Hoàng - TS. Ngô Di Lân 06:03 | 08/09/2024
Thế giới trong hai thập niên đầu của thế kỷ XXI trải qua nhiều biến động sâu sắc, với hàng loạt xung đột vũ trang diễn ra ngày càng phức tạp và khó lường.
Các cuộc xung đột nổ ra khắp nơi trên thế giới khiến bức tranh an ninh toàn cầu ngày càng nhiều thêm các gam màu tối. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Từ những cuộc nội chiến kéo dài ở Trung Đông và châu Phi đến các cuộc tranh chấp lãnh thổ gay gắt ở châu Á và Đông Âu, bức tranh an ninh toàn cầu dường như ngày càng nhiều các gam màu tối. Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9 không chỉ gây chấn động toàn bộ nước Mỹ mà còn mở ra một kỷ nguyên mới, nơi ranh giới giữa chiến tranh truyền thống và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đang trở nên mờ nhạt hơn bao giờ hết.

Trong bối cảnh đó, cách mạng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) đang nhanh chóng thay đổi toàn diện cách thức con người tương tác, bao gồm cả phương thức chiến tranh, xung đột. Đồng thời, cuộc đua tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc ngày càng quyết liệt, đe dọa làm suy yếu các thể chế đa phương vốn đã lung lay. Hậu quả của những xung đột này không chỉ là những bi kịch trước mắt mà còn để lại những vết thương sâu sắc, cản trở nỗ lực phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Một bức tranh phức tạp

Trong hai thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến hơn 100 xung đột vũ trang ở các quy mô khác nhau, với sự phân bố không đồng đều giữa các khu vực. Châu Phi nổi lên như điểm nóng lớn nhất với gần 50 xung đột, chiếm khoảng 40% tổng số. Tiếp theo là Trung Đông với khoảng 30 xung đột, trong khi các khu vực khác như Nam Á, Đông Nam Á và Đông Âu chứng kiến nhiều bất ổn.

Các xung đột tập trung chủ yếu ở các nước đang phát triển. Cuộc nội chiến ở Sudan kéo dài từ năm 2003 đến nay đã gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Tại Trung Đông, nội chiến Syria bắt đầu từ năm 2011 kéo theo sự can thiệp của nhiều cường quốc, gây ra làn sóng tị nạn lên đến hơn năm triệu người và làm thay đổi cục diện địa chính trị khu vực.

Về nguyên nhân, tranh đấu quyền lực chính trị (khoảng 25% các trường hợp) và tranh chấp lãnh thổ (gần 20%) vẫn là hai lý do chủ đạo dẫn đến xung đột. Điều này thể hiện rõ trong căng thẳng giữa Nga - Ukraine, nơi vấn đề an ninh quốc gia và tranh chấp lãnh thổ đóng vai trò trung tâm. Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố chiếm khoảng 15% các trường hợp, như đã thấy trong cuộc chiến chống nhóm vũ trang IS ở Iraq và Syria.

Về quy mô và cường độ, gần một nửa số xung đột gây tổn thất trên 1.000 nhân mạng. Đáng chú ý, một số xung đột như chiến tranh ở Darfur, nội chiến Iraq và xung đột Nga-Ukraine gây ra trên 100.000 thương vong. Điều này phản ánh xu hướng các xung đột ngày càng trở nên khốc liệt và có sức tàn phá hơn, nhất là khía cạnh nhân đạo.

Về thời gian, xu hướng xung đột kéo dài gia tăng, với hơn một phần ba số đó vẫn chưa kết thúc, trong đó có những cuộc kéo dài trên 10 năm. Chỉ có khoảng 30% số xung đột kết thúc trong vòng dưới một năm, phản ánh sự phức tạp ngày càng tăng của tình hình hiện tại và sự kém hiệu quả của các cơ chế giải quyết xung đột quốc tế.

Cuối cùng, vai trò của công nghệ ngày càng nổi bật. Sự phổ biến của công nghệ số và mạng xã hội đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho phương thức chiến tranh thông tin, giúp các tư tưởng cực đoan lan truyền, trở thành công cụ đắc lực để các nhóm khủng bố tuyên truyền và chiêu mộ thành viên. Các cuộc tấn công mạng ngày càng trở nên phổ biến, như đã thấy trong xung đột Nga-Ukraine, mở ra một mặt trận mới trong các giao tranh hiện đại. Nhìn chung, xu hướng xung đột vũ trang trong hai thập kỷ qua cho thấy một bức tranh phức tạp, với sự gia tăng về số lượng, cường độ và thời gian kéo dài của các cuộc xung đột, đồng thời phản ánh sự thay đổi sâu sắc trong bản chất của chiến tranh trong thế kỷ XXI.

Xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài hơn 30 tháng và ngày càng trở nên căng thẳng. (Nguồn: AP)

Hậu quả sâu rộng

Xung đột vũ trang trong hai thập kỷ qua đã để lại những hậu quả sâu rộng, vượt xa phạm vi các quốc gia và khu vực trực tiếp liên quan. Từ khủng hoảng nhân đạo đến bất ổn chính trị toàn cầu, tác động của chúng đang định hình lại cục diện thế giới theo nhiều cách phức tạp.

Khoảng một phần tư dân số thế giới hiện sống ở các khu vực bị tác động, với số người tị nạn và di tản nội địa đã vượt mốc 100 triệu vào năm 2022 - con số kỷ lục kể từ sau Thế chiến II. Đằng sau những con số này là vô số bi kịch cá nhân và gia đình, cùng những tổn thương lâu dài về thể chất lẫn tinh thần.

Xung đột để lại hậu quả nặng nề về kinh tế. Cơ sở hạ tầng kể cả hạ tầng thiết yếu bị tàn phá, nguồn lực cạn kiệt và tăng trưởng kinh tế bị đình trệ là thực tế phổ biến ở các quốc gia. Theo Ngân hàng thế giới, các nước bị ảnh hưởng có tỷ lệ đói nghèo cao hơn 20 điểm phần trăm so với các nước không có xung đột. Điều này không chỉ tác động đến các quốc gia liên quan mà còn cản trở nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Trên bình diện chính trị quốc tế, các xung đột đã làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa các cường quốc, từ đó làm suy yếu hiệu quả của các cơ chế đa phương. Nguy cơ phổ biến hạt nhân lan rộng, mất kiểm soát. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiều lần rơi vào tình trạng bế tắc khi phải đưa ra các nghị quyết quan trọng, như trong trường hợp xung đột Syria hay gần đây là Ukraine. Hệ quả là uy tín của các tổ chức quốc tế bị suy giảm, đồng thời khả năng của cộng đồng quốc tế trong việc ngăn chặn và giải quyết xung đột cũng bị hạn chế đáng kể.

Xung đột vũ trang còn tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống. Tình trạng bất ổn kéo dài là mảnh đất màu mỡ cho các tổ chức khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia hoạt động, như trường hợp IS ở Iraq và Syria. Không chỉ vậy, xung đột còn làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và dịch bệnh.

Xu hướng an ninh hóa quá mức và gia tăng chi tiêu quân sự toàn cầu đang chuyển hướng nguồn lực đáng kể từ các mục tiêu phát triển. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về khả năng của nhân loại trong việc giải quyết các thách thức chung như đói nghèo, bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.

Tác động của xung đột vũ trang trong hai thập kỷ qua là toàn diện và sâu rộng, vượt xa phạm vi địa lý và thời gian của các cuộc xung đột cụ thể. Từ khủng hoảng nhân đạo đến bất ổn chính trị toàn cầu, từ suy thoái kinh tế đến thách thức an ninh mới, hậu quả của xung đột đang đặt ra những thách thức to lớn cho hòa bình, an ninh và phát triển bền vững của toàn nhân loại.

Xung đột vũ trang làm trầm trọng thêm các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, mất an ninh lương thực và dịch bệnh. (Nguồn: WFP)

Những bài toán mới

Xu hướng xung đột vũ trang trong hai thập kỷ qua làm nổi bật một số vấn đề quan trọng.

Thứ nhất, sự phức tạp và đa dạng của các nguyên nhân gây xung đột đòi hỏi một cách tiếp cận chủ động, toàn diện hơn, lấy an ninh con người làm trung tâm trong an ninh quốc gia. Trong khi các mối đe dọa truyền thống vẫn tồn tại, các yếu tố như tranh chấp tài nguyên, bất bình đẳng kinh tế và biến đổi khí hậu ngày càng trở thành nguồn gốc của bất ổn. Điều này buộc các quốc gia phải mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, vượt ra ngoài phạm vi quân sự thuần túy, để bao gồm cả các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường.

Thứ hai, xu hướng xung đột kéo dài và khó giải quyết nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin. Thay vì chỉ tập trung vào việc tăng cường năng lực quân sự, các quốc gia cần chú trọng hơn vào ngoại giao phòng ngừa, thúc đẩy đối thoại và xây dựng các cơ chế quản lý khủng hoảng hiệu quả ở cấp khu vực và toàn cầu.

Thứ ba, vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ trong xung đột hiện đại đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng và công nghệ quân sự tiên tiến. Các quốc gia cần cân nhắc việc đầu tư có trọng điểm vào nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực này, đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng và quản lý việc phát triển, sử dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực quân sự.

Cuối cùng, sự suy giảm hiệu quả của các cơ chế đa phương trong giải quyết xung đột đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải có cách tiếp cận mới trong quản trị toàn cầu. Trong khi vẫn duy trì cam kết với chủ nghĩa đa phương, các quốc gia cần tích cực hơn trong việc cải tổ các tổ chức quốc tế hiện có và xây dựng các cơ chế hợp tác linh hoạt, tập trung vào các vấn đề cụ thể như an ninh biển, quản lý tài nguyên xuyên biên giới hay ứng phó với biến đổi khí hậu.