Những đại sứ quán kiểu pháo đài cũng là một vấn đề mà Bộ Ngoại giao Mỹ cần phải cải thiện, theo cựu Thứ trưởng Willam J. Burns. (Nguồn: Foreign Affairs) |
Không còn là "mảnh đất vàng"
Theo cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J. Burns, vai trò suy yếu của Bộ Ngoại giao Mỹ trong những năm gần đây đã dấy lên một hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết phải thay đổi để thích ứng với kỷ nguyên mới.
Gia nhập đội ngũ cán bộ ngoại giao Mỹ cách đây gần 40 năm sau một lớp học đào tạo cán bộ vào năm 1982, ông William J. Burns nhận thấy, sự đầu tư vào con người một cách thông minh chính là chìa khóa để tạo nên một nền ngoại giao tốt.
Tuy nhiên, vị cựu Đại sứ Mỹ tại Nga và Jordan cho rằng, việc đầu tư nguồn lực những năm qua đã không được chú trọng tại Bộ Ngoại giao Mỹ bởi những vấn đề như áp lực ngân sách, bộ máy hành chính ì ạch, cơ cấu không linh hoạt.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã và đang khắc phục hiện trạng này với nhiều chiến lược do Cố vấn Nhà Trắng Steve Bannon đưa ra.
Sau sự kiện 11/9, ngành ngoại giao đã trở thành lực lượng thứ yếu so với quân đội. Vai trò đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ như thuyết phục các nhà lãnh đạo cấp cao thu hẹp sự chia rẽ bè phái, theo đuổi một trật tự chính trị bao trùm hơn, đấu tranh cho nhân quyền... ngày càng bị mai một.
"Mặc dù đã có nhiều thay đổi trong Bộ Ngoại giao song quá trình đổi mới và cải cách này vẫn vướng phải một số hạn chế như quá tập trung vào việc chống lại chủ nghĩa khủng bố, ít chú ý đến tình hình quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, những thách thức toàn cầu và sự tác động mạnh mẽ của cục diện thế giới đối với các vấn đề trong nước.
Do vậy, chiến lược cải cách ngoại giao phải bắt nguồn từ việc xác định lại vai trò của Mỹ trên thế giới", ông William J. Burns cho hay.
Bên cạnh đó, cựu Thứ trưởng Ngoại giao đề xuất, để bắt đầu công cuộc cải cách, Mỹ cần hoàn thiện bộ máy ngoại giao toàn diện từ trên xuống dưới.
Trong giai đoạn này, nước Mỹ đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nhân sự ngành ngoại giao. Kể từ năm 2017, đã có khoảng 1/4 cán bộ ngoại giao ra khỏi ngành. Theo khảo sát, hiện có khoảng 1/3 cán bộ ngoại giao cân nhắc thay đổi công việc.
"Để việc cải cách đạt được những bước chuyển biến rõ rệt, Bộ Ngoại giao Mỹ nên đề ra các ý tưởng thúc đẩy các cán bộ có chuyên môn, thành lập một 'đoàn ngoại giao dự bị' bao gồm các cựu quan chức ngoại giao, mở rộng hiểu biết về ngành ngoại giao trong toàn xã hội và cung cấp hỗ trợ tài chính cho những cán bộ ngoại giao trẻ", ông khuyến nghị.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ lưu ý, đặc biệt cần phải coi sự thiếu đa dạng trong các đoàn ngoại giao là một cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia. Tỷ lệ thăng tiến thấp hơn theo chủng tộc và sự sụt giảm nghiêm trọng số lượng nữ giới đang dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự phân biệt đối xử trong cơ cấu ngoại giao.
Các cấp bậc cao nhất của Bộ Ngoại giao Mỹ hiện nay chủ yếu thuộc về người da trắng và chỉ 10% là người da màu. Chỉ có khoảng 7% trong tổng số cán bộ ngoại giao là người da màu. Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ trong Bộ Ngoại giao ngày nay vẫn ở mức thấp.
"Bộ Ngoại giao nên đưa ra cam kết rõ ràng đến năm 2030 về sự đa dạng và bình đẳng trong cơ cấu ngoại giao, đầu tư nhiều hơn vào công tác cố vấn và đào tạo, quan tâm đến những nguy cơ đặc biệt mà nhóm nhân viên làm việc ở nước ngoài phải đối mặt.
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ phải sửa đổi các tiêu chí thăng tiến của để thúc đẩy sự toàn diện và công bằng tại nơi làm việc, đánh giá nhân sự dựa trên cơ sở biểu hiện, chuyên môn và khả năng lãnh đạo", nhà ngoại giao kỳ cựu đề xuất.
Để thành công, các kỳ thi tuyển vào Bộ Ngoại giao cũng nên tập trung vào lý lịch, thành tích học tập, kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm sống của ứng viên, giảm bớt các chi phí mà họ phải đóng và rút ngắn thời gian kỳ thi.
Việc đào tạo ngôn ngữ đối với cán bộ ngoại giao Mỹ cũng rất quan trọng, theo ông William J. Burns, hiện là Chủ tịch Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.
Để bắt đầu công cuộc cải cách, Mỹ cần hoàn thiện bộ máy ngoại giao toàn diện từ trên xuống dưới. (Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ William J. Burns) |
Cải cách để tái khẳng định vị thế
Ông William J. Burns cho biết, ngày nay, việc có nhiều nhà ngoại giao Mỹ thiếu năng lực tiếp cận với hệ thống công nghệ khiến họ dễ bị tình báo nước ngoài tấn công.
Trong khi đại dịch Covid-19 đã khiến văn hóa ngoại giao Mỹ thay đổi khi các nhà ngoại giao phải sử dụng ngoại giao trực tuyến thay thế cho các phương thức ngoại giao truyền thống.
"Để nâng cao nền tảng công nghệ trong công việc, Bộ Ngoại giao Mỹ nên chỉ định một giám đốc công nghệ báo cáo trực tiếp cho Ngoại trưởng, làm việc với Dịch vụ kỹ thuật số - một nhóm tư vấn công nghệ thông tin trong nhánh hành pháp được thành lập vào năm 2014 để giúp cho hệ thống nội bộ và ngoại giao công chúng hoạt động hiệu quả hơn, giúp các nhà ngoại giao nắm bắt được công nghệ đột phá cũng như tận dụng những tiến bộ của công nghệ vào công tác đối ngoại", ông đề xuất.
Tuy nhiên, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ cho rằng, vấn đề công nghệ không phải là khía cạnh duy nhất mà Bộ Ngoại giao cần phải cải tiến. Các đại sứ quán kiểu pháo đài có thể cô lập các nhà ngoại giao với thế giới bên ngoài.
Nhiều nhân viên ngoại giao thậm chí không thể gặp các thành viên trong gia đình, khiến tinh thần họ trở nên sa sút dẫn đến chất lượng công việc kém hiệu quả.
"Hiện nay, những khuyến nghị chính sách thường phải được thông qua 15 lần trở lên trước khi đến được văn phòng Ngoại trưởng. Bộ Ngoại giao nên loại bỏ quy trình rườm rà, giảm số lượng thư ký cấp dưới và nhân viên cấp cao để các quy trình được thúc đẩy nhanh chóng", ông gợi ý.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, mọi nỗ lực cải tổ Bộ Ngoại giao nên bắt đầu từ bên trong và tập trung vào năm đầu tiên của một chính quyền mới hoặc một nhiệm kỳ mới.
Trong bối cảnh nhiều quốc gia như Trung Quốc tăng mạnh chi tiêu cho ngoại giao và mở rộng sự hiện diện ngoại giao ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Mỹ càng cần phải đẩy mạnh cải cách bộ máy ngoại giao thực chất và hiệu quả hơn nữa.
Với nền tảng cải cách vững chắc được đặt ra, bước tiếp theo sẽ là hệ thống hóa nền ngoại giao Mỹ trong luật pháp Quốc hội.
Một đạo luật mới nhằm hiện đại hóa sứ mệnh và cấu trúc của Bộ Ngoại giao sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hình thành một phong cách ngoại giao phù hợp với bối cảnh quốc tế ngày nay và phục vụ ưu tiên đổi mới trong nước.
"Trải qua những năm tháng đầy biến động của đất nước với tư cách là nhà ngoại giao chuyên nghiệp, chúng tôi đã chứng kiến rất nhiều tấm gương các đồng nghiệp, những nhà ngoại giao xuất chúng đã hoàn thành tốt sứ mệnh của mình ở những địa bàn khó khăn, trong những thời điểm khó khăn.
Hiện nay, mặc dù Bộ Ngoại giao Mỹ đang gặp phải nhiều khó khăn nhưng chúng tôi tin rằng thế hệ nhà ngoại giao mới của Mỹ có thể đương đầu trước những thách thức và luôn cố gắng thực hiện tốt sứ mệnh của mình", ông khẳng định.