Để không mất cơ hội, các thí sinh cần nghiên cứu kỹ các tiêu chí phụ trong tuyển sinh 2021. |
Mất cơ hội vì tiêu chí phụ
Năm 2020, một số thí sinh đã trúng tuyển vào trường Đại học Dược Hà Nội hay trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải ngậm ngùi rút hồ sơ chuyển nguyện vọng sang trường khác học vì không đảm bảo điều kiện cần mà trường yêu cầu. Đó là điều kiện về kết quả học bạ trong thời gian học THPT đối với những môn trong tổ hợp xét tuyển.
Năm nay, trường Đại học Dược Hà Nội tổ chức xét tuyển theo 3 phương thức:
Xét tuyển thẳng theo quy định về tuyển thẳng ưu tiên xét tuyển của trường. Trong đó, tuyển thẳng các đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT; cộng điểm khuyến khích cho các đối tượng có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với mức điểm từ 0,25 đến 1,75 tùy theo điểm thí sinh đạt được theo quy đổi của trường; những thí sinh đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố các môn trong tổ hợp xét tuyển của trường (Tổ hợp A00, Toán, Lý, Hóa) và đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi cấp quốc gia được cộng từ 0,25 đến 1 điểm.
Phương thức 2 bao gồm hai hình thức: xét tuyển thẳng đối với các trường hợp có chứng chỉ SAT hoặc ACT. Tuy nhiên có điều kiện đi kèm về kết quả học THPT phải đạt học lực giỏi 3 năm và mỗi môn thuộc tổ hợp xét tuyển đạt không dưới 8,0.
Hình thức thứ hai là xét tuyển đối với học sinh giỏi các lớp chuyên của trường THPT năng khiếu, chuyên trên toàn quốc. Thí sinh phải đạt học lực giỏi 3 năm liền và các môn trong tổ hợp xét tuyển đạt không dưới 8,0.
Phương thức 3 là xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Với những thí sinh tham gia phương thức này cần lưu ý phải có kết quả học tập THPT từng năm học của mỗi môn thuộc tổ hợp xét tuyển không dưới 7,0.
Năm nay, trường tuyển 2 ngành là Dược học với 700 chỉ tiêu, trong đó 450 chỉ tiêu dành cho xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, 250 chỉ tiêu dành cho 2 phương thức còn lại. Ngành Hóa dược tuyển 60 chỉ tiêu, với 40 chỉ tiêu dành cho xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, các phương thức khác là 20 chỉ tiêu.
Để tránh những cái "chết" được báo trước, trường đưa ra một số lưu ý đối với thí sinh.
Đối với các thí sinh xét tuyển theo phương thức 2 và 3: ngoài thủ tục đăng ký theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh bắt buộc đăng ký trực tuyến qua website của trường ĐH Dược Hà Nội từ ngày 1/6 đến 30/6 trên website của trường.
Thí sinh không thực hiện đăng ký trực tuyến qua website của trường sẽ không được xét tuyển vào trường Đại học Dược Hà Nội (bao gồm các thí sinh thay đổi nguyện vọng sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021).
Thí sinh chịu trách nhiệm về tính xác thực của các thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi. Nhà trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học nếu thí sinh không đảm bảo các điều kiện trúng tuyển khi đối chiếu thông tin trong hồ sơ đăng ký xét tuyển và hồ sơ đăng ký dự thi so với hồ sơ gốc hoặc không đạt điều kiện nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (mục 5, phần Các thông tin của năm tuyển sinh).
Chú ý những đặc thù
Năm nay, Đại học Quốc gia Hà Nội quay lại tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) với những điều chỉnh phù hợp với tình hình hiện tại.
Tuy nhiên, trong các trường thành viên, tiêu chuẩn, tiêu chí xét tuyển lại khác nhau. Trường Đại học Y dược tuy là trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nhưng không lấy kết quả kỳ thi ĐGNL để xét tuyển.
Năm 2021, trường Đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội sử dụng 3 phương thức tuyển: dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021; xét tuyển thẳng đối tượng theo quy định của Bộ GD&ĐT và Đại học Quốc gia Hà Nội; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELTS từ 5,5 trở lên hoặc chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương.
Trong khi đó, trường Đại học Ngoại ngữ lại chọn lấy kết quả kỳ thi ĐGNL là một trong 3 phương thức tuyển sinh dù năm nay, môn ngoại ngữ không được Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi như những kỳ thi ĐGNL trước đây.
Với phương thức xét tuyển này, trường Đại học Ngoại ngữ chỉ lấy điều kiện cần là học lực 5 kỳ học THPT của thí sinh đối với môn ngoại ngữ đạt từ 7.0 trở lên. Còn điểm trúng tuyển sẽ dựa theo độ dốc kết quả thi ĐGNL cho đến hết 20% chỉ tiêu đã được thông báo.
Lý giải điều này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay do yêu cầu đào tạo đặc thù, Trường ĐH Y dược Hà Nội cần dựa vào kết quả thi môn sinh và môn hóa của thí sinh.
Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT năm 2021 của Đại học Quốc gia Hà Nội không tổ chức thi 2 môn này mà chỉ có bài thi khoa học, trong đó bao gồm cả lĩnh vực khoa học tự nhiên, cả khoa học xã hội. Nếu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, trường lại phải tổ chức thi thêm các môn hóa, sinh, thì lại gây phiền phức cho thí sinh.
Còn với trường Đại học Ngoại ngữ, nhà trường cho rằng với mỗi phương thức xét tuyển nhà trường có một yêu cầu đặt ra để tuyển được những sinh viên phù hợp. Ví dụ như phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi ĐGNL, nhà trường yêu cầu năng lực tư duy của thí sinh bên cạnh đó cũng cần năng lực ngoại ngữ phù hợp.
Năm nay, lần đầu tiên trường Đại học Sư phạm TP. HCM có tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt để xét tuyển kết hợp.
Trường tuyển sinh theo 3 phương thức chính:
Phương thức 1 là xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phương thức 2 là xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT (6 học kỳ) áp dụng với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2021.
Phương thức 3 là xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT (sử dụng điểm 6 học kỳ) kết hợp kết quả kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt do Trường Đại học Sư phạm TP. HCM tổ chức.
Phương thức này chỉ áp dụng với các ngành gồm: sư phạm toán học, sư phạm tin học, công nghệ thông tin, sư phạm vật lý, sư phạm hóa học, hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn, văn học, Việt Nam học, sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh, sư phạm tiếng Trung Quốc, ngôn ngữ Trung Quốc, ngôn ngữ Pháp, ngôn Ngữ Nga, ngôn ngữ Nhật và Ngôn ngữ Hàn Quốc. Phương thức này xét cho tối đa 20% chỉ tiêu các ngành.
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, thí sinh cần đọc thật kỹ đề án tuyển sinh của các trường. Qua những lần về các địa phương tư vấn, PGS. Dũng nhận thấy thí sinh đọc chưa kỹ đề án tuyển sinh.
Điều này sẽ bất lợi cho thí sinh khi xét tuyển. Vì ngoài các vấn đề liên quan đến tuyển sinh, một nội dung khác thí sinh cần quan tâm đó là học phí của các trường cũng được đưa ra trong đề án. Nhiệm vụ của thí sinh không chỉ xem xét lựa chọn cơ hội trúng tuyển mà còn phải cân nhắc học phí phù hợp với điều kiện của mình.