📞

Những nét chính trong Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản

Phan Quân 14:00 | 16/04/2023
Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản thể hiện rõ quan điểm của Tokyo trong nhiều vấn đề lợi ích then chốt như xung đột Nga-Ukraine, quan hệ nước lớn, láng giềng khu vực và hợp tác toàn cầu.
Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố Sách Xanh ngoại giao, ngày 11/4/2023. (Nguồn: Wikipedia)

Ngày 11/4, Nhật Bản đã công bố Sách Xanh ngoại giao năm 2023 phiên bản tiếng Nhật. Đây là tài liệu thường niên, thể hiện quan điểm của xứ sở Mặt trời mọc về tình hình khu vực, thế giới, cũng như vị thế đất nước hiện nay. Đồng thời, văn bản này nêu chủ trương, chính sách đối ngoại Tokyo đã và đang triển khai năm qua. Sách Xanh này có gì đặc biệt?

Ưu tiên mới

Trước hết, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2023 có thay đổi về mặt cấu trúc. Trong phiên bản năm 2022, tình hình đại dịch Covid-19 cũng như chính sách của Nhật Bản trong quãng thời gian chống dịch được nêu chi tiết và rõ nét trong chuyên mục riêng rẽ, với xung đột Nga-Ukraine chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, trong Sách Xanh năm nay, chuyên mục riêng rẽ này đã được dành cho xung đột Nga-Ukraine với độ dài 15 trang, cùng một trang đề cập vụ ám sát cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo. Điều này phản ánh sự thay đổi về ưu tiên của Tokyo qua thời gian, với xung đột Nga-Ukraine hiện là ưu tiên đối ngoại hàng đầu của nước này năm 2023.

Tương tự tài liệu năm 2022, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, xung đột Nga-Ukraine là “biểu tượng” cho thấy trật tự hậu Chiến tranh Lạnh đang khép lại và cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với bước ngoặt lịch sử.

Tuy nhiên, điểm khác biệt đến từ thái độ gay gắt của Tokyo liên quan đến nguy cơ vũ khí hạt nhân được sử dụng trong xung đột. Điều này có thể hướng tới một số tuyên bố trước đó của quan chức Moscow về quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm bảo vệ các vùng lãnh thổ đang kiểm soát, cũng như việc xứ bạch dương công bố kế hoạch triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus.

Bên cạnh mô tả những sự kiện quan trọng trong xung đột, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản dành nhiều thời lượng đề cập sự ủng hộ dành cho Ukraine, các viện trợ “tài chính và nhân đạo” trị giá 7,1 tỷ USD, tới người dân của các vùng chịu ảnh hưởng do xung đột gây ra, cùng nỗ lực tái thiết hậu xung đột. Tokyo cũng nhấn mạnh lập trường trong vấn đề hợp tác song phương với Mỹ, phương Tây cùng một số nước khác và đặc biệt, trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Tương tự tài liệu năm 2022, Sách Xanh Ngoại giao Nhật Bản cho rằng, xung đột Nga-Ukraine là “biểu tượng” cho thấy trật tự hậu Chiến tranh Lạnh đang khép lại và cộng đồng quốc tế sẽ phải đối mặt với bước ngoặt lịch sử.

Thái độ trái ngược

Quan hệ của Nhật Bản với Mỹ và Trung Quốc xuất hiện xuyên suốt trong tài liệu này. Tokyo khẳng định, Washington là “đồng minh duy nhất” và mối quan hệ vững chắc giữa hai nước là “hòn đá tảng” trong chính sách ngoại giao, an ninh của mình, cũng như hòa bình và an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong tài liệu chiến lược này, Nhật Bản đã liệt kê các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao thường xuyên với phía Mỹ. Đồng thời, Tokyo nhấn mạnh sự tham dự, vai trò chủ động trong các chính sách, sáng kiến do Washington khởi xướng, từ Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Bộ tứ hay Ngũ nhãn. Trên các diễn đàn khu vực và đa phương, hai bên duy trì quan điểm tương đồng trong nhiều vấn đề, từ xung đột Nga-Ukraine, bán đảo Triều Tiên, vấn đề Đài Loan và Biển Đông.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý hơn nằm ở việc Nhật Bản sẵn sàng thể hiện lập trường ngày một cứng rắn với Trung Quốc. Tokyo coi Bắc Kinh là “mối đe dọa”, “thách thức chiến lược lớn nhất”. Tài liệu này không ngại đề cập các điểm “nóng” với quan hệ song phương và Trung Quốc như quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, eo biển Đài Loan hay vấn đề Tân Cương. Nhật Bản cũng lo ngại về hợp tác Nga-Trung ngày càng chặt chẽ.

Ngay sau khi các quan điểm này được công bố, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã phản bác: “Chúng tôi kêu gọi Nhật Bản ngừng khiêu khích và thành lập liên minh đối lập”. Đồng thời, quan chức ngoại giao này cũng nhấn mạnh rằng hợp tác Nga-Trung “không nhằm vào bên thứ ba”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (ảnh) đã phản đối lập trường của Nhật Bản về quan hệ Nga-Trung. (Nguồn: AFP)

Song dù có thái độ cứng rắn với Bắc Kinh, Tokyo sẽ tiếp tục “đối thoại ở nhiều cấp độ”, nhất là giữa hai Ngoại trưởng, thúc đẩy “hành vi có trách nhiệm”, “đối thoại thực chất” và hợp tác trong các vấn đề cùng quan tâm.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, hai bên đã tăng cường tiếp xúc nhằm cải thiện quan hệ, đặc biệt sau dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ song phương vào năm 2022. Tuần trước, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa gặp người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương ở Bắc Kinh, đề cập khả năng điện đàm cấp cao. Hai bên đã nhất trí thiết lập đường dây nóng quân sự nhằm giảm thiểu các sự cố ngoài ý muốn, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tiếp tục diễn biến phức tạp.

Với Nga, Nhật Bản cho rằng, xứ bạch dương là “một thế lực gây bất ổn trong trật tự thế giới”, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, cũng như sáp nhập ba vùng lãnh thổ của thuộc Ukraine. Khẳng định sự ủng hộ với Kiev, Tokyo nhấn mạnh nước này sẽ xử lý quan hệ với Moscow theo cách “bảo đảm lợi ích quốc gia”. Dù vậy, Nhật Bản vẫn khẳng định rằng đàm phán, đạt thỏa thuận về vùng Lãnh thổ phương Bắc/Kuril vẫn là một ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương.

Thực tế cho thấy, trong một năm qua, quan hệ giữa Tokyo và Moscow xấu đi nhanh chóng. Sau khi xung đột bùng phát. Nhật Bản nằm trong số các nước đi đầu về áp lệnh trừng phạt Nga và các cơ quan tài chính của xứ bạch dương. Tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore năm ngoái, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định, xung đột Nga-Ukraine đã “rung chuyển nền tảng của trật tự thế giới”. Ngày 21/3, trong một động thái đặc biệt, nhà lãnh đạo này đã thăm Kiev cùng lúc với chuyến công du của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Moscow.

Khi xung đột Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến phức tạp và Nhật Bản đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên G7, vốn có lập trường phản đối Moscow, quan hệ song phương sẽ khó có nhiều tiến triển trong năm nay.

Chuyện láng giềng

Với Hàn Quốc, Sách Xanh nhấn mạnh, đây là “láng giềng quan trọng” với Nhật Bản và không sử dụng cách diễn đạt năm ngoái khi nói rằng, mối quan hệ song phương đang “ở trong tình huống cực kỳ khó khăn”. Nhật Bản bỏ đi phần mô tả cam kết về kế thừa “nhận thức lịch sử của các chính phủ tiền nhiệm” trong xử lý vấn đề lao động thời chiến với Hàn Quốc.

Sự thay đổi này phản ánh diễn biến tích cực trong quan hệ song phương thời gian qua. Hồi tháng Ba, Seoul đã có động thái giải quyết tranh chấp lâu dài với Tokyo về vấn đề bồi thường lao động thời chiến, hướng tới hàn gắn rạn nứt trong quan hệ song phương. Đặc biệt, ông Yoon Suk Yeol đã trở thành nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên thăm Nhật Bản kể từ năm 2019. Cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Kishida Fumio tại Tokyo, nhận lời mời tham dự Thượng đỉnh G7 và thưởng thức món cơm trứng đã góp phần hâm nóng quan hệ song phương.

Tuy nhiên, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản không vì thế mà bỏ qua khác biệt giữa hai nước. Sau khi tài liệu này một lần nữa nhấn mạnh chủ quyền của Tokyo với quần đảo Dokdo/Takeshima, Seoul đã lập tức gửi công hàm phản đối, cho rằng những tuyên bố này không góp phần xây dựng mối quan hệ “hướng tới tương lai”.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại Tokyo, ngày 16/3. (Nguồn: Văn phòng Nội các Nhật Bản)

Bên cạnh đó, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản đã dành thời lượng không nhỏ nhắc đến vấn đề Triều Tiên. Nêu lại các cuộc thử tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng trong năm qua, tài liệu khẳng định Tokyo tiếp tục hợp tác cùng cộng đồng quốc tế nhằm giải quyết tình trạng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn và tại các cơ chế khu vực, đa phương. Văn bản cũng khẳng định hồi hương công dân nghi bị Triều Tiên bắt cóc tiếp tục là “vấn đề quan trọng nhất” với cá nhân Thủ tướng Kishida Fumio.

Đặc biệt, Nhật Bản lần đầu tiên đề cập tăng cường hợp tác với các quốc gia “Nam bán cầu”. Đây là thuật ngữ chỉ chung các nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, thay cho cụm từ “thế giới thứ ba” thường được dùng để chỉ các nước không ngả theo Mỹ hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Trong thời gian qua, Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa đã thăm nhiều nước khu vực này. Năm nay kỷ niệm 50 năm quan hệ giữa Nhật Bản và các nước Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đối tác quan trọng về chính trị, kinh tế và an ninh của Tokyo tại khu vực. Vừa qua, hai bên đã mở đường dây nóng về quốc phòng, qua đó đưa xứ sở Mặt trời mọc trở thành quốc gia đầu tiên ngoài ASEAN thiết lập đường dây nóng với khối.

Đặc biệt, lần đầu tiên trong Sách Xanh Ngoại giao, Nhật Bản đề cập đến tăng cường hợp tác với các quốc gia “Nam bán cầu”. Đây là thuật ngữ chỉ chung các nước đang phát triển và kém phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, thay cho cụm từ “thế giới thứ ba” để chỉ các nước không ngả theo Mỹ hay Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Thủ tướng Kishida Fumio cũng thúc đẩy quan hệ với những đối tác trên thông qua hàng loạt đợt công du, trong đó có chuyến thăm New Delhi, gặp gỡ người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi (19-21/3). Sắp tới, ông sẽ thăm châu Phi ngay trước thềm Thượng đỉnh G7 tại Hiroshima tháng Năm tới, tiếp nối cam kết đầu tư 30 tỷ USD trong vòng ba năm dành cho lục địa này tháng 8/2022.

Như vậy, Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản năm 2023 đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu của đất nước mặt trời mọc về những vấn đề then chốt với lợi ích nước này hiện nay. Song “nói thì dễ, làm lại khó”. Trước tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, việc hoàn thành những mục tiêu đã đề ra, đặc biệt trong năm Nhật Bản làm Chủ tịch G7, sẽ là nhiệm vụ không đơn giản dành cho chính quyền Thủ tướng Kishida Fumio/