Không thể ngồi chờ đợi “băng tan”
Ngày nay, bất kỳ một cán bộ ngoại giao nào được cử đi làm Đại sứ Việt Nam tại Canada hẳn sẽ rất vinh dự và hạnh phúc. Nhưng năm 1995, khi Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai nói với tôi rằng Bộ dự tính cử tôi đi nhiệm kỳ Đại sứ tại Canada thì tâm trạng không phải như vậy, tôi vô cùng lo lắng và phải mất một vài ngày suy nghĩ mới có thể mạnh dạn trả lời nhận nhiệm vụ. Động lực với tôi khi ấy đơn giản là không muốn những người đã đặt niềm tin vào mình phải thất vọng và tôi hứa sẽ làm việc hết sức để phá “tảng băng” lớn đang cản trở quan hệ Việt Nam - Canada.
Hiệp định hòa bình về Campuchia được ký kết ngày 23/10/1991 tại Paris (Pháp), chính thức chấm dứt căng thẳng đối đầu giữa Việt Nam với nhiều nước, trong đó có Canada. Tôi nghĩ rằng trên giấy tờ là vậy nhưng không thể ngay lập tức mọi thứ trở nên tốt đẹp bởi những khác biệt vẫn còn hằn sâu trong tiềm thức của con người.
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền (thứ 4, từ trái) cùng nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm, tháng 11/1998. (Ảnh do Đại sứ cung cấp) |
Khi tôi sang nhận nhiệm vụ, lúc đầu, với những người bạn Canada cũng có sự không hiểu nhau, chưa thông cảm và còn tồn tại nghi kỵ. Song qua thời gian, những người bạn Canada tốt bụng, thân thiện đã cùng tôi đặt những viên gạch nền móng để xây dựng cho quan hệ hai nước qua nhiều thế hệ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.
Còn nhớ, những ngày đầu ở Ottawa, giữa những ngổn ngang gian khó nổi lên một vấn đề bế tắc cản trở quan hệ hai nước, đó là vụ một công dân người Canada gốc Việt vào Việt Nam kinh doanh. Ông này phạm tội và bị tòa án Việt Nam kết án tù rất nặng. Mặc dù sau đó ta đã giảm án nhưng phía bạn vẫn một mực cho rằng bản án quá nặng và yêu cầu ta trả tự do, làm cho quan hệ hai bên bế tắc một thời gian dài. Lúc ấy, tôi rất lo lắng bởi nếu không giải quyết được thì quan hệ hai bên sẽ không thể tiến triển trong nhiệm kỳ ba năm tôi ở đây. Tôi không thể để năm tháng qua đi, đợi “băng tan” mà luôn tâm niệm phải chủ động “gỡ rối”. Tôi dành nhiều thời gian để gặp gỡ, kết bạn với các giới, các nghị sỹ trong chính trường của phía bạn và cuối cùng đã tìm ra những người bạn hiểu, ủng hộ Việt Nam, bày tỏ mong muốn của tôi muốn giải quyết vấn đề và đề nghị bạn cùng hợp tác giúp tôi.
Mọi mong mỏi của tôi có lẽ cũng không bị phụ lòng khi nước bạn vào mùa bầu cử và chủ động đề nghị Việt Nam cùng hợp tác giải quyết “nút thắt” trong quan hệ. Tôi tận dụng cơ hội “trời ban” đó để có được những cuộc đối thoại, tiếp đến là đàm phán giữa hai phía để cuối cùng đi đến thỏa thuận giải quyết toàn diện vấn đề, trong đó công dân Canada được trả tự do trở về Canada, làm cả ta và bạn đều hài lòng.
Từ ấy, quan hệ hai nước được cải thiện trên nhiều mặt, mở ra chương hợp tác mới với điểm nhấn là chuyến thăm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm tháng 11/1998.
Nói về chuyến thăm cũng là cả một miền ký ức với những cảm xúc không thể quên. Trong chương trình của chuyến thăm, phía ta có yêu cầu xin gặp Thủ tướng nhưng phía Bộ Ngoại giao bạn đã trả lời “không sắp xếp được” vì Thủ tướng bận và thường chỉ tiếp người ngang cấp.
Mặc dù đã có trả lời từ phía bạn nhưng tôi vẫn chưa báo cáo Phó Thủ tướng với hy vọng còn thời gian tôi vẫn có thể xoay chuyển được. Mất ăn mất ngủ nhiều ngày với ước mong có thể đảo chiều tình thế, tôi chợt nhớ đến một cố vấn thân cận của Thủ tướng, người đã có dịp làm việc với tôi khi giải quyết vụ việc trên. Tôi liên hệ ông bằng mọi cách nhưng ông đã đi công tác nước ngoài.
May mắn, tôi gặp người kế nhiệm ông ở một cuộc chiêu đãi và trình bày vấn đề từ tâm cam của mình, đề nghị ông tác động để Thủ tướng tiếp Phó Thủ tướng ta. Ông ấy hứa sẽ báo cáo Thủ tướng, tuy nhiên không dám khẳng định kết quả. Chỉ mấy ngày sau, Bộ Ngoại giao bạn thông báo Thủ tướng đồng ý tiếp. “Vỡ òa” trong hạnh phúc, đó là kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời ngoại giao của tôi. Tôi nhận ra rằng, hãy luôn trao đi những giúp đỡ chân thành thì sẽ nhận lại được sự sẻ chia khi mình gặp gian khó. Đó là câu chuyện giữa những con người nhưng cũng là một bài học đối ngoại lớn cho bất cứ nhà ngoại giao ở bất cứ thời kỳ nào.
Nhớ đất nước của “tấm lòng”
Đất nước Canada với những rừng phong xanh mướt vào mùa hè, vàng rực đỏ vào mùa thu đã có một vị trí vững vàng trong trái tim tôi. Dân cư Canada là sự tập hợp của nhiều sắc tộc và nền văn hóa trên thế giới. Chính điều đó đã làm nên sức sống và sự năng động của đất nước. Người dân Canada luôn lạc quan và nhiệt tình, dám chấp nhận và vượt qua thách thức để hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn trong tương lai.
Trong tôi, Canada là đất nước với những người dân hạnh phúc, một chính phủ trách nhiệm và người dân có văn hóa, giáo dục, đất nước có vai trò lớn trong gìn giữ hòa bình cũng như tham gia các cơ chế đa phương, trong và ngoài Liên hợp quốc. Tôi đặc biệt ấn tượng khi Canada có chính sách nhân đạo, giúp đỡ, cưu mang người nhập cư, trong đó có người Việt Nam.
Chính phủ Canada tạo điều kiện tốt nhất cho người nhập cư bằng việc dạy họ tiếng Anh, tiếng Pháp, giúp họ hòa nhập với cộng đồng. Văn hóa của những nước có người nhập cư cũng luôn được bảo tồn, khuyến khích.
Trải qua một chặng đường rất dài với nhiều cung bậc, đến nay, sau 45 năm, quan hệ Việt Nam – Canada đã phát triển rất tốt, trở thành Đối tác toàn diện, có thể so sánh “một trời một vực” so với thời của tôi. Tôi luôn nghĩ rằng, trong quan hệ vợ chồng hay anh em cũng sẽ có những khác biệt nhưng quan trọng là chúng ta cần tôn trọng, lắng nghe để hiểu mối quan tâm của nhau, tăng cường đối thoại, và cùng hợp tác giải quyết những khác biệt, qua đó tăng cường xây dựng lòng tin, đưa quan hệ phát triển lên những tầm cao mới.
Sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với một loạt các quốc gia được thiết lập, trong đó có Canada (ngày 21/8/1973). Ta mở sứ quán tại Canada năm 1990. Lúc đầu là đoàn tiền trạm, sau đó Đại sứ Đặng Nghiêm Bái là Đại sứ Việt Nam đầu tiên tại Canada. Phía bạn mở sứ quán tại Việt Nam năm 1994. Bà Đinh Thị Minh Huyền là Đại sứ thứ hai của Việt Nam tại Canada (từ năm 1995-1998). |