Bà Hélène Luc phát biểu tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris, tháng 01/2013. |
Nhớ mãi những người bạn
Tôi nhớ lại khuôn mặt của từng người bạn được nhắc tới trong dịp lễ kỷ niệm này. Đó là Bộ trưởng Xuân Thủy với nụ cười huyền thoại và sự kiên định không bao giờ bỏ rơi đồng bào ở miền Nam bất chấp những trận ném bom trả thù diễn ra tại miền Bắc.
Đó là khuôn mặt đầy đăm chiêu của Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, người giữ liên lạc giữa Hà Nội và thành phố Choisy-le-Roi của Pháp. Khi ông Thọ quay trở lại Paris, chúng tôi hiểu là một giai đoạn mới của cuộc chiến bắt đầu và sẽ tiến đến gần hơn thời điểm Mỹ buộc phải ký bản Hiệp định vốn rất được mong đợi.
Tôi vẫn nhớ những người bạn và rất đông tình nguyện viên hàng ngày đến giặt là và nấu ăn cho đoàn. Đó là ông Buisson - đầu bếp ; ông Popovic, bà Jeanine Rubin, bà Nachun, ông Max Satt - những người lái xe cho ông Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và trực bảo vệ cột ăng ten trên tầng thượng, ngày cũng như đêm, để giữ liên lạc giữa Hà Nội và Choisy-le-Roi. Đó còn là các nhân viên tòa thị chính sau giờ làm việc, đến giúp Phái đoàn vào các buổi tối và ngày Chủ nhật.
Khi đoàn Việt Nam đặt vấn đề chuyển khỏi khách sạn Lutétia vì giá quá đắt, Waldeck Rochet, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp đã lập tức nhận lời giúp đỡ và chọn trường Đảng Maurice Thorez tại Choisy-le-Roi làm nơi ở và làm việc mới của Đoàn Việt Nam.
Fernand Dupuy, Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, các phó Thị trưởng - Louis Luc, André Lecourt, André Grillot, Bác sĩ Gulman, Ryamond Hillou - và tôi, lúc đó là Bí thư Đảng thành phố và mới được bầu làm Ủy viên Hội đồng Tỉnh, khi nhận được thông tin đều cảm thấy rất tự hào, nhưng đều hiểu đó là một trách nhiệm vô cùng to lớn.
Chúng tôi phải bảo đảm các điều kiện làm việc tương xứng, khi Phái đoàn đang đảm đương nhiệm vụ rất khó khăn.
Chúng tôi phải tạo ra một sự đoàn kết ủng hộ rộng lớn xung quanh Phái đoàn. Điều đó không chỉ giúp nâng cao tinh thần của Phái đoàn mà còn để cho người Mỹ thấy rằng, nhân dân Việt Nam nhận được sự giúp đỡ tại Pháp, châu Âu và châu Mỹ.
Cách đây không lâu, cùng với một nhóm phóng viên truyền hình Việt Nam, chúng tôi đã quay trở lại thăm căn nhà của Tổng bí thư Maurice Thorez, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đến thăm trong thời gian dự Hội nghị Fontainebleau.
Tại sao Paris?
Tướng De Gaulle đã hành động theo chiều hướng ủng hộ nguyện vọng của Việt Nam, cũng như nhân dân Pháp luôn đoàn kết và tận tình trong cuộc chiến đấu vì độc lập của Việt Nam.
Là người chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh Đông Dương bùng nổ năm 1945, Tướng De Gaulle đã rút ra những bài học cho mình. Đặc biệt, trong diễn văn đọc tại Phnom Penh ngày 01/09/1966, ông đã cảnh báo Tổng thống Mỹ: "Ngài không bao giờ thắng được cuộc chiến này, đừng tiến hành nó". Tiếc là ông đã không được lắng nghe!
Tướng De Gaulle đã dành cho Phái đoàn sự giúp đỡ quý giá dưới nhiều hình thức khác nhau, về chính trị - thông qua ông Tổng Vụ trưởng của Bộ Ngoại giao lúc đó là Francois Froment Meurice, Ngoại trưởng Maurice Schumann - và cả về vật chất cũng như bảo đảm an ninh trong những dịp Henry Kissinger đến Choisy-le-Roi để dự các cuộc gặp bí mật.
Ngày 10/05/1968, Phái đoàn đến Pháp. Trong lúc Gaston Plissonnier - một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng Cộng sản Pháp ra đón đoàn tại sân bay Orly, có hai cuộc biểu tình lớn cùng diễn ra tại quảng trường Champ de Mars dưới chân tháp Eiffel, một của công nhân và một của sinh viên. Các cuộc biểu tình diễn ra rất sôi nổi, đúng vào thời điểm Đại sứ Mỹ Harriman đến Paris bắt tay Bộ trưởng Xuân Thủy lần đầu tiên tại Kléber. Đó quả là những hình ảnh mang tính biểu tượng lớn!
Bà Nguyễn Thị Bình (người vẫy tay) trên Đại lộ Kléber khi đến Paris dự cuộc đàm phán 4 bên, tháng 11/1968. |
Tại sao năm 1968?
Bởi vì đi đầu các đoàn biểu tình khổng lồ tại Pháp và tại châu Âu những tháng ấy luôn là những khẩu hiệu "Hồ Chí Minh sẽ chiến thắng" với chân dung của ông và "Hòa bình cho Việt Nam". Như nhà sử học văn hóa Jean Francois Sirinelli từng nói, cuộc chiến Việt Nam được gọi là sự kiện thế giới, có nhiều đặc thù và chiều dài thời gian của nó tác động đến toàn thế giới.
Chính vì thế, đại diện những vùng khác nhau của Pháp, của các nước châu Âu và châu Mỹ đã đến thăm Phái đoàn, mang theo các bản kiến nghị ủng hộ, trong đó có các xí nghiệp tại tỉnh Val de Marne, vùng Paris và đứng đầu là công nhân của nhà máy Renault.
Chúng tôi còn chứng kiến đại diện của tất cả các chính đảng: cộng sản, xã hội, chủ nghĩa De Gaulle, đến đại diện các tôn giáo: Công giáo, Tin lành, Phật giáo, đạo Do Thái, Giáo hội Chính thống… Và cả những nhân vật nổi tiếng trong giới văn hóa cũng đến bày tỏ sự ủng hộ như Aragon, Elsa Triolet, Raymond Aubrac, Jean Paul Sartre và Simone De Beauvoir, Alfred Kestler, Laurent Schartz và Joseph Kessel. Các nhà lãnh đạo chính trị như Waldeck Rochet, Georges Marchais, Charles Founiau, Michel Germa, Gaston Viens, Marcel Zaidner, Guy Poussy, Jean Kanapa, Claude Estier và những người bạn trong Tổng hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) như Nguyễn Bổn, Thérèse Ký, các bác sĩ và nhiều người khác.
Vào một ngày cực kỳ đặc biệt, ngôi sao điện ảnh Jane Fonda, đại diện của 80 nghìn người Mỹ từng biểu tình chống chiến tranh trước Nhà Trắng, đã đến trụ sở Phái đoàn. Ngay tại Văn phòng, Bộ trưởng Xuân Thủy và trợ lý Trịnh Ngọc Thái đã đón tiếp người phụ nữ từng đích thân đến Việt Nam, chứng kiến Mỹ ném bom ở Hà Nội và cũng đã phải chịu đựng những lời đe dọa tồi tệ nhất ở chính đất nước mình. Đó quả là một trong những sự kiện chính trị và truyền thông có tiếng vang lớn!
Bà Nguyễn Thị Bình lúc đó phụ trách đoàn miền Nam và ở tại Verrières-le-Buisson. Bà tham gia tất cả các cuộc thương lượng chính thức tại trung tâm hội nghị quốc tế Kléber. Ba hoặc bốn lần mỗi tuần bà tham gia các cuộc thảo luận với Lê Đức Thọ, Xuân Thủy và Mai Văn Bộ. Với khuôn mặt đẹp, điềm tĩnh nhưng đầy nghị lực, bà đã hấp dẫn người dân Paris - những người đã yêu mến và vỗ tay mỗi khi bà ra khỏi phòng họp chính thức với Phái đoàn của mình.
Mỗi dịp Tết đến, các thành viên trong đoàn đều buồn vì nhớ nhà. Chúng tôi và gia đình đến thăm họ cùng những hộp quà và bánh kẹo. Bọn trẻ con rất vui. Pascal, con của bà Le Phat Tan (người chịu trách nhiệm mua sắm quần áo cho Phái đoàn) chơi đùa với hai đứa trẻ nhà tôi là Nadine và Serge. Về sau, các cháu lại học cùng nhau ở trung học.
Vào dịp Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi tổ chức lễ mừng Năm mới, các thành viên Phái đoàn cũng được mời đến dự. Một nghìn người có mặt đã vỗ tay hoan nghênh khi Thị trưởng tuyên bố, Bộ trưởng Việt Nam được coi là công dân danh dự của thành phố Choisy-le-Roi.
Ngày buồn nhất chúng tôi từng trải qua với Phái đoàn là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ngày 02/09/1969. Chúng tôi đã đến viếng Người trong bầu không khí vô cùng tiếc thương và đã chia sẻ những tình cảm đau buồn của mình với các thành viên trong phái đoàn.
Ngày 27/01/1973, thông báo được chờ đợi trong năm năm qua đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông: Hiệp định Paris được ký kết!
Hội đồng thành phố Choisy-le-Roi ngày hôm đó đã nhóm họp. Ông Louis Luc thông báo tin vui và ca ngợi những người chiến sĩ dũng cảm: "Vinh quang thuộc về những người chiến sĩ Việt Nam can đảm và những người đã ủng hộ họ! Tôi xét thấy chúng ta có một món nợ đối với một dân tộc từng nhiều năm bị áp bức dưới cái tên nước Pháp, chúng ta sẽ giúp Việt nam xây dựng lại". Trong những ngày sau đó, Choisy-le-Roi đã kết nghĩa với quận Đống Đa, Hà Nội, nơi phải chịu những trận đánh bom ác liệt. Tiểu ban kết nghĩa nhanh chóng được thành lập và đã xây được một trại trẻ mồ côi và một trường học.
Ngày 02/09/1978, nhận lời mời của chính phủ Việt Nam, một phái đoàn của Choisy-le-Roi do Louis Luc dẫn đầu đã tới Hà Nội dự lễ kỷ niệm Quốc khánh trong niềm hân hoan của sự thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam.
Việt Nam đã chiến thắng nhờ chủ nghĩa anh hùng của toàn dân tộc, nhờ sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và tình đoàn kết quốc tế. Đại hội Đảng mới đây đang hướng đất nước tiếp tục tiến tới một Việt Nam hiện đại với công nghệ phát triển, để bảo đảm hạnh phúc cho toàn thể nhân dân.
Tình đoàn kết cần được tiếp tục
Kể từ sau Đổi mới năm 1986, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới và đó là một thành tựu to lớn.
Các chuyến thăm Việt Nam lần lượt của các Tổng thống Pháp - Francois Mitterand, Jacques Chirac, Francois Hollande góp phần quan trọng vào sự hợp tác ngày một quan trọng hơn giữa hai nước. Việt Nam hiện đang mong đợi chuyến thăm của Tổng thống Emmanuel Macron.
Các Đại sứ Việt Nam tại Pháp, hiện nay là ông Đinh Toàn Thắng, đã có những đóng góp vào sự phát triển quan hệ song phương về kinh tế, văn hóa và chiến lược. Tiềm năng còn rất nhiều để quan hệ hai nước có thể tiến xa hơn nữa.
Năm 2013, Thị trưởng Choisy-le-Roi Daniel Davisse, Jean Joel Lemarchand, Florence Lecervoisier đã tổ chức một cuộc hội thảo để kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris với sự có mặt của những nhân vật nổi tiếng và nhiều nhà sử học như bà Nguyễn Thị Bình, các ông Froment Meurice, Pierre Journoud và Alain Ruscio và Jacques Portes. Một bộ phim do Daniel Roussel - nguyên phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Việt Nam đã được thực hiện. Raymond Aubrac dự định sẽ tham gia đã đột ngột qua đời trước khi hội thảo diễn ra. Ông đã cống hiến rất nhiều cho Việt Nam. Ông đã đến gặp Tổng thư ký Liên hợp quốc và được cử đến gặp Giáo hoàng để yêu cầu ngăn các đợt ném bom vào đê sông Hồng làm Hà Nội có thể bị ngập lụt và ông đã thành công!
Năm 2023, nhiều hoạt động sẽ được tổ chức trong để kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam. Ông Gérard Larcher, Chủ tịch Thượng viện Pháp vừa thăm Việt Nam để chính thức khởi động 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Khi tiếp Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm chính thức Pháp năm 2018, Tổng thống Emmanuel Macron có nói: "Ngài sẽ có chuyến hành hương đến Choisy-le-Roi, biểu tượng cho sự hiện diện của Việt Nam tại Pháp khi ký Hiệp định Paris. Tôi muốn chào đón Ngài và đánh giá cao vai trò quan trọng của Việt Nam cho việc duy trì hòa bình tại Đông Nam Á và cải thiện đời sống của nhân dân".
Hiện nay, Việt Nam đang kêu gọi ngừng bắn tại Ukraine và chấm dứt chiến tranh bằng đối thoại chính trị.
Tại Biển Đông, Việt Nam đang hết sức nỗ lực để Trung Quốc và các bên tôn trọng Công ước 1982 của Liên hợp quốc và Luật Biển. Chính phủ Pháp ủng hộ Việt Nam.
Việt Nam là nước đứng thứ năm trong những quốc gia trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP 25, các nước giàu đã buộc phải nhận giúp đỡ các nước đang phát triển và các nước nghèo để đương đầu với những tổn thất do biến đổi khí hậu gây ra và để các nước này có thể góp phần vào việc cứu hành tinh của chúng ta.
Nhưng các cam kết tài chính cần phải được nhanh chóng thực thi. Tình đoàn kết đối với Việt Nam đã được thể hiện nhiều lần trước kia cần phải được tiếp tục trong lĩnh vực này. Đó cũng là điều mà những người bạn của Việt Nam và với cá nhân tôi, với tư cách là Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp - Việt, đang thực hiện cùng ông Chủ tịch Hội Nguyễn Hải Nam.
Tôi hiểu là Việt Nam sẽ tập trung toàn bộ sức lực vào việc này, như đã chiến thắng đại dịch Covid-19. Nhưng trách nhiệm của chúng tôi tại Pháp, với tinh thần hữu nghị và đoàn kết, là chung tay góp sức với nhân dân Việt Nam.
Tình hữu nghị và đoàn kết từng là động lực để tôi hướng về nhân dân Việt Nam từ khi mới 15 tuổi. Tôi sẽ tiếp tục điều đó, lâu nhất có thể, với thế hệ trẻ của hai nước chúng ta.
*Bà Hélène Luc sinh năm 1932, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Bà làm Thượng nghị sỹ từ năm 1997-2007, Chủ tịch Nhóm Cộng sản, Cộng hòa và Công dân tại Thượng viện từ 1979-2001, nguyên Ủy viên Hội đồng tỉnh Val de Marne. Ông Louis Luc, chồng bà, nhà báo và nguyên là Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi. |