Cách đây 12 năm, khi đó, phóng viên Nguyễn Huyền Nga, phụ trách mảng y tế, báo Công an Nhân dân mới vào nghề 3 năm. Nhận được nguồn tin tại gầm cầu Nhị Thiên Đường, Quận 6, TP. Hồ Chí Minh có một nữ bệnh nhân bị AIDS bệnh nặng đã “gần đất xa trời” không ai thân thích bên cạnh, chị tiếp cận để viết về hoàn cảnh đáng thương này, kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng. Nhờ có một đồng đẳng viên dẫn đường, chị đã xuống được gầm cầu, nơi có những nhóm thanh niên nghiện hút, giang hồ cư ngụ; nơi mà kim tiêm, chất thải ngổn ngang.
Sau tìm hiểu, chị mới biết người dẫn đường là Tổ trưởng nhóm “Bạn giúp bạn” lúc đó được tặng bằng khen trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Anh là một tay “giang hồ” có tiếng, một trong những người được phát hiện bị nhiễm HIV đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh tham gia điều trị ARV. Câu chuyện cảm động về hành trình hoàn lương và giúp đỡ người khác làm lại cuộc đời trong khi anh vẫn đang mang trong mình những nỗi đau bệnh AIDS giai đoạn cuối đã giúp phóng viên Nguyễn Huyền Nga có bài viết đầy cảm xúc. Chị đặt tên bài báo tựa đề là “Tìm lại hạnh phúc”. Do bận rộn với công việc, chị chưa kịp gửi báo cho nhân vật, mấy ngày sau thì nhận được tin anh mất. Chị Nga đã vội vàng mang tờ báo đến chia buồn với gia đình.
Chị xúc động kể lại: “Tôi gọi đó là một độc giả đặc biệt nhất trong đời làm báo của tôi. Cũng rất xúc động, vợ của anh đã xin phép gửi bài báo đó cho người đã mất. Bài báo đó đã mang về cho tôi giải Ba trong cuộc thi viết về HIV/AIDS”.
Phóng viên mảng y tế tác nghiệp. |
Cách đây 5 năm, nhà báo Thiên Chương, báo Ngôi sao từng viết về ca sinh tư bằng thụ thai tự nhiên tên là Việt, Nam, Hạnh và Phúc, quê ở Đồng Tháp. Nhiều năm qua, anh vẫn liên lạc với gia đình các cháu bé. Xuống thăm, thấy cảnh nhà dột nát, bố mẹ chật vật nuôi con bằng nghề làm mướn, ai thuê gì làm đó, anh đã về vận động từ nhiều nguồn và cũng bằng ngòi bút của mình, kêu gọi những tấm lòng nhân ái.
Anh còn chắt chiu nhuận bút, mua cho ông bố một chiếc bơm để bơm vá xe đạp kiếm tiền ở quê khi không có ai thuê mướn. Nhà báo Thiên Chương bộc bạch: “Lúc đó vai trò làm báo của mình không hẳn là nhà báo nữa, đó là tình cảm giữa con người với con người. Nhưng làm báo để có điều thuận lợi là mình có thể viết, có thể làm cầu nối với những số phận. Đây là điều mà mình cảm thấy hạnh phúc nhất khi làm phóng viên theo mảng y tế”.
13 năm viết về lĩnh vực y tế, chị Trần Thị Nhất Hương, phóng viên Kênh thời sự Chính trị, Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh (VOH) đã gặp những người thầy thuốc hy sinh thầm lặng không cần cuộc đời ghi nhận công lao. Đó là những bác sĩ, y tá, điều dưỡng ngày đêm lau rửa những vết loét hoại tử, bốc mùi của bệnh nhân phong, tắm rửa, chăm sóc cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối. Chị đã lắng nghe những chuyện chia sẻ bên lề không máy ghi âm, không phỏng vấn.
Nhà báo Nhất Hương chia sẻ: “Có những chuyện như những người thầy thuốc phải đồng nhiễm lao, lao màng não, những người phải phơi nhiễm lao, thậm chí có những người bị suy tĩnh mạch do đứng quá lâu để mổ cho bệnh nhân. Những điều đó chúng ta không hề biết mà chỉ nhìn những bề nổi là bệnh nhân xuất viện trở về nhà, gia đình được hạnh phúc”.
Những câu chuyện về người thân bệnh nhân hiến tạng cứu sống những con người xa lạ của phóng viên đã giúp người đọc về vận động gia đình đi đăng ký hiến tạng… Những phóng viên y tế, cảm thông những nỗi đau tận cùng của bệnh nhân, ghi nhận những cuộc đời mới từ bàn tay kỳ diệu của những người thầy thuốc là lời cảm ơn nghề, cảm ơn cuộc đời còn bao điều tốt đẹp cần hướng tới.