Cụ Hoàng Nam Cường và tác giả. |
Câu chuyện thứ nhất
Vào những ngày tháng 8 lịch sử này, tôi lại ngược quốc lộ 3, vượt đèo Giàng, đèo Gió về nơi đầu nguồn cách mạng để gặp trực tiếp hai cụ lão thành cách mạng đã gần 100 tuổi là nhân chứng cuối cùng trong vụ máy bay Mỹ bị quân Nhật bắn rơi tại cánh đồng Bản Ngần cách thị xã Cao Bằng 5 km vào tháng 10 năm 1944. Trung úy phi công Mỹ Uyliam Sahw nhảy dù đã may mắn được lực lượng bán vũ trang địa phương che dấu trước sự lùng sục gắt gao của quân đội Nhật. Sau đó, Uyliam Sahw đã được Hồ Chủ Tịch đưa sang Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc trao trả cho Đại diện Phái bộ Đồng minh…
Cụ Hoàng Tuấn Sơn trò chuyện với Giám đốc sở Ngoại vụ Cao Bằng Lê Bá Vũ. |
Đến đầu xã Đề Thám, anh Lê Bá Vũ, Giám đốc sở Ngoại vụ Cao Bằng bảo lái xe dừng lại để hỏi thăm đường vào nhà cụ Hoàng Nam Cường. Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo con đường làng đến ngôi nhà cấp 4, mái lợp ngói âm dương nằm lọt thỏm giữa vườn cây. Thấy có khách đến thăm, cụ Hoàng Nam Cường, Lão thành cách mạng năm nay đã 90 tuổi đang nằm nghe đài từ từ nhỏm dậy tiếp khách. Sau khi nghe anh Vũ trình bày có Nhà báo ở Hà Nội lên muốn được nghe cụ kể lại việc nuôi, dấu viên phi công Mỹ rơi ở cánh đồng Bản Ngần năm 1944, cụ cười móm mém bảo: Chuyện khác thì tôi không nhớ, nhưng chuyện cho cái tay phi công Mỹ mặc áo Thổ, đầu đội mũ nồi, cải trang đi trốn thì tôi vẫn nhớ như hôm qua thôi: Đầu năm 1944 quân đội Nhật, Pháp vẫn xâm chiếm nước ta, quân Việt Minh thì vẫn đang còn hoạt động nửa bí mật, nửa công khai. Tôi nhớ lúc đó đang là mùa gặt khoảng tháng 10 năm 1944, vào 4 - 5 giờ chiều có một máy bay lượn vòng tròn trên bầu trời thị xã Cao Bằng, sau đó nghe một loạt tiếng súng nổ, một lúc sau thì thấy chiếc máy bay lao xuống cánh đồng Bản Ngần. Anh em được lệnh tìm đến chỗ máy bay rơi thì một người dân gặt lúa gần đó nói rằng phi công đang nấp trong ngôi chùa của làng. Anh em vào chùa tìm nhưng không thấy, nhìn quanh thì phát hiện những vết giầy đi ra phía sau chùa. Đoán chắc viên phi công thấy ở chùa không an toàn đã đi vào nấp trong khe núi, lúc này trời đã nhá nhem tối. Sáng hôm sau, một người của ta đi vào trong khe núi tìm viên phi công, vừa đi vừa huýt sáo báo hiệu… lúc lâu sau, thấy viên phi công từ trong khe núi đi ra quỳ xuống giơ hai tay hàng. Sau đó giao nộp 1 con dao, 1 súng ngắn, 1 bao da đeo quanh người trong có mấy loại tiền và thuốc men. Thời điểm đó tôi vẫn đang hoạt động bí mật nhưng được cấp trên giao phụ trách tổng Tượng Yên, khi anh em dẫn phi công Mỹ về thì tôi được cơ sở báo là quân đội Nhật cũng đang đi truy lùng bắt phi công Mỹ. Để tránh bị phát hiện, tôi lấy một cái áo dài Thổ bảo viên phi công mặc và đội chiếc mũ nồi lên đầu rồi rút lên núi. Do có tiền Đông dương của phi công Mỹ mang theo, tôi nhờ bà con mua giúp 1 con gà luộc và nấu 2 nắm cơm nếp cho viên phi công ăn. Vì ngày hôm trước nhịn đói, nên khi tôi đưa gà và cơm nếp cho ăn, viên phi công đã cầm ngay con gà luộc xé ăn một loáng đã hết… Theo lệnh của cấp trên, tối hôm đó tôi đưa viên phi công Mỹ tắt rừng đi về phía bờ sông để chờ anh Hoàng Tuấn Sơn đến đón. Trong khi ngồi chờ, viên phi công Mỹ ra hiệu hỏi tên tôi, nhưng vì giữ bí mật tôi không nói rõ họ tên, địa chỉ mà chỉ nói tên là Cường. Nghe nói gần đây con cháu viên phi công Mỹ đã lên Cao Bằng, khi tìm đến ngôi chùa Bản Ngần cứ đi hỏi người tên Cường nhưng không thấy... Có lẽ vì thời gian lâu quá rồi, nên cũng không ai nhớ và biết tôi đang sống ở xã bên cạnh…
Câu chuyện thứ hai
Ông Hoàng Tuấn Sơn năm nay 95 tuổi. Ông là một trong những người lãnh đạo, tổ chức cướp chính quyền năm 1945 ở Lạng Sơn, sau này lại làm Chủ tịch UBHC tỉnh Cao Bằng. Trong ngôi nhà nhỏ ở phường Hợp Giang, thị xã Cao Bằng ông chậm rãi kể cho tôi nghe câu chuyện 68 năm về trước:
Năm 1944 tôi là cán bộ Liên Tỉnh ủy Cao Bắc Lạng được trên phân công phụ trách Cao Bằng. Khi được anh em báo tin máy bay Mỹ rơi và đã đưa được phi công đến nơi an toàn, tôi liền xuống đón để đưa về Liên Tỉnh ủy đóng ở Lam Sơn. Thời gian này phát xít Nhật khủng bố rất gắt gao, đi lại khó khăn vì vậy chúng tôi phải ngày nghỉ, đêm đi. Trước khi đi chúng tôi nấu cơm Lam, làm thịt chim ngói bẫy được để đãi viên phi công Mỹ rồi lên đường. Đi bộ không quen, lại đi đêm nên viên phi công Mỹ đi rất chậm. Hôm sau đến một gia đình cơ sở, tôi nhờ họ vào thị xã mua hộ 1 đôi giày vải và 1 cái đèn pin về đưa cho viên phi công Mỹ. Bỏ được đôi giày cao cổ nặng trịch, đi đôi giày vải nhẹ nhõm, viên phi công tỏ ra rất phấn khởi liền tặng lại cho gia đình hộp kim chỉ mang theo. Để an toàn, tôi đã nhờ hai thanh niên trong làng đóng cho cái Mảng để đi đường sông, trên mảng có kê 1 tấm ván cho viên phi công nằm. Chập tối chúng tôi bắt đầu lên đường, khi về gần đến Lam Sơn, chúng tôi lại bỏ Mảng đi bộ tắt qua núi về làng tôi nằm gần Liên Tỉnh ủy. Về đến nhà, tôi bảo người nhà mổ gà làm cơm, cả nhà ai cũng ngạc nhiên vì lần đầu tiên có người ngoại quốc đến ăn ngủ ở nhà. Sáng hôm sau tôi đưa viên phi công lên trú ở một hang đá bên sườn núi, rồi về nhà viết thư đưa giao liên chuyển sang Liên Tỉnh ủy báo tin đã đưa được phi công Mỹ về, Tỉnh ủy cho người đến đón. Sau đó, ông Phạm Văn Đồng lúc đó là cố vấn cho Liên Tỉnh ủy Cao Bắc Lạng đã viết thư cho tôi báo rằng chiều tối đồng chí Bằng Giang sẽ đến đón. Ông Phạm Văn Đồng còn cẩn thận viết riêng một lá thư bằng tiếng Anh gửi cho viên phi công Mỹ. Không biết nội dung thế nào, nhưng tôi thấy viên phi công nằm ngâm nga đọc tỏ vẻ thích thú lắm. Chiều muộn, đồng chí Bằng Giang và một người nữa đến đón, viên phi công bịn rịn như không muốn đi. Trước khi chia tay, viên phi công lấy khẩu súng ngắn và chiếc đồng hồ đeo tay tặng tôi, nhưng tôi cám ơn, không nhận. Tiễn đồng chí Bằng Giang và viên phi công Mỹ ra tận đầu làng tôi mới quay trở về, lúc này hoàng hôn buông xuống, bóng tối đã bắt đầu lan tỏa.
Ghi chép của Hà Huy Hoàng