Khi Bắc Kinh nới lỏng các biện pháp phong tỏa do Covid-19, mọi người lo lắng kinh tế Trung Quốc sẽ quay trở lại quỹ đạo tích cực như thế nào? (Nguồn: Reuters) |
Trung Quốc đang dần chuyển hướng chính sách phòng dịch, mở cửa biên giới mạnh mẽ, thể hiện dấu hiệu phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, quốc gia này cũng đang trải qua làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát, dẫn đến niềm tin của thị trường vào sự phục hồi trở nên mong manh. Điều này ít nhiều đã làm lộ ra nhiều "nốt trầm" của nền kinh tế lớn nhất châu Á.
Kinh tế Trung Quốc quay lại quỹ đạo tích cực như thế nào?
Ba năm qua, chính phủ Trung Quốc kiên trì biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt “Zero Covid”, điều này đã mang lại những lợi ích cho nền kinh tế, đặc biệt là trong hai năm đầu của đại dịch. Khi toàn thế giới vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh thì nước này đã phục hồi mạnh mẽ, quay lại trật tự kinh tế bình thường sau 1-2 quý, trở thành nền kinh tế thoát khỏi bóng đen dịch bệnh sớm nhất.
Thời điểm đó, nhiều đơn hàng quốc tế đổ xô về Trung Quốc, thúc đẩy xuất nhập khẩu thương mại năm 2021 tăng mạnh 21,4%. Thị trường phổ biến đánh giá tích cực thành tựu kinh tế “ưu tiên sinh mạng” trong phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc, dự đoán sau khi nước này mở cửa trở lại sẽ tạo ra cú hích hồi sinh mạnh mẽ cho thị trường toàn cầu.
Trong một bài báo vào tháng 6/2020, nhiều nhà phân tích bất động sản cho rằng, nếu Singapore nới lỏng hạn chế nhập cảnh sẽ có nhiều người nước ngoài mua nhà riêng tràn vào nước này để “mua trả đũa”, chủ yếu là người Trung Quốc, kích thích khối lượng giao dịch nhà riêng cao cấp tăng 20%-30% trong ngắn hạn.
Hiện nay Trung Quốc sắp mở cửa hoàn toàn, nhưng quan điểm của các nhà phân tích thị trường lại không lạc quan tích cực như thời trước đây. Phần lớn cho rằng, quốc gia Đông Bắc Á mở cửa trở lại sẽ chỉ giúp giá nhà ở tư nhân ổn định hoặc tăng nhẹ, không xuất hiện hiện tượng “mua trả đũa”.
Phùng Chu, Chủ tịch khu vực của công ty bất động sản Propnex nhấn mạnh, Trung Quốc mở cửa có thể đồng nghĩa với việc gia tăng người nhập cư, đồng thời, một số người giàu cũng có thể quay về nước này. Ngoài ra, thuế trước bạ bổ sung (ABSD) của người nước ngoài mua nhà tăng lên mức 30% sẽ kiềm chế nhu cầu từ người mua Trung Quốc.
Từ cấp độ kinh tế, một số chuyên gia của Singapore nhấn mạnh, tiến trình tái mở cửa của Trung Quốc tồn tại các nhân tố không xác định.
Toàn Đức Kiện, Giám đốc bộ phận kinh tế toàn cầu và nghiên cứu thị trường của ngân hàng UOB nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, kỳ vọng về sự tái mở cửa biên giới và du lịch thương mại xuyên biên giới đến Trung Quốc phục hồi nhanh chóng không quá cao.
Quốc gia này xuất hiện tỷ lệ lây nhiễm cao cũng có thể gây nên rắc rối cho chuỗi cung ứng, các sản phẩm đến từ Trung Quốc đối diện rủi ro bị gián đoạn khiến cho giá cả tăng cao.
Trong thời kỳ Bắc Kinh phòng dịch nghiêm ngặt, thị trường vẫn duy trì tâm lý lạc quan, ngược lại, khi nới lỏng các biện pháp phong tỏa thì mọi người lo lắng kinh tế sẽ quay trở lại quỹ đạo tích cực như thế nào?
Kinh tế Trung Quốc phát triển khiến mọi người “vừa mừng vừa lo”, đây là một điều nghịch lý. Rốt cuộc là do kỳ vọng quá cao đối với tác động kinh tế mang lại từ việc mở cửa hoàn toàn trước đó, hay sự điều chỉnh lặp đi lặp lại các biện pháp phong tỏa trong ba năm qua, cũng như mối quan ngại tình hình dịch bệnh tái bùng phát hiện nay khiến mọi người không lạc quan như trước kia về tình hình phục hồi?
Nốt thăng xen lẫn nốt trầm
Trên thực tế, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu, triển vọng kinh tế sau khi mở cửa của Trung Quốc vẫn nhận được sự đánh giá tích cực của nhiều người.
Jonathan Garner, nhà chiến lược của công ty đầu tư Morgan Stanley, nhấn mạnh rằng, hiện nay là giai đoạn cuối cùng suy giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc trong hai năm qua, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến sẽ được cải thiện sau Tết Nguyên đán, tốc độ tăng trưởng năm nay có thể đạt 5,4%.
Một số nhà đầu tư duy trì thái độ lạc quan đối với thị trường Trung Quốc, tiếp tục nắm giữ cổ phiếu thay vì cắt lỗ. Trong mắt họ, kinh tế Trung Quốc có sức bền và sức sống mạnh mẽ, hơn nữa có hơn 1,4 tỷ dân, không thể bỏ qua quy mô thị trường và lợi thế kinh tế từ dân số lớn như vậy.
Trung Quốc luôn dẫn đầu các lĩnh vực công nghệ mới như kho vận (logistics), thương mại điện tử, cũng như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain), điện toán đám mây và dữ liệu lớn… Do đó, sự phát triển của nước này trong giai đoạn tiếp theo vẫn rất lạc quan.
Tuy nhiên, tác động của việc phong tỏa để phòng chống dịch bệnh trên quy mô lớn đối với nền kinh tế trong những năm gần đây cũng là một thực tế không thể chối cãi. Mặc dù các công ty công nghệ lớn ở Trung Quốc vẫn đang ở trạng thái phát triển, nhưng cùng với việc thị trường bão hòa, sự nhiệt tình của nhà đầu tư và người tiêu dùng đã dần phai nhạt, một số công ty đã bắt đầu sa thải mạnh nhân viên.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đối diện với nhiều vấn đề như quy mô nợ công gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng mạnh, vốn nước ngoài rút lui, sự phát triển quá mức của các thành phố địa phương, lợi thế dân số trở thành gánh nặng dân số…
Trên thực tế, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh trong 20 năm qua, hiện nay phải đối mặt với sự giảm tốc là điều không thể tránh khỏi. Đây là vấn đề điển hình của nhiều quốc gia đang phát triển, không nước nào có thể duy trì tăng trưởng tốc độ cao mãi mãi.
Nếu quản lý kinh tế một quốc gia cũng giống như điều hành kinh doanh, chỉ đơn thuần tập trung vào tăng trưởng lợi nhuận, thì nhiều vấn đề kinh tế có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Đáng tiếc, dự đoán xu hướng kinh tế giống như dự đoán giá dầu, không bao giờ đơn giản xuất phát từ góc độ cung cầu, mà nó liên quan đến những tranh chấp chính trị và ý thức hệ phức tạp hơn.
Sau khi Bắc Kinh mở cửa hoàn toàn và trải qua những xáo trộn trong ngắn hạn, dự kiến kinh tế sẽ tiếp tục phát triển ổn định.
Tuy nhiên, 3 năm qua giống như một bước ngoặt của nền kinh tế Trung Quốc, thời kỳ phát triển năng động của nền kinh tế đã khép lại, sắp tới sẽ là một kỷ nguyên mới với nhiều thăng trầm và kém huy hoàng hơn so với quá khứ?