📞

Những nữ lãnh đạo truyền cảm hứng

Hạnh Lê 15:09 | 08/03/2023
Họ là những nhà lãnh đạo không ngại phá vỡ rào cản và mở ra con đường riêng của chính mình, trở thành tấm gương cho thế hệ lãnh đạo phụ nữ tiếp theo.

Nữ hoàng Anh Elizabeth II (1926-2022)

Nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Được trao vương miện vào ngày 2/6/1953 khi chỉ mới 27 tuổi, Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành người trị vì lâu nhất trong lịch sử nước Anh, đồng thời có tầm ảnh hưởng chính trị lớn trên thế giới trong vòng 70 năm qua.

Bà được ghi nhận là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc Anh.

Nữ hoàng Elizabeth II đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nhà lãnh đạo nữ mới nổi, thông qua những thành tựu tiêu biểu như việc dẫn dắt Khối thịnh vượng chung Anh, những đóng góp lớn vào việc phi thực dân hóa một số quốc gia và cam kết của bà đối với đất nước trong Thế chiến II.

Vào ngày 8/9/2022, Nữ hoàng Elizabeth II đã qua đời ở tuổi 96, sau bảy thập kỷ trị vì và chứng kiến sự chuyển mình của nước Anh trong nhiều giai đoạn. Đây cũng là người phụ nữ hiếm hoi khiến các nhà lãnh đạo từ khắp nơi trên thế giới phải tụ họp tại London để tiễn biệt và bày tỏ lòng tiếc thương trước sự ra đi của bà.

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel

Cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Bà Angela Merkel từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng cho tất cả các nữ chính trị gia đầy tham vọng. Từ năm 2005, bà trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của cường quốc châu Âu và đảm nhiệm vị trí này trong suốt ba nhiệm kỳ liên tiếp, góp phần định hình nền chính trị không chỉ của Đức mà cả châu Âu.

Được mệnh danh là nhà lãnh đạo “thực tế” của châu Âu và “người đàn bà thép” của nước Đức, bà đã giúp giữ đồng Euro vững mạnh và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) hội nhập, cũng như phát triển kinh tế Đức vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp và khi thế giới gặp khó khăn do các cuộc suy thoái.

Đồng thời, nữ Thủ tướng đưa Đức trở thành quốc gia đi đầu về công cuộc cải cách năng lượng để giúp chống lại biến đổi khí hậu, khi đóng cửa 8 trong số 17 lò phản ứng hạt nhân của nước này, từ đó truyền cảm hứng cho các quốc gia trong khu vực.

Những thành tựu lớn trong suốt sự nghiệp chính trị kéo dài hơn bà thập niên đã giúp bà Angela Merkel nhiều lần liên tiếp đứng đầu danh sách nữ lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của Forbes.

Bà Arianna Huffington - Người sáng lập HuffPost và Thrive Global

Bà Arianna Huffington - Người sáng lập HuffPost và Thrive Global.

Bằng việc xây dựng đế chế kinh doanh của riêng mình, bà Arianna Huffington đã góp phần vào việc nâng cao vai trò phụ nữ trên toàn cầu. Bà là người sáng lập trang tin nổi tiếng The Huffington Post (hay còn gọi là HuffPost), đồng thời là tác giả của hơn 10 cuốn sách.

Được thành lập từ năm 2005, The Huffington Post là tờ báo điện tử đầu tiên giành được giải thưởng Pulitzer. Đến tháng 3/2011, AOL đã mua lại tờ báo với giá 315 triệu USD. Sau đó, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Huffington Post đã rời đi vào năm 2016 để thành lập “Thrive Global” - công ty về công nghệ và chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh những hoạt động trong chính trị, bà Arianna Huffington đã có những đóng góp tích cực cho tiến bộ xã hội, trong đó đáng chú ý nhất là nỗ lực chống lại sự nóng lên toàn cầu. Có thể nói, bà là một ví dụ điển hình cho câu nói: “Những gì đàn ông có thể làm, phụ nữ có thể làm tốt hơn”.

Bà Oprah Winfrey - Nữ hoàng truyền hình

Bà Oprah Winfrey - Nữ hoàng truyền hình.

Người dẫn chuyện, giám đốc truyền thông, nhà sản xuất truyền hình, diễn viên, tác giả sách, nhà hoạt động từ thiện Oprah Winfrey thực sự là hình mẫu cho tất cả các nhà lãnh đạo nữ trẻ và mới nổi hiện nay.

Bà đã gây tiếng vang nhờ chương trình trò chuyện The Oprah Winfrey Show (1986-2011).Với phong cách phỏng vấn độc đáo và hấp dẫn, bà Winfrey đã giúp mọi người trở nên cởi mở hơn với nhiều chủ đề trong cuộc sống, từ đó thu hút người xem trên khắp thế giới trong suốt 25 năm. Chương trình đã mang lại tổng doanh thu khổng lồ 125 triệu USD chỉ trong năm đầu tiên và 30 triệu USD đã thuộc về bà Winfrey.

Bà Winfrey đã trở thành nữ tỷ phú da đen đầu tiên trên thế giới và hiện là một nhà từ thiện hảo tâm. Trong đó, bà đặc biệt ủng hộ giáo dục cho trẻ em gái trên toàn thế giới và “Mạng lưới Thiên thần của Oprah” đã quyên góp được hơn 50 triệu USD.

Ngoài ra, bà đã thể hiện khả năng diễn xuất của mình tại Hollywood trong các bộ phim The Butler, The Color Purple và Beloved.

Bà Sheryl Sandberg - cựu Giám đốc điều hành Facebook

Bà Sheryl Sandberg - cựu Giám đốc điều hành Facebook.

Từ năm 2008-2022, bà Sheryl Sandberg là Giám đốc điều hành của nền tảng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới - Facebook. Trước đó, bà từng đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch mảng quảng cáo và bán hàng trực tuyến toàn cầu của Google.

Sau khi gia nhập và trở thành lãnh đạo của Facebook, bà đã xoay chuyển tình thế, giúp biến khoản lỗ 56 triệu USD của “gã khổng lồ truyền thông xã hội” thành lợi nhuận 22,1 triệu USD trong năm 2018.

Năm 2021, bà Sheryl Sandberg đã trở thành nữ thành viên đầu tiên trong Hội đồng quản trị của Facebook. Là một cổ đông lớn của Facebook, bà đã lọt vào danh sách tỷ phú của Forbes từ năm 2014, với tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.

Bà Anna Wintour - Tổng biên tập tạp chí Vogue

Bà Anna Wintour - Tổng biên tập tạp chí Vogue.

Bà Anna Wintour được thế giới công nhận là một trong những người phụ nữ quyền lực có ảnh hưởng và đóng góp nhiều nhất trong việc dẫn dắt ngành thời trang.

Một năm sau khi trở thành Tổng biên tập tạp chí Vogue của Anh, bà đảm nhận vai trò Tổng biên tập tạp chí Vogue của Mỹ từ năm 1988, giúp hồi sinh tạp chí này và thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận xuất bản của ngành thời trang.

Bà thậm chí còn là hình mẫu cho nhân vật chính trong The Devil Wears Prada - bộ phim đã khiến hàng triệu người đã tìm hiểu về Tổng biên tập tạp chí Vogue. Theo trang Business of Fashion, bà là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong giới thời trang.

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu

Bà Christine Lagarde - Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu.

Bà Christine Lagarde là một chính trị gia, luật sư người Pháp và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức Bộ trưởng Tài chính Pháp (2007-2011).

Sau đó, bà đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và chính thức trở thành nữ Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Trung ương châu Âu kể từ năm 2019.

Trong những năm gần đây, người đứng đầu Ngân hàng Trung ương châu Âu đã vướng vào một số tranh cãi, cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc cân bằng đồng Euro do đại dịch Covid-19 và khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Tuy nhiên, bà Christine Lagarde vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình và phá vỡ mọi định kiến xoay quanh người phụ nữ trong ngành ngân hàng và tài chính.

Bà Michelle Obama - cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ

Bà Michelle Obama - cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ

Bà Michelle Obama là phu nhân của Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ. Khi còn là Đệ nhất phu nhân Mỹ (2009-2017), bà chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến lối sống lành mạnh, nghèo đói và giáo dục, với trọng tâm là trao quyền cho phụ nữ và những người yếu thế trong xã hội Mỹ.

Bà Michelle Obama tốt nghiệp hạng ưu ngành xã hội học tại Đại học Princeton năm 1985, trước khi theo học trường Luật Harvard ở Boston - nơi bà gặp ông Barack Obama. Sau đó, bà đã hành nghề luật sư tại Sidley Austin, một công ty ở Chicago.

Cựu Đệ nhất phu nhân Mỹ nổi tiếng với những bài phát biểu mạnh mẽ và có sức lan tỏa trong thời gian còn ở Nhà Trắng. Hiện tại, bà đang cùng ông Obama điều hành một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Chicago (Mỹ) với tên gọi “The Obama Foundation”. Được thành lập từ năm 2014, tổ chức này hướng tới truyền cảm hứng, trao quyền và kết nối mọi người để thúc đẩy sự tiến bộ trên thế giới.

(tổng hợp)