Đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội và mặc dù chảy trong mình dòng máu thuần Việt, nhưng chị Yên Ly đã được nuôi dạy và học tập ở 5 quốc gia trên 3 châu lục rộng lớn: Thụy Điển, Nhật Bản, Anh Quốc, Bỉ và Mỹ.
Là một chuyên gia nghi thức quốc tế, đồng thời cũng là một người rất am hiểu về văn hóa của nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, chị trải lòng về những kỷ niệm mang đậm màu sắc văn hóa ở 5 quốc gia khác nhau mà chị đã từng sinh sống.
Chị Trần Yên Ly là một chuyên gia nghi thức quốc tế. (Ảnh: NVCC) |
Đâu là những trải nghiệm đa văn hóa ở từng quốc gia mà chị đã có thời gian sinh sống, học tập và làm việc?
Khi mới được 20 tháng tuổi, tôi đã được bố mẹ đưa sang Thụy Điển nên tôi và đất nước này không có nhiều ký ức. Song, Thụy Điển vẫn luôn khiến tôi nhớ tới bởi những chi tiết rất đời thường. Lúc chập chững vào mầm non, lớp học của tôi rất hay làm bánh mì cuộn hương quế (cinnamon rolls), điều đó khiến mỗi khi thấy bánh quế, ngay lập tức tôi sẽ nhớ đến Thụy Điển. Bên cạnh đó, cứ mỗi tối mùa hè ở Thụy Điển là người ta sẽ được chiêm ngưỡng rất nhiều khinh khí cầu bay lên trời.
Nước tiếp theo tôi có cơ hội được sinh sống và trải nghiệm là Nhật Bản. Thời gian ở Nhật có lẽ là những mẩu ký ức hạnh phúc và đẹp nhất trong tuổi thơ. Tôi yêu mọi thứ ở Nhật Bản, từ văn hóa, đồ ăn, thời trang, truyện tranh và cả những hoạt động dành cho trẻ em nữa. Ở đây, tôi cảm thấy rất an toàn, nên lúc lên 6 tuổi tôi đã “mạo hiểm” tự đi đến trường một mình. Giờ học kết thúc, tôi cũng tự chơi với các bạn đến 6-7h tối mới về nhà. Đây là những nếp sống hết sức thường nhật ở Nhật Bản.
Anh Quốc là nơi tôi dành thời gian gắn bó lâu nhất, lên đến 10 năm. Nước Anh chính là nơi đã hình thành nên văn hóa giáo dục của tôi. Tôi bắt đầu đam mê đọc sách, thích đi bảo tàng, hứng thú với việc xem kịch, học kịch, thậm chí là đóng kịch. Có thể nói Anh chính là đất nước có ảnh hưởng lớn lên nét tính cách tò mò, thích khám và nền tảng văn hóa của tôi nhiều nhất.
Bỉ là trạm dừng chân tiếp theo - một đất nước rất bình yên, đơn giản. Ký ức của tôi với Bỉ gắn liền với một vài thanh chocolate hay khu rừng trong thành phố mà tôi rất thích đi.
Mỹ - quốc gia đa chủng tộc đã khiến tôi bạo dạn hơn rất nhiều. Hồi đó, tôi ở thành phố San Francisco, gần Thung lũng công nghệ silicon đình đám, nên tinh thần khởi nghiệp lúc nào cũng hừng hực. Chính vì lẽ đó mà sau này tôi mới có động lực để thành lập một học viện về nghi thức và văn hóa của riêng mình.
Chị đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của việc tìm hiểu văn hóa của các nước trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay?
Với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, theo tôi, việc hiểu biết về văn hóa các quốc gia trên thế giới là vô cùng quan trọng. Nếu hiện tại chúng ta ở Việt Nam và đang ngồi xem một bộ phim Hàn Quốc, người Hàn Quốc có thể cũng đang xem một bộ phim tương tự trên kênh truyền hình của họ.
Điều này có nghĩa là, khi chúng ta, những cá thể với những văn hóa, bản sắc quốc gia khác nhau, cùng thảo luận về một vấn đề, mỗi người nên tìm hiểu và nhận thức về những điểm nhạy cảm của từng nét văn hóa trong buổi thảo luận đó để tránh những hiểu lầm, khúc mắc, thậm chí là hiềm khích giữa hai bên.
Chị hãy chia sẻ về những lợi ích mà một người đa văn hóa như chị sở hữu?
Việc sinh sống và học tập ở 5 quốc gia trên 3 châu lục khác nhau đã khiến tôi trở thành một người rất hòa đồng với mọi người xung quanh. Bởi lẽ hễ gặp chuyện gì, trong tình huống nào, tôi cũng sẵn sàng mở lòng lắng nghe và chia sẻ với mọi người. Khả năng thích nghi, hòa nhập vào một môi trường mới, cộng đồng mới của tôi cũng khá tốt, phần nhiều do đã được tiếp xúc và gặp gỡ được rất nhiều kiểu người đa dạng với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Có những tình huống hiểu lầm nào nảy sinh giữa các nền văn hóa mà chị đã từng trải nghiệm trực tiếp hoặc chứng kiến?
Khá thú vị là sau bao nhiêu quốc gia đã sinh sống như vậy, những tình huống “va chạm” văn hóa ở Việt Nam lại là những tình huống khiến tôi bị hiểu lầm nhiều nhất. Tôi là người Việt Nam, nhưng vì thời gian sinh sống ở Việt Nam khá ít ỏi, nên mỗi lần sử dụng tiếng Việt tại chính đất nước của mình thì mọi người mới nhận ra là tôi không “Việt Nam” đến thế.
Ví như có lần đang ngồi xe taxi tại Việt Nam, tôi nghĩ mãi không nhớ ra được cụm từ “rẽ tay phải” bằng tiếng Việt để chỉ cho bác tài xế. Thế là tôi ú ớ nói tiếng Anh, trong khi chất giọng tiếng Việt vẫn rất thuần Việt. Kết quả là một tình huống khó xử giữa anh tài xế và tôi nảy sinh.
Thời gian ở Nhật có lẽ là những mẩu ký ức hạnh phúc và đẹp nhất trong tuổi thơ của Yên Ly. (Ảnh: NVCC) |
Theo chị, khó khăn lớn nhất khi trở thành một người đa văn hóa là gì?
Tuổi thơ của tôi tuy được trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng đặc ân này dường như khiến tôi thiếu cảm giác ổn định. Sau khi có con, tôi chợt hiểu ra một môi trường ổn định rất quan trọng cho sự phát triển của một đứa trẻ.
Chị có thông điệp gì muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ trong bối cảnh giao thoa và hội nhập văn hóa đa dạng như hiện nay không?
Giữa bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, kết hợp cùng với thời đại số, những thông tin xuất hiện rất nhiều, rất đa dạng và rất tiện để tìm kiếm trực tuyến.
Vậy, để dễ dàng hội nhập văn hóa, mỗi người trẻ cần luyện tập cho mình khả năng quan sát để hiểu các nền văn hóa thông qua một cách ứng xử riêng. Đồng thời, hãy duy trì tính tò mò và kĩ năng tự tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi những nền văn hóa đó.
Xin cảm ơn chị!
Lần đầu được đề cập bởi nhà xã hội học người Mỹ Ruth Useem vào những năm 1950, cụm từ “third-culture kid” (tạm dịch: đứa trẻ thuộc nền văn hóa thứ ba) đã và đang được phổ biến ngày càng rộng rãi trong bối cảnh hội nhập và giao thoa văn hóa không ngừng như hiện nay. “Third-culture kid” ám chỉ những đứa trẻ lớn lên trong những môi trường văn hóa khác với quê hương gốc của bố mẹ mình. Những đứa trẻ này có thể tạo ra sự liên kết với nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng chúng không thực sự thuộc về một nền văn hóa nhất định nào cả. Thông thường, những “third-culture kid” có bố mẹ là những nhà ngoại giao, những người giữ chức vị trong quân đội hoặc những cá nhân làm việc cho các tổ chức quốc tế khác. Những bậc phụ huynh này sẽ phải di chuyển thường xuyên do tính chất công việc của mình, nên việc thay đổi môi trường sống của con cái là điều không thể tránh khỏi. |
| Jimmy Phạm: Mong tìm người đủ 'tâm' và 'tầm' để kế nhiệm công việc giúp đỡ trẻ em đường phố Trò chuyện với TG&VN, Jimmy Phạm cho biết khoảng thời gian ở Việt Nam cùng những trẻ em đường phố đã mang lại cho ông ... |
| Công dân toàn cầu phải biết yêu quê hương Theo anh Chu Đình Tới - Nghiên cứu sinh sau Tiến sĩ Marie Curie của Liên minh châu Âu về Y học tại Khoa Y ... |