📞

Những văn kiện mở đường cho thương mại biên mậu

TS. Tôn Sinh Thành 09:54 | 23/08/2024
Biên giới có hai chức năng, vừa là “phên dậu” bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, vừa là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa với các nước láng giềng. Một thành quả to lớn mà Việt Nam đã đạt được kể từ Đổi mới đến nay là đã cơ bản phân định xong đường biên giới với các nước láng giềng, đặc biệt là với Trung Quốc.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Đường Gia Triền ký Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa hai nước tại Hà Nội, ngày 30/12/1999. (Nguồn: TTXVN)

Ngay sau khi quan hệ Việt Nam-Trung Quốc được bình thường hóa năm 1991, hai nước đã xúc tiến đàm phán, đạt được Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHDCND Trung Hoa vào ngày 30/12/1999, làm cơ sở cho hai bên tiến hành phân giới cắm mốc trên thực địa toàn tuyến biên giới dài 1.449,566 km giữa hai nước.

Với nhiều khó khăn, gian khổ, ngày 31/12/2008, hai bên tuyên bố hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền. Gần một năm sau, vào ngày 18/11/2009, hai nước ký 3 văn kiện gồm: Nghị định thư phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc.

Việc hoàn tất phân giới cắm mốc giữa hai bên đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử xây dựng đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc và mở ra một trang mới trong quan hệ hòa bình và hợp tác giữa hai nước. Ba văn kiện cơ bản về phân định biên giới, quản lý biên giới và quản lý cửa khẩu có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với việc bảo vệ biên giới lãnh thổ, mà còn tạo cơ sở thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Xe chở hàng hóa xuất khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh. (Ảnh: TTXVN)

Trong 25 năm qua kể từ khi biên giới được phân định rõ ràng đến nay, không chỉ hệ thống đường biên, mốc giới được giữ vững, chủ quyền lãnh thổ được bảo đảm mà hai bên còn mở thêm và nâng cấp hàng chục cửa khẩu, trong đó có năm cửa khẩu quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế biên mậu ngày càng nhộn nhịp, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, đồng thời củng cố và tăng cường quan hệ hòa bình và hữu nghị.

Thương mại biên mậu hai nước đạt con số không nhỏ, khoảng 40 tỷ USD/năm. Qua các cửa khẩu, Việt Nam xuất sang Trung Quốc nhiều loại nông sản chủ lực như gạo, rau quả, thủy sản, và đồ gia vị đồng thời nhập khẩu nhiều loại nguyên liệu thô, máy móc, linh kiện, thiết bị điện tử và hóa chất từ Trung Quốc để phục vụ sản xuất trong nước.

Cùng với sự phát triển thương mại biên giới, không thể tránh khỏi các vấn đề nhưng nhìn chung thương mại biên giới, nhất là giao thương giữa Việt Nam-Trung Quốc đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của cả hai bên, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và phát triển kinh tế khu vực biên giới. Ngược lại, quan hệ kinh tế hai nước và giữa các địa phương hai nước cũng góp phần ổn định biên giới, tạo thế từ xa để giữ vững an ninh, ổn định lâu dài biên giới quốc gia.

Bộ mặt biên giới nói chung, đặc biệt là biên giới Việt Nam-Trung Quốc sau 25 năm ký kết ba văn kiện đã hoàn toàn đổi khác, vừa có hòa bình, ổn định lại vừa giao lưu buôn bán sôi động. Đây là một thành quả to lớn, mà không phải nước nào trên thế giới cũng làm được, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, an ninh tại nhiều nơi trên thế giới vẫn còn đang diễn ra phức tạp.