Ăn côn trùng liệu còn đáng sợ như người ta vẫn nghĩ? |
Đặc sản từ côn trùng
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cách đây không lâu đã công bố báo cáo với tựa đề “Côn trùng ăn được: Triển vọng tương lai cho thực phẩm và chức năng”. Bản công bố đã chỉ ra những lợi ích về sức khỏe bắt đầu bằng chế độ ăn uống bổ sung bằng côn trùng.
Chuyên gia về dinh dưỡng của FAO nhận thấy, việc nuôi và tiêu thụ các loại côn trùng ăn được mang lại nguồn dinh dưỡng không nhỏ. Thực phẩm từ côn trùng giúp giảm cholesterol trong máu, chống béo phì, bù đắp canxi cho cả người lớn và trẻ nhỏ. Cùng một trọng lượng tương đương, côn trùng có giá trị dinh dưỡng ngang với nhiều loại thực phẩm như thịt, trứng. “Dế chứa lượng protein ngang với trứng và giá trị năng lượng thì tương đương với cá. Hàm lượng sắt có trong dế còn cao gấp đôi thịt bò”, nhà nghiên cứu nông học của FAO Serge Verniau khẳng định.
Trên thế giới, nhiều quốc gia có các món ăn làm từ côn trùng. Tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, món kẹo côn trùng thậm chí còn được xếp vào hạng sang trọng. Những chú dế hay ấu trùng ong vò vẽ được bọc chocolate hay được “hóa trang” thành những chiếc kẹo ngọt rất đắt khách ở bang Texas (Mỹ). Đến Mexico, thay vì mua một bịch bỏng ngô và một hộp nước ngọt đem vào rạp chiếu phim hay sân bóng đá, người dân nơi đây lại thường mang theo một đĩa châu chấu rang, mua ở các quán vỉa hè.
Châu Á có lẽ được xem là châu lục đứng đầu thế giới về số lượng cũng như chủng loại các món ăn từ côn trùng. Ở lndonesia, chuồn chuồn được làm sạch sẽ và lăn bột trước khi chiên. Còn Singapore từ lâu đã nổi tiếng vì món ăn độc đáo: bọ cạp nướng hay rán giòn ăn với măng tây, có vị bùi và thơm giống mùi vị của cua chiên.
Ăn chay đủ chất, khoa học đã trở thành một phong trào sống khỏe và an vui. |
Ăn chay lành mạnh
Ngày nay, ăn chay không còn là chế độ ăn chỉ dành cho những bậc tu hành. Ăn chay đủ chất, khoa học đã trở thành một phong trào sống khỏe đang được khuyến khích mạnh mẽ tại khắp nơi trên thế giới.
Nhiều người tưởng rằng đồ ăn chay sẽ không thể bù đắp lượng protein cần thiết để cung cấp cho cơ thể. Tiến sĩ Fred Stare, Viện Đại học Harvard (Mỹ) đã chứng minh quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, bằng cách so sánh giữa hai nhóm người ăn chay và ăn thịt. Kết quả cho thấy, nếu được ăn uống đầy đủ thì chất lượng Amino acids – các khối xây dựng protein trong cơ thể những người ăn chay, đều gấp đôi nhu cầu cần thiết.
Theo nghiên cứu khoa học thuộc trường Đại học British Columbia (Canada), chế độ ăn chay lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa các bệnh liên quan đến tim mạch, trước hết là bệnh tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Những người ăn chay thường có chỉ số xơ vữa mạch máu thấp. Trong loại thức ăn này có ít cholesterol, ít acit béo, nhiều vitamin, có tác dụng chống oxy hóa nên món chay rất thích hợp cho những ai muốn có hình dáng thon gọn và trẻ lâu.
“Ăn ít chất béo, theo hướng dẫn của Cơ quan sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia, chưa chắc có thể phòng ngừa được các bệnh nan y. Điều cần thiết là chúng ta phải ăn chay, với những thức ăn thanh đạm nhưng không kém phần bổ dưỡng”, Colin Campbell, nhà sinh hóa học và hiện là Giám đốc cơ quan nghiên cứu của trường Đại học Cornell (Mỹ) cho biết.
Thống kê của Viện Dinh dưỡng Mỹ cho thấy, hơn 15.000 người tại nước này đã được cứu sống mỗi năm, nhờ duy trì chế độ ăn uống lành mạnh. Một khẩu phần ăn có trái cây và rau xanh mỗi ngày giúp 7.000 người thoát khỏi bệnh tim mạch, gần 5.000 người tránh được các căn bệnh ung thư, và trên 3000 người khỏi bệnh đột quỵ.
Bát ngũ cốc từ hạt teff kết hợp với nho và mật ong có lợi ích cho sức khỏe và giúp giữ vóc dáng. |
“Siêu hạt” Teff
Được mệnh danh là “siêu hạt” của năm 2015 nên không có gì ngạc nhiên khi hạt Teff sẽ tiếp tục được săn đón ráo riết trong năm tới, bởi những lợi ích “vàng” cho sức khỏe và vóc dáng.
Có kích thước chỉ bằng 1/150 hạt lúa mì, song loại hạt này lại cung cấp nguồn protein và chất khoáng phong phú. Không chứa chất béo hay đường, hạt Teff là kết hợp của 8 loại amino acid cần thiết cho quá trình phát triển và chữa lành của cơ thể. Đồng thời, loại hạt siêu nhỏ này còn chứa một lượng canxi, magie, photpho, sắt, đồng, aluminum, barium, thiamin khá cao. Ngoài ra, trong hạt Teff còn có hàm lượng vitamin C mà hầu như phần lớn các loại hạt khác đều không có. Một cốc hạt teff có thể cung cấp phân nửa lượng vitamin B6 cần thiết mỗi ngày (trong khi đó một quả chuối chỉ có thể giúp bạn cung cấp 22% lượng cần thiết cho cơ thể).
Không chỉ là loại thực phẩm giàu năng lượng, hạt Teff còn có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là đối với người bị gút và tiểu đường. Chúng cung cấp những vi khuẩn có lợi cho cơ thể, đồng thời góp phần điều tiết lượng đường trong máu. Lượng sắt trong teff dễ dàng được hấp thu, nên được khuyên dùng với những người có hàm lượng sắt thấp.
Loại hạt này thường được sử dụng để làm bánh mì, salad, súp và các loại ngũ cốc. Bạn có thể dễ dàng chế biến hạt Teff hay thêm nó vào những món ăn hàng ngày. Một bát ngũ cốc từ hạt Teff kết hợp với nho và mật ong sẽ tạo thành một bữa sáng tuyệt vời.