📞

Niềm tin – Giá trị cốt lõi làm nên kỳ tích trong giáo dục

Trí Nhân 08:00 | 20/11/2024
Khi bạn đặt niềm tin vào thầy cô của mình, những nhà quản lí giáo dục đặt niềm tin vào đồng nghiệp của họ, những phụ huynh đặt niềm tin vào giáo viên, thì thứ niềm tin ấy sẽ được chuyển hóa thành sức mạnh, mang lại hy vọng và quả ngọt cho sự nghiệp “trồng người”.

Chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh và Hoàng Anh Đức chia sẻ về niềm tin – giá trị cốt lõi làm nên kỳ tích trong giáo dục.

Đã nhiều năm trôi qua nhưng ngôi trường Marie Curie luôn là nơi lưu mãi dấu ấn kỷ niệm của chị Tống Liên Anh (đại diện Tổ chức Laulau Learning Phần Lan tại Việt Nam). Nơi đây đã làm thay đổi cuộc đời chị, khiến những giá trị cốt lõi của niềm tin trở thành kim chỉ nam cho con đường mà chị theo đuổi trong cuộc sống sau này.

Rất nhiều người đã biết đến câu chuyện về tình thầy trò cảm động giữa thầy Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng trường Marie Curie) và cô trò nhỏ Tống Liên Anh. Chị Liên Anh chia sẻ, chính niềm tin bất chấp mọi quy tắc, giáo điều, luật lệ cứng nhắc của trường học mà thầy dành cho chị đã giúp chị có được điểm tựa tinh thần để vượt qua rất nhiều những thử thách, giới hạn trên con đường phát triển bản thân. Và cũng chính niềm tin mà chị dành cho người thầy đáng kính của mình là động lực và nguồn cảm hứng để chị quyết định tiếp bước thầy trên con đường giáo dục.

Chính vì vậy, dịp 20/11 khi cuốn sách Tin ở giáo viên (do TIMES xuất bản) vừa được ra mắt độc giả, chị Liên Anh chia sẻ: “Nhìn tựa đề sách đã khiến tôi muốn đọc ngay. Hai tác giả Timothy Walker và Pasi Sahlberg đã khẳng định tất cả các giáo viên đều nên được tin tưởng như những chuyên gia và chỉ có niềm tin mới là yếu tố cốt lõi giúp xây dựng nền giáo dục đẳng cấp thế giới”.

Chị Tống Liên Anh, đại diện Tổ chức Laulau Learning Phần Lan tại Việt Nam chia sẻ về cuốn sách Tin ở giáo viên.

Hoạt động trong lĩnh vực giáo dục chính là lợi thế giúp chị Tống Liên Anh có am hiểu sâu sắc về nhiều nền giáo dục trên thế giới, trong đó có Phần Lan – một quốc gia trao quyền cho các nhà giáo và nhận được thành tích đáng nể trong giáo dục: liên tục nằm trong TOP đầu bảng xếp hạng PISA (chương trình đánh giá học sinh quốc tế). Chị cho rằng xây dựng cơ chế niềm tin vào giáo dục cũng là điều mà giáo dục Việt Nam nên học hỏi. Hay nói cách khác, nền giáo dục đẳng cấp thế giới bắt đầu từ sự tin tưởng. Chân lý này được chị đúc kết từ chính câu chuyện cá nhân của mình, rồi tham chiếu với nhiều câu chuyện và nghiên cứu khác.

Mới đây, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội nội dung tóm tắt tờ trình dự thảo Luật Nhà giáo. Trong đó, tờ trình nêu: Hiến pháp năm 2013 (Điều 61) đã khẳng định "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài".

Vị trí nhà giáo tuy khó khăn nhưng cũng là cơ hội để thực hiện sứ mệnh quan trọng: phát triển nguồn nhân lực cho đất nước. Điều này đòi hỏi người thầy phải hiểu rõ những xu hướng trong giáo dục để tạo ra điều khác biệt. Cũng là một người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nhiều năm, TS. Hoàng Anh Đức – Tổng giám đốc Hệ thống Giáo dục Sky-line – cho rằng tương lai bền vững khởi đầu từ những niềm tin không lay động.

TS Hoàng Anh Đức, Tống giám đốc Hệ thống giáo dục Sky-line chia sẻ về cuốn sách Tin ở giáo viên.

Khi đọc Tin ở giáo viên, TS Hoàng Anh Đức cũng đánh giá đây là một cuộc khám phá sâu sắc về hệ thống giáo dục Phần Lan – một hệ thống giáo dục đã nhận được sự ngưỡng mộ toàn cầu nhờ những kết quả xuất sắc và cam kết không lay chuyển vào giá trị cốt lõi là niềm tin.

“Tại Phần Lan, niềm tin không chỉ là một khẩu hiệu; mà là một thực tế sống động bao trùm mọi khía cạnh của giáo dục. Giáo viên được tin tưởng để thiết kế chương trình giảng dạy, đưa ra các quyết định tốt nhất cho học sinh của họ, và hợp tác với đồng nghiệp cũng như phụ huynh mà không bị ràng buộc bởi bộ máy hành chính quá mức hoặc các biện pháp kiểm soát cứng nhắc. Niềm tin này không chỉ nâng cao vị thế của nghề dạy học ở Phần Lan mà còn dẫn đến những kết quả giáo dục đáng kể cho học sinh”, anh Hoàng Anh Đức nói thêm.

Ðối với các nhà giáo dục, nhà quản lý trường học và phụ huynh Việt Nam, “Tin ở giáo viên” mang lại những bài học vô cùng quý giá, phù hợp sâu sắc với những thách thức và khát vọng mà chúng ta đang đối mặt trong bối cảnh của chính mình; khuyến khích suy ngẫm về cách mà chúng ta có thể thúc đẩy văn hóa niềm tin trong các trường học.

Dịp 20/11 đang tới gần, dành trọn lời tri ân gửi lời người thầy của mình bằng cách đặt trọn “niềm tin” chính là món quá quý giá nhất mà chuyên gia giáo dục Tống Liên Anh và Hoàng Anh Đức lựa chọn.