Iran đang “chờ thời” để trả đũa quân sự Israel và Mỹ. (Nguồn: AP) |
Cách hành xử của Iran
Mặc dù Mỹ và Israel đã gây áp lực rất lớn lên Iran trong năm nay, song Tehran đã kiềm chế về mặt chiến thuật khi không đáp trả gắt gao. Giới lãnh đạo Iran có thể sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách này cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.
Iran đã phải chứng kiến nhiều vụ cháy nổ tại các khu quân sự và địa điểm hạt nhân nhạy cảm trong vài tháng qua, trong đó có cơ sở hạt nhân Natanz và khu phức hợp sản xuất tên lửa Khojir. Israel được cho là thủ phạm gây ra các vụ tấn công này, lý do là bởi bản chất phức tạp trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Israel cũng đã tấn công nhiều căn cứ quân sự được cho là có liên hệ với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trên lãnh thổ Iraq và Syria. Thế nhưng, Iran cũng không đáp trả bằng các vụ tấn công tương tự nhằm vào Israel.
Ngay cả Lãnh tụ Tối cao Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia Hồi giáo này, cũng tránh trực tiếp lên án Israel về các vụ nổ xảy ra ở các địa điểm hạt nhân. Ông cũng không ra lệnh cho IRGC thực hiện một cuộc tấn công lớn nhằm vào Israel, cho dù là do IRGC trực tiếp thực hiện hoặc thông qua các lực lượng ủy nhiệm của IRGC.
Tương tự, kể từ khi Tướng Iran Qassem Soleimani bị sát hại trong một cuộc không kích do Tổng thống Mỹ Donald Trump trực tiếp ra lệnh hồi tháng 1 năm nay, Tehran cũng chưa tấn công quân sự nhằm vào các lợi ích của Mỹ, cho dù giọng điệu đe dọa của Teheran ngày một gia tăng.
Iran đã bắn một vài quả tên lửa ít ỏi vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq sau cái chết của Tướng Soleimani nhưng không có binh sỹ Mỹ nào bị thiệt mạng, thậm chí có tin cho rằng Washington còn được cảnh báo trước về cuộc tấn công.
Lý do phải chọn thời điểm
Điều này không có nghĩa là Iran không tìm cách trả đũa Israel và Mỹ. Theo quan điểm của giới lãnh đạo Iran, Tehran cần phải hành động thận trọng cho tới sau cuộc bầu cử ở Mỹ để đảm bảo lợi ích quốc gia vì 2 lý do:
Thứ nhất, chính quyền Iran lo ngại rằng nếu họ tiến hành một cuộc tấn công quân sự lớn nhằm vào Israel để đáp trả việc các địa điểm hạt nhân và các căn cứ quân sự của Iran ở Syria và Iraq bị Israel phá hoại, Israel có thể chớp cơ hội này để phát động một cuộc chiến tranh trực tiếp chống Tehran.
Chính phủ Trump chắc chắn sẽ hỗ trợ đồng minh quân sự của mình và điều này sẽ gây tổn hại lớn đối với Iran tại thời điểm nguy ngập hiện nay. Nền kinh tế của Iran hiện vô cùng khó khăn, chính phủ gần như phá sản. Giá trị của đồng Rial rơi xuống mức thấp kỷ lục trong mùa Hè vừa qua. Từ 1 USD đổi được 30.000 Rial trong giai đoạn trước khi Mỹ áp dụng chính sách “gây áp lực tối đa” đối với Tehran, đến tháng 7/2020, 1 USD đổi được tới 240.000 Rial.
Giá trị xuất khẩu dầu của Iran cũng ở mức thấp lịch sử do các lệnh trừng phạt của Washington. Cần lưu ý rằng ngân sách của Iran phụ thuộc rất lớn vào nguồn thu từ xuất khẩu dầu mỏ. Chính phủ Iran đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho người lao động. Nhiều lao động nhà nước, trong đó có công nhân ngành than và đường sắt, đã tổ chức biểu tình do không được trả lương. Một người biểu tình trả lời phỏng vấn của Iran News Wire hồi tháng 4/2020: “Tôi ước mình bị nhiễm Covid-19. Rất nhiều người trong chúng tôi ước như vậy. Tự sát là việc khó khăn, nhưng chúng tôi luôn mong cái chết mỗi ngày. Đây đâu phải là sống. Anh có nghĩ như thế này là sống không?”
Iran cũng công khai tuyên bố rằng một số đơn vị của nước này không còn đủ tiền để chi trả cho lính đánh thuê ở nước ngoài. Chẳng hạn, Chuẩn tướng IRGC Parviz Fattah, người đứng đầu Quỹ Mostazafan (quỹ hỗ trợ người nghèo) nói: “Tôi đã từng ở Quỹ Hợp tác IRGC. Tướng Soleimani đã tới và nói rằng ông không còn tiền để trả lương cho Fatemiyoun (lính đánh thuê Afghanistan). Ông ấy nói đó là những người anh em Afghanistan của chúng ta, ông ấy cần sự giúp đỡ từ những người như chúng tôi”. Đại dịch Covid-19 đã giáng đòn nặng nề vào Iran, khiến các quan chức chính quyền ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra bất ổn trên diện rộng và thậm chí là sự sụp đổ chính trị.
Lý do thứ hai khiến Iran kiềm chế không đáp trả quân sự chống lại Mỹ đó là Tehran lo ngại làm như vậy sẽ giúp ông Trump tái đắc cử. Hành động trả đũa vũ trang sẽ giúp ông Trump huy động được sự ủng hộ lớn từ các cử tri nền tảng của ông và làm xoay chuyển một số cử tri còn đang dao động, khiến họ quay sang ủng hộ ông. Trước đây, bất cứ khi nào nước Mỹ bị tấn công quân sự bởi các chủ thể nhà nước hay phi nhà nước, người dân Mỹ luôn có xu hướng bầu cho vị tổng thống đương nhiệm.
Iran đang “chờ thời” để trả đũa quân sự Israel và Mỹ. Quốc gia Hồi giáo này không muốn phá hoại các cơ hội thắng cử của ông Joe Biden vào tháng 11 tới, một chiến thắng giúp hạ bệ Tổng thống Donald Trump.
| Xung đột Israel-Iran: Thủ tướng Netanyahu cảnh báo 'đòn tấn công phủ đầu' kẻ thù số một TGVN. Ngày 29/9, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo, ông không loại trừ "một cuộc tấn công đánh đòn phủ đầu đối với Iran". |
| Xung đột Armenia-Azerbaijan: Chiến sự căng thẳng, 2 tiểu đoàn bị xóa sổ; Khả năng đàm phán bằng 0, Nga-Thổ-Iran sẽ làm gì? TGVN. Tình hình chiến sự giữa các lực lượng Armenia và Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh đang diễn ra hết sức căng thẳng. |
| Mỹ-Iran: Pháp khẳng định châu Âu không nhượng bộ Washington trong vấn đề trừng phạt TGVN. Ngày 22/9, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, châu Âu sẽ không nhượng bộ Mỹ liên quan động thái của Washington nhằm tái ... |