Nhỏ Bình thường Lớn

"Nô lệ tế thần" ở Ghana

Hàng trăm năm nay ở vùng Volta của Ghana (Tây Phi) vẫn tồn tại tập tục dâng nạp Trokosi (tiếng Ghana là “nô lệ của thần thánh”) - dâng gái trinh để phục vụ các giáo sĩ, nhằm trả giá cho sai lầm hay tội lỗi nào đó mà gia đình họ đã phạm phải.


Tập tục dâng nạp trokosi xuất hiện từ thế kỷ XVII, là cái giá phải trả của những gia đình mang các tội như trộm cắp, ngộ sát... bởi người ta tin rằng chỉ khi cống nạp thân xác gái trinh trong gia đình (kể cả con gái chỉ mới vài tuổi) cho thần linh thì tội lỗi mới có thể được gột rửa, tránh khỏi sự trừng phạt của những lời nguyền.

Theo tập tục, các trokosi thực sự trở thành nô lệ tế thần đúng nghĩa khi đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên cùng với buổi lễ công nhận chính thức, rồi sau đó - như tập tục lâu đời - vị giáo sĩ (được xem là hiện thân của thần linh) bắt đầu có quyền ăn nằm với các trokosi bất cứ lúc nào ông ta muốn.

Cuộc đời của trokosi tại các ngôi đền của giáo sĩ rất nghiệt ngã. Họ phải làm lụng cực nhọc trên nương rẫy, kể cả lúc mang thai, mà không được hưởng chút thành quả lao động nào. Đến cơm ăn hàng ngày của các trokosi và con cái của họ (thực tế chính là con của giáo sĩ) cũng phải do gia đình của trokosi mang đến.

Dora Galley, 22 tuổi, một trokosi đã 7 năm phục vụ trong đền, vừa được trả tự do, kể lại: “Ở trong đền, tôi phải làm việc từ sáng sớm tới tối mịt mà không được trả công. Cha mẹ tôi phải mang đồ ăn đến đền cho tôi. Tôi buộc phải có quan hệ với các giáo sĩ trong đền, nhưng may mắn là tôi không có thai”. Còn Patience Akope, 31 tuổi, một trokosi khác vừa được trả tự do, cho biết: “Trong 21 năm phục vụ giáo sĩ và có một đứa con 15 tuổi, giáo sĩ không một lần cho phép tôi tới bệnh viện hay các cơ sở y tế. Mặc dù mang thai, tôi đã phải tự chăm sóc mình”.

Khi trokosi chết, thân nhân phải tự lo ma chay chôn cất và trong nhiều trường hợp còn phải dâng nộp một cô gái trinh khác trong gia đình mình để thay thế cho trokosi vừa chết. Nếu trokosi nào dám cả gan bỏ trốn mà bị bắt lại, sẽ phải hứng chịu những trận đòn kinh hoàng nhất. Vì vậy, nhiều phụ nữ tế thần trong một số ngôi đền ở Ghana hiện nay vẫn câm lặng lao động và cống nạp thân xác để “trả giá” cho một sai lầm hay tội lỗi nào đó mà gia đình đã phạm phải.

Mặc dù tập tục này ngày nay bị xã hội lên án gay gắt, nhưng nó vẫn tồn tại trong ít nhất 12 ngôi đền ở Ghana và hàng chục ngôi đền khác ở Togo với số nạn nhân tổng cộng khoảng 10.000 trokosi.

Sau khi Quốc hội Ghana thông qua luật bãi bỏ hủ tục dâng nạp trokosi tháng 8/1998, tính đến nay, nước này đã có tổng cộng 2.800 trokosi được trả tự do. Tuy nhiên, theo International Needs Ghana (ING), tổ chức phi chính phủ đi đầu trong đấu tranh chống hủ tục ở Ghana, dù đã có luật, song chưa có giáo sĩ nào bị bỏ tù vì vẫn tiếp tục thực hiện tập tục này. Kết quả là, theo ING, chỉ riêng ở Ghana, ước tính vẫn còn khoảng 5.000 trokosi sống trong các ngôi đền của giáo sĩ.

Phương Vân (Theo Ghanaweb.com & Wikipedia)