Các đại biểu tham dự Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh - Quảng Ninh năm 2019. (Nguồn: BQN) |
Tại Hội nghị quốc tế chuyển đổi số và thành phố thông minh - Quảng Ninh năm 2019 diễn ra mới đây, các đại biểu đã đánh giá cao sự quyết tâm của Quảng Ninh đối với mục tiêu xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh.
Chuyển đổi số - một hành trình mới
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nhận định, chuyển đổi số là quá trình phù hợp với định hướng, chủ trương của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông mình là xu thế tất yếu đối với các đô thị để phát triển bền vững, đáp ứng những nhu cầu điều hành của chính quyền, cũng như nhu cầu sử dụng dịch vụ tối ưu, nhanh nhất của người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số cũng là cơ hội lớn để các thành phố phát triển kinh tế, nâng cao mức sống cho người dân.
Bên cạnh đó, thành phố thông minh bền vững là một thành phố sáng tạo sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống. Nâng cao dịch vụ đô thị, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các thế hệ hiện tại và tương lai trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường cũng như văn hóa.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Trung Chính chia sẻ, sự ra đời và phát triển đột phá của những công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, Dữ liệu lớn, Blockchain,… cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư đang dẫn dắt Việt Nam bước vào một hành trình mới - hành trình chuyển đổi số.
Trong hành trình đó, ở tầm quốc gia, việc kiến tạo và vận hành các thành phố thông minh, đô thị thông minh là vô cùng cần thiết. Đây không chỉ là những trung tâm của các hoạt động kinh tế xã hội mà còn là trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, giáo dục, nghiên cứu khoa học công nghệ, sản xuất, thương mại và hội nhập quốc tế.
Vì vậy, việc tham gia vào hành trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh, thành phố thông minh của Quảng Ninh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp, du khách làm trung tâm. (Nguồn: BQN) |
Lấy người dân làm trung tâm
Hòa chung cùng công cuộc gia nhập hành trình chuyển đổi số, Quảng Ninh đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ thông tin, coi đây vừa là một nền tảng quan trọng, vừa là nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mạnh, bền vững của tỉnh.
Thành quả của nỗ lực này đã phần nào được thể hiện qua những chỉ số đánh giá xếp hạng, cụ thể: Chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin ICT Index 3 năm liền đứng thứ 4/63 tỉnh, thành phố, năm 2019 đứng thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, năm 2018 Quảng Ninh đã được tổ chức Công nghiệp điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao tặng giải thưởng danh giá ASOCIO cho chính quyền số, với những thành công và kết quả trong xây dựng Chính quyền điện tử.
Bên cạnh đó, sau hơn 7 năm áp dụng chính quyền điện tử, người dân và doanh nghiệp đã giảm hơn 40% thời gian làm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội lên tới 70 tỷ đồng/năm. Tỉnh cũng đã thực hiện trao đổi văn bản điện tử có chữ ký số qua mạng; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở 3 cấp (cấp tỉnh, huyện, xã).
Toàn tỉnh đã có 46 trường học với 551 lớp học áp dụng công nghệ thông minh; kết nối đến 1.300 camera thuộc 9 lĩnh vực trên địa bàn TP Hạ Long; đầu tư 107 điểm phát sóng đã phục vụ rất tốt cho du khách, hỗ trợ du lịch, tạo nền tảng cho các ứng dụng thông minh hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ... Cùng với đó, tháng 8/2019, tỉnh đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành thành phố thông minh.
Đánh giá về kết quả này, Chủ tịch Liên minh các tổ chức CNTT khu vực châu Á-Thái Bình Dương (APICTA) Stan Singh khẳng định, Quảng Ninh đã có quãng thời gian dài để triển khai chính quyền điện tử và đã đạt được kết quả ấn tượng. Ông Stan Singh cũng cho rằng, trong tương lai, Quảng Ninh có nhiều tiềm năng xây dựng chính quyền điện tử bởi tỉnh đã có sự thay đổi ấn tượng về cơ sở hạ tầng, cảnh quan, nhận thức của người dân. Qua đó, thể hiện sự quyết tâm của Quảng Ninh đối với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh.
Tham vấn cho Quảng Ninh về những giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, Giám đốc Điều hành Fama Cash tại Bangladesh Imran Fahad cho rằng, đô thị thông minh chỉ có thể thành hiện thực nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ. Tại các địa phương, nếu chính quyền tỉnh có quyết tâm cao thì mục tiêu này sẽ sớm hoàn thành. Ông Imran Fahad nhấn mạnh, Quảng Ninh nên nghiên cứu, tận dụng nguồn lực trẻ để họ tham gia vào chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Có thể thấy, Quảng Ninh đang từng bước triển khai xây dựng chính quyền số, xây dựng thành phố thông minh, công nghệ thông tin được ứng dụng để tăng cường minh bạch hóa, chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cải thiện, nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng chính quyền điện tử, đặc biệt là những nội dung quan trọng như: Tư duy chính là vấn đề cốt lõi trong chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh chứ không phải công nghệ; áp dụng đồng bộ hay từng phần giải pháp công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh; tận dụng nguồn nhân lực trẻ; huy động nguồn lực đầu tư... Đồng thời, trình bày một số giải pháp chuyển đổi số trong các ngành trọng điểm như: Y tế, khai thác cảng biển, du lịch, giáo dục...
Khẳng định quan điểm này, Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu nhấn mạnh, thành phố thông minh của Quảng Ninh sẽ lấy người dân, doanh nghiệp, du khách làm trung tâm. Người dân vừa là người thụ hưởng vừa là người đóng góp xây dựng, phát triển dịch vụ, đồng thời nâng cao năng lực quản lý, chất lượng và hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh.