📞

Nỗ lực phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP

H.A 14:09 | 28/09/2023
Mặc dù gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu nhưng hàng hóa thương hiệu Việt Nam sang thị trường CPTPP còn khá khiêm tốn, nhiều sản phẩm vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Các diễn giả tham gia Tọa đàm “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP”, ngày 27/9, tại Hà Nội. (Nguồn: HQ)

Tại tọa đàm với chủ đề “Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường CPTPP” tổ chức ngày 27/9, các diễn giả cho rằng, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), có hiệu lực chính thức từ ngày 14/1/2019, được kỳ vọng là bước ngoặt tạo ra xung lực mới, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước đối tác thành viên thực thi CPTPP.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, nhắc tới Hiệp định CPTPP, mọi người chủ yếu tập trung về ba thị trường chưa có hiệp định thương mại tự do (FTA) khi CPTPP có hiệu lực, đó là Canada, Mexico và Peru. Bởi, kể từ khi thực thi CPTPP, hai thị trường Canada, Mexico đã có sự tăng trưởng rất đáng khích lệ. Ngoài ra, thặng dư thương mại mà Việt Nam có được từ hai thị trường này thường chiếm từ 1/3 cho đến 1/2 thặng dư thương mại của các quốc gia.

Với thị trường Peru, Việt Nam thường cho rằng đây là thị trường không lớn nhưng thực tế dư địa tăng trưởng của thị trường này lại rất cao, có những năm tăng trưởng ba chữ số.

Tuy nhiên, dư địa để doanh nghiệp (DN) thâm nhập sâu hơn nữa vào các thị trường như Canada, Mexico và Peru còn rất lớn. Có những mặt hàng hiện nay chỉ chiếm khoảng 3 – 5% tại các thị trường đó; hình ảnh về thương hiệu của Việt Nam tại các thị trường này còn tương đối khiêm tốn.

Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, Canada hiện là 1 trong 10 đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam trên thế giới. Theo số liệu của cơ quan chức năng Canada, trong năm 2022, XK của Việt Nam sang Canada đã tăng 26,4% về giá trị kim ngạch so với năm 2021 và 5 năm sau khi thực thi CPTPP, tăng từ mức 4,1 tỷ USD năm 2018 lên đến 9,9 tỷ USD năm 2022.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, giá trị XK của Việt Nam sang địa bàn cũng tăng tới 110% sau 5 năm, tức đây là thị trường tỷ USD có tốc độ tăng trưởng XK cao nhất trong nhóm các nước CPTPP. Với mức tăng trưởng XK cao như vậy, hiện nay, Việt Nam đã trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ bảy của Canada và Canada cũng là nước chúng ta có thặng dư thương mại rất lớn, lên đến trên 9 tỷ USD.

Theo bà Trần Thu Quỳnh, CPTPP có tác dụng đòn bẩy giúp các DN hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau. Cùng đó, CPTPP có tác động tích cực, hiệu ứng lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics… giữa Việt Nam và Canada.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP chưa cao, có tới 60% sản phẩm được hưởng thuế 0% chưa tận dụng được. Hơn nữa, trên 60% hàng XK của Việt Nam sang Canada là các sản phẩm của khu vực FDI có thương hiệu riêng, trong khi khu vực trong nước chủ yếu vẫn xuất thô hoặc gia công.

Thực tế cho thấy sau khi thực thi CPTPP, XK của những mặt hàng hưởng thuế bằng 0 như điện thoại, điện tử, điện máy hay là kim loại cơ bản, thủy sản, rau củ, quả hay kể cả các sản phẩm khác như gạo điều, chè, cà phê… dù sử dụng form ưu đãi nào sang địa bàn cũng tăng đột biến. Có những mặt hàng tăng đến 1.000% cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy giúp các DN của hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm và thị trường của nhau, từ đó gián tiếp thúc đẩy XK cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến XK Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước.

Có nhiều sản phẩm "made in Việt Nam" đã xuất khẩu ra nước ngoài dưới thương hiệu riêng, như cà phê Trung Nguyên, sữa Vinamilk, dịch vụ viễn thông của Viettel và ôtô Vinfast. Những thành công này có tác động tích cực đối với các thị trường tiềm năng, bao gồm các quốc gia thành viên của CPTPP, giúp các ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gia tăng thị phần hoặc giá trị thương hiệu trong các thị trường truyền thống và tiếp cận các thị trường mới.

Tuy nhiên, dù gia tăng về số lượng và giá trị XK nhưng hàng hóa thương hiệu Việt Nam XK sang thị trường CPTPP còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam XK sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.

“Ở các thị trường này, người ta biết đến cà phê Việt Nam, gạo Việt Nam nhưng người ta chỉ biết đến một thương hiệu cụ thể của Việt Nam”, ông Khanh chỉ rõ.

Bà Trịnh Huyền Mai, Phó trưởng Phòng Chính sách xúc tiến thương mại - Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, hiện nay, DN XK của Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa và hình thức XK thông qua chuỗi cung ứng gia công XK hoặc XK ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài.

Các DN này thu mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và XK bằng thương hiệu của họ nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Hơn nữa, việc xây dựng thành công thương hiệu chỉ diễn ra ở một số DN thực sự có tiềm lực, hiểu biết về thị trường và có một chiến lược bài bản.

Bà Mai cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan kiên trì tiếp tục xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu theo các cấp độ.

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, ý nghĩa, vai trò cũng như sự cần thiết của việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là cấp lãnh đạo doanh nghiệp.

Thứ hai, tăng cường các hoạt động, nâng cao năng lực cho về xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Thứ ba, ở cấp độ quốc gia sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu quốc gia Việt Nam, cho các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, những sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam.

Thứ tư, ở cấp độ ngành hàng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các hiệp hội xây dựng được chiến lược cạnh tranh của thương hiệu ngành, xây dựng và quảng bá những chỉ dẫn địa lý của ngành. Qua đó không chỉ quảng bá và phát triển, bảo vệ các thương hiệu của mình ra thị trường thế giới.

Thứ năm, tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp đã có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp có tiềm lực, tiềm năng và có khát vọng mang thương hiệu Việt Nam ra chinh phục thị trường thế giới.