📞

Nỗ lực thầm lặng để cải thiện hình ảnh Việt Nam

19:00 | 21/06/2016
Những câu chuyện về vai trò, đóng góp của TTBCNN trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong suốt hơn 30 năm qua nhiều vô kể...

Cách đây hơn một năm, lần đầu tiên đặt chân tới xứ sở chuột túi, tôi rất ấn tượng với chương trình ẩm thực của đài truyền hình SBS, đặc biệt là serie phóng sự giới thiệu các món ăn Việt Nam thông qua sự dẫn dắt, chế biến của Luke Nguyễn, một đầu bếp gốc Việt rất nổi tiếng ở Australia. Và cũng rất tự hào, cứ cuối mỗi tập phim lại hiện lên dòng chữ “đặc biệt cám ơn Trung tâm Báo chí Nước ngoài (TTBCNN) Bộ Ngoại giao”, cơ quan đã giúp đỡ Luke Nguyễn thực hiện serie phim truyền hình giới thiệu ẩm thực Việt Nam trong hơn 2 năm, từ 2010. 

Sau đó, trên hành trình khám phá Australia, rất nhiều người dân nơi đây mà tôi gặp, thường khoe rằng họ đã đi du lịch Việt Nam, tham gia các tour ẩm thực để được thưởng thức những món ăn của các vùng miền như đã được giới thiệu trong chương trình “Luke Nguyen’s Vietnam”.

Đầu bếp người Australia gốc Việt Luke Nguyễn. (Nguồn: Petrotimes)

Có được hiệu ứng truyền thông tích cực như vậy, ngoài nỗ lực của đoàn làm phim, nhiều cán bộ của TTBCNN đã lăn lộn cùng phóng viên cả tháng trời, lên Sa Pa, đến Huế, Hội An và nhiều vùng quê khác nữa, rồi về miền tây sông nước để thực hiện chương trình này. Với sự nhiệt tình, trách nhiệm và am hiểu về chính đất nước con người mình, các anh đã để lại dấu ấn trong sự thành công của serie phim gồm 20 tập được chiếu đi chiếu lại trên các kênh truyền hình của Australia, Anh, New Zealand…trong suốt 3-4 năm trời.

Cây cầu vững chắc

Những câu chuyện về vai trò, đóng góp của TTBCNN trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới trong suốt hơn 30 năm qua nhiều vô kể. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ nhân viên TTBCNN đã không quản ngại khó khăn, với lòng đam mê và nhiệt huyết thực sự trở thành những cây cầu vững chắc kết nối Việt Nam với rất nhiều thế hệ phóng viên quốc tế đến từ khắp các châu lục. Thậm chí, công việc của họ còn “thầm lặng” không phải ai cũng biết, có những lúc “nguy hiểm” rình rập, có phóng viên nước ngoài còn hoài nghi về vai trò của những hướng dẫn viên báo chí. Nhiều câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra với các cán bộ của TTBCNN trong quá trình tác nghiệp với phóng viên. 

Đại sứ Việt Nam tại Australia Lương Thanh Nghị - tác giả bài viết.

Nếu ai đã từng làm việc ở TTBCNN chắc không quên được những câu chuyện như việc cán bộ hướng dẫn bị các cơ quan chức năng “tạm giữ” do thiếu giấy tờ, hay bị hỏa hoạn cháy hết cả quần áo tư trang, hay canh cánh nỗi lo khi được phân công đến những vùng còn đầy rẫy bom mìn và chất độc da cam…

Mặc dù vậy, các cán bộ của TTBCNN vẫn luôn cháy hết mình với một  niềm tin chắc chắn rằng công sức của họ sẽ được đền đáp thông qua những tác phẩm báo chí do phóng viên nước ngoài thực hiện. Những phóng sự truyền hình, những bài viết trên các tạp chí và tờ báo lớn về một Việt Nam đang vươn mình vượt qua thời kỳ khủng hoảng kinh tế xã hội, những thành tựu về kinh tế-xã hội và đối ngoại trong những năm 90… đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận quốc tế. Những chuyến đi như con thoi của các phóng viên truyền hình, phóng viên ảnh và báo viết đã mang đến cho thế giới hình ảnh một Việt Nam hoàn toàn khác. Đó là “một đất nước chứ không phải một cuộc chiến”, một đất nước có bề dày văn hóa và lịch sử với những con người yêu chuộng hòa bình, mến khách và năng động. 

Hồi đó, thậm chí truyền thông thế giới còn gắn cho Việt Nam những mỹ từ như “đất nước của những điều kỳ diệu” hay những con “rồng”, con “hổ” mới của châu Á. Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ví von của một nhà báo Mỹ, khi so sánh Việt Nam trước đổi mới như một cô gái đẹp đội nón lá, đi guốc mộc đang mải miết đạp xe và một Việt Nam sau khoảng 15 năm đổi mới vẫn là cô gái đó nhưng khoác trên mình những hàng hiệu đắt tiền, đi ô tô hạng sang và cầm trên tay một chiếc laptop với gương mặt rạng rỡ đi đến công sở. Sự so sánh đó có thể hơi quá, nhưng thực tế Việt Nam trong con mắt dư luận quốc tế đã hoàn toàn thay đổi. 

Việt Nam trong con mắt dư luận quốc tế đã hoàn toàn thay đổi. (Nguồn: Saigon102)

Cho đến nay, không ai tính hết được đã có bao nhiêu lượt phóng viên nước ngoài vào Việt Nam hoạt động, đã có bao nhiêu phóng sự truyền hình hay số lượng tin bài, ảnh về Việt Nam, nhưng có một điều chắc chắn TTBCNN đã khẳng định được vai trò, trở thành địa chỉ tin cậy của các hãng thông tấn, báo chí quốc tế và đóng góp không nhỏ cho công tác thông tin đối ngoại của Bộ nói riêng và đất nước nói chung. 

Đi đến tận cùng sự thật

Trong những sự kiện lớn của đất nước không thể thiếu hình ảnh của các cán bộ TTBCNN chạy ngược chạy xuôi, thậm chí kiêm cả “bốc vác” phục vụ phóng viên nước ngoài. Những dịp kỷ niệm ngày Độc lập 2/9, thống nhất đất nước 30/4 hay ngày chiến thắng Điện Biên Phủ… toàn thể CBNV của Trung tâm lại tất bật, nào là đi tìm các nhân chứng lịch sử, nào là chọn những địa điểm quay phim, chụp ảnh để có những góc nhìn độc và lạ…

Có những người phải xa gia đình hàng tháng trời, thậm chí ăn Tết trên khắp các nẻo đường đất nước, nhưng họ vẫn đắm chìm vào đam mê nghề nghiệp cùng phóng viên, để rồi tự hào khi bản thân đã đóng góp trực tiếp vào những tác phẩm chân thực về đất nước, con người, về văn hóa và lịch sử của dân tộc. 

Khó có thể quên được cuộc gặp gỡ “vô tiền khoáng hậu” giữa hai cựu binh Mỹ-Việt tại chiến trường xưa Kontum như một điển hình của sự hòa giải giữa hai dân tộc Việt Nam và Hoa Kỳ, hay những hình ảnh đẹp mê hồn của đồng bằng sông Cửu Long gắn với cảnh báo về an ninh nguồn nước do Hiệp hội Calypso thực hiện, sự hoang sơ của Côn Đảo trong chương trình truyền hình thực tế “Người sống sót”…

Chính những serie phim truyền hình về ẩm thực, lễ hội văn hóa, danh lam thắng cảnh của đất nước từ Lạng Sơn tới mũi Cà Mau do các nhà báo đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu thực hiện đã phần nào lột tả “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam, một điểm đến cho du khách quốc tế. Và còn nhiều những câu chuyện hết sức nhân văn như số phận của những người lính trên chiếc xe tăng 390, hay những đứa trẻ trong chiến dịch không vận Baby Lift, những mảnh đời bất hạnh do hậu quả của chiến tranh… luôn là động lực để các anh chị TTBC cùng phóng viên nước ngoài đi đến tận cùng của sự thật.

Các nhà báo đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Châu Âu... đã phần nào lột tả “vẻ đẹp tiềm ẩn” của Việt Nam. (Nguồn: Travel)

Hơn 30 năm kể từ khi thành lập, nhiều thế hệ cán bộ nhân viên luôn coi TTBCNN như ngôi nhà thứ hai của mình. Những địa chỉ quen thuộc như số 10 Lê Phụng Hiểu, số 8 Khúc Hạo và giờ là 298G Kim Mã đã và sẽ luôn đầy ắp những kỷ niệm buồn vui của những người làm công tác báo chí đối ngoại. TTBCNN cũng là nơi đã đào tạo nhiều thế hệ cán bộ. Nhiều người đã chuyển công việc khác hoặc vẫn đang công tác trong Ngành, nhiều anh chị vẫn đang hàng ngày hàng giờ đồng hành cùng các phóng viên thường trú, nhưng có một điểm chung là đều được tôi luyện trong môi trường mà ở đó sự cởi mở, tư duy nhạy bén của người làm báo được phát huy. 

Bên cạnh đó, cơ hội trải nghiệm qua những chuyến đi cùng phóng viên nước ngoài là cơ hội tuyệt vời để các cán bộ ngoại giao trẻ tích lũy những kiến thức sâu rộng về chính trị - kinh tế - văn hóa của đất nước, giúp hiểu rõ những vấn đề của Việt Nam mà báo chí, dư luận quốc tếquan tâm. Đó là những kinh nghiệm quý giá trong hành trang không chỉ của những người làm công tác báo chí đối ngoại mà cả với các cán bộ ngoại giao nói chung.

Trong lúc chúng ta còn đang “loay hoay” với việc làm sao có thể quảng bá tốt nhất hình ảnh Việt Nam ra thế giới, TTBCNN cũng vừa hoàn thành một công việc “lặng thầm” khác. Đó là tiếp tục hỗ trợ Luke Nguyễn thực hiện một serie truyền hình về “ Ẩm thực đường phố" của Việt Nam và sẽ được trình chiếu trên kênh Discovery Asia Network từ năm 2016. Với quá trình xây dựng và trưởng thành trong hơn 30 năm qua, “TTBCNN xứng đáng được ghi nhận và đánh giá đúng hơn trong vai trò nâng cao hình ảnh Việt Nam ra thế giới” như khẳng định của ông Chuck Searcy, một cựu chiến binh Mỹ và hiện là giám đốc Renew Project chuyên về rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam.

 

(Đại sứ Việt Nam tại Australia, nguyên là Giám đốc Trung tâm Báo chí Nước ngoài, Bộ Ngoại giao).