Lính cứu hỏa cố gắng dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công ở nhà máy Zaporizhzhia tại Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
Tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia được Bộ trưởng Quốc phòng Nga và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) thảo luận ngày 15/8, tiếp theo là cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Ukraine hôm 16/8.
Tổng Thư ký LHQ và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến gặp Tổng thống Ukraine tại thành phố Lviv trong ngày 18/8. Hàng loạt hoạt động ngoại giao ráo riết nói trên cho thấy quốc tế đang nỗ lực tránh một thảm họa như Chernobyl trước việc nhà máy Zaporizhzhia liên tục bị oanh kích từ ngày 5/8.
Trước đó, các nước phương Tây đã kêu gọi Nga rút lui khỏi nhà máy Zaporizhzhia, song không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow đồng ý rút binh sĩ khỏi nhà máy mà họ đã kiểm soát từ tháng 3 vừa qua.
Cơ quan quản lý hạt nhân Ukraine Energoatom vẫn đang điều hành nhà máy Zaporizhzhia dù Nga đang kiểm soát nơi này. Nga nói Ukraine đang liều lĩnh tấn công vào nhà máy. Trong khi đó, Kiev cho rằng quân đội Nga tự tấn công Zaporizhzhia và dùng nhà máy này làm lá chắn khi họ ném bom các thị trấn và thành phố của Ukraine ở gần đó.
Theo phát biểu của một kỹ sư Ukraine giấu tên, có thể thấy tình hình bên trong nhà máy Zaporizhzhia rất căng thẳng. Nhân viên làm việc dưới sự giám sát của khoảng 500 quân Nga, được trang bị vũ khí hạng nặng. Từ cuối tháng 7, họ phải chịu sức ép lớn hơn cả về tâm lý lẫn thể chất để tránh “thảm kịch lớn như Chernobyl năm 1986 và có lẽ còn kinh khủng hơn” do các vụ oanh kích nhắm vào nhà máy.
Mối nguy hiểm gấp 6 lần Chernobyl
Từ ngày 5/8, thị trưởng Energoda, thành phố đặt nhà máy Zaporizhzhia, đã lên án các vụ bắn súng cối gần như thường nhật. Một lần, tên lửa đã rơi gần một kho chứa chất phóng xạ và một lần tấn công khác ngày 5/8 đã làm hỏng biến thế, khiến lò phản ứng số 3 ngừng hoạt động.
Cả Nga và Ukraine cáo buộc nhau oanh kích nhà máy, làm dấy lên lo sợ tái diễn thảm họa hạt nhân như Chernobyl. Còn người dân trong vùng lo “sẽ chịu chung số phận với người dân Chernobyl”.
Khả năng xảy ra thảm họa là hiện hữu, nhưng thật ra không giống mối đe dọa năm 1986, theo giải thích của một kỹ sư Pháp về xử lý sự cố ở các cơ sở hạt nhân, với trang Marianne ngày 16/8: “Chất phóng xạ vào thời điểm đó rất tập trung, có đến vài trăm tấn urani được chứa ở cùng một chỗ, gọi là ‘trung tâm’. Ngày nay, chúng được trữ trong các cơ sở và không có cùng thành phần hay cấu trúc như năm 1986”.
Tuy nhiên, Chernobyl chỉ có một lò phản ứng bị nổ, trong khi Zaporizhzhia có đến 6 lò phản ứng, với công xuất gần 6.000 megawatt và vẫn hoạt động.
Ngày 15/8, Tổng thống Ukraine cảnh báo: “Mọi sự cố phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia có thể ảnh hưởng đến các nước Liên minh châu Âu (EU), Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và cả những nước xa hơn. Tất cả phụ thuộc vào hướng gió và sức gió”.
Giải pháp ngoại giao để tránh thảm họa
Tổng thống Ukraine nhắc lại rằng “cả thế giới không được quên Zaporizhzhia”, đồng thời kêu gọi quốc tế ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nga.
Nhà máy Zaporizhzhia đang phải đối phó trên hai mặt trận. Ngoài các vụ tấn công và nguy cơ từ kho vũ khí mà quân đội Nga chứa trong nhà máy, Nga đã tổ chức “một vụ tấn công mạnh chưa từng có kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt nhắm vào trang web chính thức của Energoatom, công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, nhưng không gây tác động đáng kể.
Kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Tổng thống Nga Putin nhiều lần nhắc tới việc sử dụng vũ khí nguyên tử.
Dù chưa thực hiện, nhưng những đe dọa hạt nhân vẫn lơ lửng, khiến châu Âu quan ngại, đặc biệt kể từ khi nhà máy Zaporizhzhia liên tục bị oanh kích trong thời gian gần đây. Ngoài ra, cần nhắc lại là Ukraine có 4 nhà máy hạt nhân để cung cấp điện cho một nửa đất nước rộng lớn nằm sát sườn EU. Năm 1986, khi nhà máy Chernobyl nổ, một phần châu Âu đã bị nhiễm phóng xạ.
"Bóng ma" thảm họa Chernobyl năm 1986 đã buộc Hội đồng Bảo an LHQ họp ngày 11/8. Pháp kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy Zaporizhzhia. Mỹ và LHQ ủng hộ lập vùng phi quân sự xung quanh nhà máy hạt nhân, theo đề xuất của Ukraine.
Tuy nhiên, để có được một giải pháp, cần phải có sự thống nhất của cả hai bên. Phía Nga chưa đưa ra tuyên bố cụ thể nào, ngoại trừ thông báo của Bộ Quốc phòng ngày 15/8 về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Serguei Choigu với Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres thảo luận về các điều kiện để nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia vận hành an toàn.
Được xây dựng từ thời Liên Xô, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là nhà máy lớn nhất ở châu Âu và nằm trong số 10 nhà máy lớn nhất thế giới. Nhà máy có tổng công suất khoảng 6.000 MW, đủ cho khoảng bốn triệu ngôi nhà. Nhà máy Zaporizhzhia nằm cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 550 km về phía Đông Nam và cách nhà máy hạt nhân Chernobyl khoảng 525 km về phía Nam - nơi vào năm 1986 từng xảy ra vụ tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới. |