Từ giới thiệu của Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trong buổi gặp gỡ thanh niên trẻ trong ngành tuần trước, tôi lang thang lên phố sách Đinh Lễ tìm mua cuốn “Say yes say no” của Đại học Harvard vì Thứ trưởng bảo quyển này cho anh em nhiều kinh nghiệm về đàm phán. Vì là sách hiếm nên anh Trung bảo cứ lên khu Đinh Lễ, có thể tìm được nhiều quyển mà nơi khác không có.
Trên con phố này, các hiệu sách nằm kề nhau, có chỗ gọn gàng, có nơi ngổn ngang vì khách vào “bới sách” liên tục khiến cô chủ quán chả buồn xếp lại. Độc giả đến đây đa dạng về lứa tuổi, người già, thanh thiếu nhi, Tây ta đủ cả. Đúng dịp này có rất nhiều hội chợ sách hoành tráng, nhiều nhà xuất bản, nhà sách giảm giá nhân ngày sách Việt Nam (21/4) và ngày sách thế giới (23/4). Có ý kiến cho rằng người ta dựng trại, phân lô chia ô, cờ hoa rợp trời nhưng chất lượng sách thì không được như kỳ vọng. Riêng Đinh Lễ luôn đứng ngoài mọi sự kiện rầm rộ, quanh năm vẫn đông đúc. Đặc biệt vào ngày lễ, các cửa hàng sách chật cứng người. Đông người như thế nhưng khu phố vẫn trật tự, hiếm khi xảy ra tình trạng mất cắp.
Hiện tượng đọc cọp rất phổ biến, biến nơi này thành một thư viện thứ thiệt. Cũng dễ hiểu cho nhiều em thiếu nhi không có tiền mua truyện, sinh viên nghèo không thể mua sách nên sẵn sàng chôn chân hàng giờ để đọc trộm. Hồi còn sinh viên, cùng một quyển truyện, tôi đã đọc mỗi chương ở một cửa hàng khác nhau. Ấy vậy mà cũng “xử lý” được nhiều bộ kinh điển khi không có tiền mua như Chiến tranh và hòa bình, Thép đã tôi thế đấy…
Hỏi hết các hiệu mặt đường, chẳng tìm được cuốn “Say yes say no”, tôi tìm lên hiệu sách lâu đời nhất ở đây. Chui sâu vào trong con hẻm nhỏ, leo từng bậc cầu thang lên tầng 2 khiến tôi có cảm giác như bước vào một thế giới khác. Lọt thỏm giữa các dãy nhà là một cây si cổ thụ, không khí trong lành và đặc biệt là 5 gian sách thuộc sở hữu của vợ chồng ông Lê Luy, bà Phạm Thị Mão. Năm 1990, sau khi về hưu, ông bà vật lộn suốt ba năm bán sách ở hè phố rồi mua được căn gác hai tại nhà số 5 Đinh Lễ để mở tiệm sách cho đến ngày nay.
Nhiều người cho rằng Đinh Lễ hút khách là vì sách.. rẻ. Nhưng tôi nghĩ người ta tìm đến đây bởi cái thú được hòa mình vào một không gian tri thức. Không chỉ vậy, dù nổi tiếng nhất là ngoại văn nhưng bạn có thể tìm thấy sách về chính trị, kinh tế, ngoại ngữ, tâm lý, triết học… và cả những tác phẩm mới. Có cuốn đã xuất bản rất lâu, chỉ cần bạn hỏi, người bán hàng sẽ lập tức chạy vào một giá sách nằm sâu bên trong và tìm đúng cuốn sách đó.
Ở Hà Nội, có hai phố sách nổi tiếng là Đinh Lễ - Nguyễn Xí và khu vực Trần Quốc Hoàn – Phạm Văn Đồng. Cùng một cuốn sách, mua ở Đinh Lễ rẻ hơn các nhà sách, siêu thị… từ 10% đến 70%. Có một số lời đồn rằng sách ở Đinh Lễ rẻ vì nó bị lỗi khi in còn sách ở Trần Quốc Hoàn – Phạm Văn Đồng là sách lậu, chất lượng in kém. Tôi không kiểm chứng được nhận định đó. Sách lậu vi phạm bản quyền là điều đáng tiếc. Nhưng tôi nghĩ rằng không có “sách giả”. Tất cả đều là thật, in thật, chữ thật… cái giả ở đây là công tác quản lý và ý thức người bán sách. Hỏi thăm một số chủ cửa hàng thì được biết họ liên kết với nhà xuất bản nên mới giảm giá. Mỗi cuốn sách đều được tính 40% chi phí phát hành vào giá bìa nên giá sách bị đẩy lên cao. Hiệu sách giảm giá 30%, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận nhưng nhờ lượng bán ra lớn nên tổng lại vẫn có lãi đáng kể.
Cuối cùng, tôi vẫn không tìm được cuốn “Say yes say no”, đúng như lời cảnh báo của Thứ trưởng Lê Hoài Trung là cuốn này bây giờ hiếm. Bù lại, tôi đã chi ngoài dự toán gần một nửa tiền thưởng nghỉ lễ 30/4 để bê về một chồng sách, trong đó có cuốn “Tư duy và chia sẻ” của nhà ngoại giao Tôn Nữ Thị Ninh, vẫn đang giữ vị trí bán chạy hàng đầu trên thị trường.
Dù chưa mua được cuốn mình cần, nhưng được chìm trong sách cũng đủ để tích lũy kiến thức mới. Hòn đá lăn sẽ không bị đóng rêu, con người phải luôn tư duy và học hỏi thì mới tiến bộ. Đó là lý do đến phố sách Đinh Lễ hàng trăm lần độc giả vẫn thấy hấp dẫn!
Mạnh Dũng