📞

Con vào thi, bố mẹ ôm nỗi niềm

13:37 | 01/07/2016
Sáng nay (1/7), gần 900.000 thí sinh bước vào kỳ thi THPT Quốc gia. Không chỉ học sinh mà phụ huynh cũng mang nhiều áp lực. 

Con học giỏi, bố mẹ nhàn

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, các quy chế mới đều chỉ nhằm mang đến những điều kiện thuận lợi tối đa cho sỹ tử, nhưng dường như phụ huynh và thí sinh vẫn không khỏi lo lắng.

Phụ huynh Nguyễn Đức Bình đang ngồi chờ con tại địa điểm thi Đại Học Thủy Lợi.  (Ảnh: Yến Nguyệt)

Một phụ huynh chia sẻ: “Tôi băn khoăn không biết việc lấy điểm thi tốt nghiệp PTTH xét vào Đại học không biết có công bằng hay không, khi mà mỗi trường mỗi khác?”. Trong khi một phụ huynh khác tỏ ra bối rối: “Nghe nói quy chế mới sẽ tạo nhiều cơ hội cho thí sinh hơn, nhưng tôi nghĩ tính cạnh tranh trong các đợt xét tuyển sẽ cao hơn. Tôi sợ nhất là việc lựa chọn thời điểm rút, nộp hồ sơ. Rất có thể tâm lý phân vân khi chọn ngành, chọn trường sẽ ảnh hưởng đến kết quả vào Đại học của con mình”.

Nhiều phụ huynh không tránh khỏi tâm trạng lo lắng trước kỳ thi quan trọng này. Dù được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng nhưng không ít cha mẹ vẫn không tự tin. Chị Phạm Thị Vân (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ: “Ban đầu gia đình cũng định hướng muốn con theo ngành Kinh tế nhưng còn dựa vào số điểm nữa, sẽ để con được tự lựa chọn trường sau khi biết điểm để con không bị áp lực, căng thẳng”.

Cùng tâm trạng, anh Bùi Hoài Nam (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: “Cả gia đình tôi đau đầu vì con gái thích ngành Sư phạm mà đầu ra của Sư phạm bây giờ tương đối khó. Chiều theo ý con nhưng chúng tôi luôn canh cánh nỗi lo tương lai của cháu”.

Nhiều phụ huynh đứng ngồi không yên khi đợi con. Ai cũng mong mỏi con làm bài tốt, có cơ hội trở thành sinh viên, nhưng cạnh đó vẫn có nhiều người rất tự tin về học lực của con mình.

Tại cụm thi số 3, Trường Đại học Thủy Lợi, anh Nguyễn Đức Bình (Thanh Cao, Thanh Oai) có con gái là thí sinh Nguyễn Thị Thu Thảo (Trường THPT Thanh Oai B). Từ 5 giờ sáng, hai bố con đã có mặt tại địa điểm thi. Anh Bình chia sẻ: “Mình phải tin vào con chứ. Con học giỏi nên bố mẹ nhàn”.

Phụ huynh cùng "tiếp sức" cho con em. (Ảnh: Yến Nguyệt)

“Đề thi vượt sức của em”

Trưa 1/7, em Thắng (Trường THPT Thanh Oai A) ra khỏi phòng thi với tâm trạng buồn rầu. Em than đề thi Toán khó, quá sức của em. Còn em Liên (Thanh Trì) thì cho biết em chỉ làm được 6/10 câu. Em cho rằng: “Em bị sốc vì phần lý thuyết trong đề thi hơi nặng và dài. Cùng lắm thì em được 5 điểm Toán thôi”.

Một thí sinh đến từ Trường THPT Trần Hưng Đạo (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Môn Toán hôm nay tương đối khó. Em cố gắng lắm nhưng chỉ làm được 70% thôi. Mặc dù tự tin nhưng em vẫn cảm thấy khá lo lắng”.

Vào mùa thi, cha mẹ thường đồng hành để “tiếp sức” cho con em mình. Thầy Ngọc Cương, Giảng Viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội khẳng định: “Tâm lý của thí sinh là vấn đề quan trọng hàng đầu. Nhiều em vì căng thẳng, lo lắng, nhất là bị áp lực từ phía gia đình nên chất lượng bài thi không cao. Tôi chỉ khuyên các em hãy học hết sức, thi hết mình”.