Cuốn sách Chuyện “đi sứ” thời hội nhập (Hồi ức của các đại sứ) do Đại sứ Ngô Quang Xuân chủ biên. (Ảnh: HT) |
Tổ quốc đều thiêng liêng trong trái tim mỗi người. Tổ quốc lại càng gắn bó “máu xương” với những người con mang sứ mệnh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc ở những vùng đất khác, khắp bốn bề năm châu, trong những giai đoạn bước ngoặt của lịch sử.
Điều gì đã nhen nhóm, thôi thúc Đại sứ quyết tâm khởi xướng, hiện thực hóa ý tưởng về cuốn sách cuốn hút ngay từ tên gọi này?
Điều đặc biệt đối với thế hệ ngoại giao chúng tôi là được vinh dự “rơi” vào một thế giới đầy ắp thay đổi bất ngờ ở thời điểm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI: thế giới kết thúc chiến tranh Lạnh, đất nước ta kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử và bắt đầu bước vào giai đoạn mở cửa hội nhập… Các nhà ngoại giao chúng tôi - như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ví von trong Lời giới thiệu cuốn sách, như những chiếc “cầu nối” giữa Việt Nam và thế giới - được thực thi vô vàn nhiệm vụ nhằm góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng và phát triển đất nước.
Về hưu, khi được mời tham gia một số chương trình đào tạo về công tác đối ngoại, tôi cứ luôn trăn trở làm sao để kịp khai thác được kho tàng kiến thức và kinh nghiệm hoạt động phong phú của bạn bè ngoại giao, nhất là lứa Đại sứ khá đông đang dần đi sâu vào cánh cửa U70-80.
Tôi chắc chắn rằng nếu tập trung được vào một tác phẩm những câu chuyện “đi sứ” từ những người bạn cùng trang lứa đã từng đi qua những thời khắc lịch sử gối đầu giữa hai thế kỷ đến nhiều miền đất khắp năm châu bốn bể, thì đây sẽ không những chỉ là một cuốn sách – kỷ niệm quý giá của bản thân từng Đại sứ, của gia đình và bạn bè họ, mà sẽ có giá trị tham khảo đặc biệt đối với sinh viên và cán bộ trẻ trong lĩnh vực đối ngoại. Suy nghĩ và ước mong này đã nhen nhóm và thôi thúc tôi…
Đa phần những câu chuyện trong cuốn sách là những hồi ức “chưa kể”. Trong quá trình thực hiện cuốn sách, liệu có những thuận lơi và khó khăn như thế nào trong việc thuyết phục các “nhân vât chính” kể về câu chuyện của riêng mình, thưa Đại sứ?
Tôi cân nhắc khá nhiều về cách đặt vấn đề để giới thiệu ý tưởng của mình tới các Đại sứ. Cũng may, tôi bắt đầu hành trình từ thời điểm cuối mùa Covid-19 nên ai cũng ở nhà, bởi vậy có chút thời gian để dễ bề liên hệ qua điện thoại, email… và trao đổi bàn bạc kỹ lưỡng về nội dung cuốn sách.
Tôi nhận được sự chia sẻ và ủng hộ khá nhanh từ một số đồng nghiệp, nhưng cũng có những vị trả lời không tham gia ngay từ đầu, nói là đã “gác kiếm ở ẩn” rồi, hoặc vì lý do khác, đa phần có vẻ như e rằng sẽ đụng chạm vào những nhạy cảm tế nhị chính trị của cái nghề ngoại giao…
Đại sứ có thể chia sẻ về thông điệp xuyên suốt của cuốn sách và điều Đại sứ ấn tượng nhất ở cuốn sách “chở” bao tâm huyết này?
Tôi thỏa thuận với mỗi tác giả hãy kể ba câu chuyện với thông điệp xuyên suốt: Đó là những tình huống xảy ra trong đời hoạt động ngoại giao của từng Đại sứ/tác giả và giải pháp đã được thực hiện để hóa giải một cách hiệu quả các tình huống đó.
Thật là ấn tượng khi tất cả bốn mươi chín (49) câu chuyện của cuốn sách đều thấm đượm màu sắc của ý tưởng “ngoại giao: tình huống và giải pháp”. Độc giả, nhất là các thế hệ ngoại giao trẻ, những người đang làm đối ngoại ở các bộ/ngành/địa phương và các em sinh viên đang học ngành ngoại giao sẽ tò mò thú vị nếu được tham khảo những câu chuyện chưa kể này.
Viết lời giới thiệu cho cuốn sách, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chia sẻ, với vai trò cầu nối giữa trong nước với thế giới, ngoại giao Việt Nam luôn nỗ lực định vị đất nước trong cục diện khu vực và thế giới một cách thuận lợi nhất, đồng thời khẳng định nền ngoại giao hiện đại Việt Nam mang đậm tinh thần hòa hiếu, nhân văn, kiên định về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, một tinh hoa của tư tưởng phương Đông mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng sáng tạo và chỉ đạo thực hiện. |
Chuyện “đi sứ” ở mỗi một thời điểm phát triển của đất nước, trong mỗi bối cảnh của tình hình quốc tế có lẽ cũng có những khác biệt, từ góc độ cá nhân, Đại sứ có thể chia sẻ những kinh nghiệm xử lý hoàn cảnh khi công tác ngoại giao ở nước ngoài với các Đại sứ, cán bộ ngoại giao đang làm việc ở muôn phương trong bối cảnh quốc tế phức tạp như hiện nay?
Bảo vệ lợi ích dân tộc là trên hết! Mọi đam mê, tâm huyết với nghề nghiệp của các Đại sứ chúng tôi đều có chung nguồn cội này.
Có những sự việc diễn ra và kết thúc nhanh chóng, đòi hỏi linh tính và kỹ năng nghề nghiệp nhanh nhạy không được sai sót. Tuy vậy, thường xuyên có những tình huống phức tạp yêu cầu phải tư duy, cân nhắc đi cân nhắc lại để khôn khéo vượt qua. Có những “chiến dịch” làm tôi nhiều đêm không ngủ, hoặc phải thức khuya dậy sớm, hầu hết việc nhà và chăm sóc con cái đều trông cả vào phu nhân… Có thể tìm thấy bóng dáng muôn hình muôn vẻ những gì tôi vừa nêu ở trên, từ những giải pháp thành công trong từng câu chuyện của cuốn sách này.
Có lẽ, nhiều độc giả khi đọc những đề mục như “Nhiệm vụ bất khả thi”; “Đại sứ ép chúng tôi quá”; “Đại sứ Việt Nam ở đâu?”; “Đi tìm người gõ búa”… sẽ rất tò mò, như cách họ cũng từng tò mò về ngành ngoại giao. Với độc giả trong nước nói chung, thông điệp Đại sứ muốn nhắn gửi về ngành Ngoại giao là…?
Từ khi đất nước ta giành được độc lâp, con thuyền cách mạng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh chèo lái vượt qua biết bao thác ghềnh, gian nan thử thách. Chính Người cũng là vị Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên dẫn dắt, đào tạo ra lớp lớp thế hệ cán bộ ngoại giao tài ba, góp phần vào các thành công chung của dân tộc.
Có giai đoạn ngoại giao tiên phong mở đường, góp phần đưa nước ta đến với bạn bè thế giới; lúc thì ngoại giao như cánh tay nối dài các chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta, mềm dẻo nhưng quyết liệt đàm phán buộc đối phương phải chấm dứt chiến tranh; thời bình thì từng bước linh hoạt và bản lĩnh góp phần củng cố và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.
“Tất cả vì màu cờ sắc áo của đất nước, dân tộc” là lời nguyền đặc thù của dân ngoại giao chuyên nghiệp chúng tôi. Hoạt động ngoại giao, nhất là khi ở ngoài biên ải xa cách quê hương, trong tiếp xúc giao lưu, đàm phán… có lúc vừa hợp tác, vừa đấu tranh với đủ loại người nước ngoài, làm chúng tôi thấu hiểu hơn giá trị thực sự của tinh thần này, thôi thúc chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoại giao là một mặt trận, cần lắm sự ủng hộ và phối hợp chặt chẽ của các mặt trận khác. Như Bác Hồ đã dạy: “Thực lực là cái chuông, ngoại giao là cái tiếng; chuông có to thì tiếng mới vang”.
Nhắc đến Đại sứ Ngô Quang Xuân, nhiều người nhớ ngay đến vị đại sứ đã góp công lớn trong quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) của Việt Nam. Trong cuộc đời của mình, ông Ngô Quang Xuân có gần bảy năm ở New York (Mỹ) với trọng trách Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Liên hợp quốc. |
| Một Nhật Bản đậm ‘tình’ Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (2008-2011) nhớ về những người bạn Nhật Bản ... |
| Lan tỏa sâu rộng nội dung cuốn sách về đối ngoại của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến cán bộ, Đảng viên và nhân dân Ngày 21/11, tại Hội trường Bộ Ngoại giao đã diễn ra Lễ giới thiệu cuốn sách Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại ... |
| Tầm nhìn chiến lược của Tổng Bí thư về nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam Lần đầu tiên ra sách về chủ đề đối ngoại, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết những bài học kinh nghiệm giá ... |
| Việt Nam-Nhật Bản: Đến ngày ‘hoa nở’, sử mới sang trang Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản trên cương vị người đứng đầu Nhà nước (từ ngày 27-30/11) ... |
| Việt Nam-Argentina: Mối quan hệ hợp tác Nam-Nam tiêu biểu Nhìn lại nửa thế kỷ quan hệ Việt Nam-Argentina, chúng ta vui mừng và phấn khởi trước những bước tiến trong quan hệ hai nước ... |