Chưa đầy ba tháng nữa, cử tri Pháp sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn tân Tổng thống Pháp thay thế ông Francois Hollande. Hiện các ứng viên chủ chốt trong cuộc đua vào Điện Elysée gồm có cựu Thủ tướng François Fillon (đại diện cánh hữu), bà Marine Le Pen (đại diện phe cực hữu) và ứng cử viên trung dung Emmanuel Macron, cựu Bộ trưởng Kinh tế Pháp.
Ứng viên sáng giá “tụt dốc”
Chỉ vài tuần trước, các cuộc thăm dò cho thấy ông Fillon là gương mặt sáng giá nhất trong cuộc chạy đua chức Tổng thống. Tuy nhiên, tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng viên đã thay đổi đáng kể sau khi nghi vấn bê bối của ông Fillon bị báo chí tấn công. Điều tra của báo chí Pháp mới đây cho thấy, cựu Thủ tướng Pháp trong nhiều năm liền đã chi trả lương sai quy định cho vợ mình là bà Penelope Fillon trong vai trò trợ lý nghị viện của ông. Điều này làm dấy lên nghi ngờ ông Fillon đã cố tình gian lận công quỹ, khiến ông mất điểm trầm trọng trong thời điểm nóng bỏng của cuộc đua.
Từ trái qua phải: ông Emmanuel Macron, bà Marine Le Pen, ông Francois Fillon. (Nguồn: Tendance Claire) |
Uy tín của ông Fillon liên tục sụt giảm và các kết quả thăm dò mới nhất cho thấy ông hiện tụt xuống vị trí thứ 3 trong các ứng cử viên, với dự tính chỉ giành được khoảng 20% số phiếu bầu của cử tri Pháp. Scandal đang làm chao đảo ông Fillon giúp các ứng viên khác lần lượt lên điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Hai ứng viên nổi bật khác là bà Marine Le Pen của đảng Mặt trận quốc gia (FN) và ứng viên trung dung Emmanuel Macron ở thời điểm này đang được dự đoán sẽ chiến thắng vòng 1 và sẽ đối đầu nhau ở vòng 2 của cuộc bầu cử.
Thế khó cho phe cực hữu
Trong tuần qua, các ứng viên cũng đã chính thức có các đợt vận động tranh cử. Bà Le Pen đã công bố chương trình gồm 144 điểm về các quyết sách kinh tế, chính trị mà bà hứa áp dụng nếu trúng cử Tổng thống. Ngày 4/2, trong buổi khởi động chiến dịch tranh cử diễn ra tại thành phố Lyon, bà đã hứa hẹn sẽ đặt “Nước Pháp trên hết” - khẩu hiệu khiến cử tri nhớ đến chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tác động của sự kiện Brexit và việc ông Trump lên nắm quyền đã tiếp thêm sức mạnh cho các đảng cực hữu tại châu Âu và các phong trào dân túy, trong đó có đảng FN của bà Le Pen. Trong số các cam kết được bà Le Pen đưa ra có đề xuất áp thuế đối với các hợp đồng lao động của người nước ngoài, giảm tuổi nghỉ hưu và tăng một số phúc lợi. Đáng chú ý nhất là đề xuất tiến hành trưng cầu ý dân về quan hệ giữa Pháp với EU, một sự kiện có thể mở đầu cho việc nước Pháp tiếp bước Anh rời khỏi liên minh.
Tuy nhiên, bên cạnh những người ủng hộ, nhiều ý kiến cho rằng chương trình tranh cử của bà Le Pen thiếu các nội dung chi tiết về kinh tế vĩ mô, không đặt ra mục tiêu nợ công hay thâm hụt ngân sách cũng như không đưa ra được giải pháp cân bằng giữa hai nội dung cải thiện phúc lợi và cắt giảm thuế. Hơn nữa, do đặc điểm khác biệt của nền chính trị Pháp là bầu cử Tổng thống được tổ chức theo cơ chế phổ thông đầu phiếu hai vòng, việc một đảng cực hữu có thể vượt qua được rào cản do tất cả các đảng phái và lực lượng xã hội tạo nên ở vòng hai rất khó. Cha của bà Marine Le Pen, ông Jean-Marie Le Pen, từng vào đến vòng 2 cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2002 nhưng rồi bị đánh bại dễ dàng trước ông Jacques Chirac.
Hy vọng vào chính khách trẻ
Bên cạnh bà Le Pen, ẩn số lớn nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2017 này là ông Emmanuel Macron. Vị cựu Bộ trưởng Kinh tế trẻ được mệnh danh là “Mozart trong giới tài chính” này đang thu hút được nhiều sự ủng hộ. Hiện tại, ông Macron vẫn đang tự định vị mình như một ứng cử viên “không tả, không hữu” và tìm cách lôi kéo mọi cử tri với phong trào “Tiến bước”, theo đường lối trung dung và có chủ trương ủng hộ châu Âu.
Phát biểu trước khoảng 10.000 người ủng hộ gần đây, ông cam kết “biến nước Pháp thành mảnh đất của đổi mới” thông qua tự do việc làm và đưa ra cam kết chính trị trong việc thực hiện khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái” của nước Pháp. Ông tự miêu tả mình là “ứng cử viên duy nhất” có khả năng hòa giải nước Pháp bị chia rẽ sâu sắc giữa các trào lưu cánh hữu và cánh tả. Những người ủng hộ coi ông Macron là gương mặt mới mẻ cho một chiến dịch tranh cử, vốn đang bị phủ bóng bởi các trào lưu dân túy ở những quốc gia đồng minh quan trọng nhất của Pháp như Mỹ và Anh. Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng, chính trị gia độc lập xuất thân từ đầu tư tài chính này chưa từng đảm nhiệm cương vị dân bầu nào và cam kết tranh cử của ông cũng không chứa đựng nhiều thông tin đáng chú ý.
Nhiều ý kiến ở thời điểm này nhận định nhiều khả năng bà Le Pen và ông Macron sẽ cùng bước vào vòng hai của cuộc bầu cử và ông Macron sẽ giành chiến thắng chung cuộc để trở thành Tổng thống Pháp. Tuy nhiên, còn quá sớm để đưa ra nhận định chắc chắn về kết quả và có lẽ cử tri Pháp cũng sẽ thận trọng hơn và “lấy bài học” từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa mới diễn ra để đưa ra lựa chọn chính xác cho nước Pháp trong cuộc bầu cử sắp tới.