TIN LIÊN QUAN | |
Quảng Ninh tạo đột phá từ chính quyền số | |
Quảng Ninh rộng cửa đón FDI |
Dù đặc thù là tỉnh công nghiệp, với cơ cấu kinh tế ưu tiên phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu GRDP (năm 2008 là 6,49%; năm 2017 là 6,3%), nhưng Quảng Ninh đã có nhiều sáng tạo và cách làm mới trong phát triển nông nghiệp, đưa nông nghiệp từng bước đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xóa nghèo bền vững...
10.000 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp
Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt 14 quy hoạch chiến lược của ngành Nông nghiệp để phát triển sản xuất và thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, cao gấp 6 lần so với thời kỳ trước đó.
Toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 17 vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, trong đó, 16 vùng có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chỉ tính trong năm 2017, các vùng sản xuất tập trung đã mở rộng được thêm gần 3.900ha, đạt tổng sản lượng trên 33.500 tấn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan gian hàng OCOP của tỉnh Quảng Ninh ở Triển lãm quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Hà Nội ngày 27/11. (Nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Trong 5 năm, toàn tỉnh Quảng Ninh đã huy động gần 2.600 tỷ đồng từ ngồn vốn ngân sách Nhà nước và hơn 7.500 tỷ đồng từ các nguồn vốn huy động xã hội hóa để đầu tư cho nông nghiệp; thu hút 32 dự án lớn của doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký hơn 5.000 tỷ đồng...
Theo ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Ninh, nhờ triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, diện mạo nông nghiệp, nông thôn của tỉnh thời gian qua đã có sự thay đổi rõ rệt.
Nhận thức của người dân trong sản xuất đã được thay đổi, từng bước chuyển nền nông nghiệp quảng canh, tự cung tự cấp sang thâm canh và sản xuất hàng hóa, tạo đà động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương...
Tư duy mới, cách làm mới
Một trong những mô hình tạo đột phá, thể hiện tư duy mới, cách làm mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh không thể không kể đến Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP).
Ngay từ khi bắt tay vào triển khai, Quảng Ninh đã thành lập Ban điều hành Chương trình OCOP; quy hoạch các sản phẩm chủ lực, ban hành các cơ chế, chính sách và cân đối, bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện; ban hành kế hoạch cụ thể về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cơ quan liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong việc triển khai. Hằng năm, tỉnh dành kinh phí trên 100 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ chương trình.
Đến nay, Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế của Quảng Ninh với tổng số 326 sản phẩm (nhóm thực phẩm 179 sản phẩm; đồ uống 60 sản phẩm; thảo dược 46 sản phẩm; thủ công mỹ nghệ 7 sản phẩm; dịch vụ 2 sản phẩm), trong đó 131 sản phẩm đã đạt sao (7 sản phẩm đạt 5 sao, 56 sản phẩm đạt 4 sao, 68 sản phẩm đạt 3 sao). Có 145 tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tham gia OCOP, trong đó có 44 doanh nghiệp, 64 hợp tác xã, 56 hộ sản xuất; tạo việc làm cho 3.532 lao động với mức thu nhập bình quân từ 5-9 triệu đồng/người/tháng. Tất cả đều là sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận.
Chương trình OCOP đã trở thành một thương hiệu riêng của Quảng Ninh. (Nguồn: QTV) |
Cùng với Chương trình OCOP, Quảng Ninh xác định nhiệm vụ sớm đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn. Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc; phân công các đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy theo dõi địa bàn thực hiện Chương trình 135.
UBND tỉnh đã phê duyệt đề án Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020; cân đối, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện đề án, trong đó nguồn ngân sách tỉnh năm 2016 là 100 tỷ đồng, năm 2017 là 200 tỷ đồng, năm 2018 là 350 tỷ đồng. Đặc biệt, các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập trên cơ sở nguyện vọng, đề xuất của người dân và phù hợp với quy hoạch phát triển sản xuất, phát triển các thương hiệu của mình.
Đến thời điểm này, tại các xã vùng khó của tỉnh đã có nhiều mô hình phát triển kinh tế được người dân tham gia tích cực. Đặc biệt, nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như đường nội đồng, kênh mương phục vụ sản xuất, công trình nước sạch... đã hoàn thành phục vụ việc sản xuất, sinh hoạt và đi lại giao thương cho đồng bào các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Năm 2017, tỉnh có 6 xã và 2 thôn đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, đến cuối năm nay dự kiến 5 xã và 119 thôn thoát khỏi diện này.
Quảng Ninh phát triển du lịch gắn bảo tồn di sản Hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích tại nhiều di sản của tỉnh Quảng Ninh những năm gần đây đã cho thấy việc dồn ... |
Phụ nữ Quảng Ninh làm kinh tế giỏi Những năm gần đây, Quảng Ninh luôn được Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá là tỉnh có nhiều sáng tạo, đổi mới trong ... |
“Trái ngọt” từ Chương trình OCOP Quảng Ninh Học hỏi kinh nghiệm từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) của nước bạn Nhật Bản, với cách làm sáng tạo và sự ... |