📞

Nữ CEO Hàn Quốc 'vẽ' bức tranh Halal tương lai và lời khuyên cho Việt Nam

Minh Hiền 10:13 | 25/10/2024
CEO của Cơ quan Halal Hàn Quốc Safiah Kim Weon-suk trả lời phỏng vấn Báo Thế giới & Việt Nam bên lề Hội nghị Halal toàn quốc do Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức ngày 22/10 về các xu hướng phát triển ngành Halal và lời khuyên cho Việt Nam phát triển ngành công nghiệp ngàn tỷ USD này trong tương lai.
Bà Safiah Kim Weon-suk, CEO của Korea Halal Authority, cho rằng nhu cầu về sản phẩm Halal sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, không chỉ ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống mà còn ở các lĩnh vực phi thực phẩm như mỹ phẩm và dược phẩm. (Ảnh: Bạch Dương)

Với sự tăng trưởng đáng kể của thị trường Halal ở Hàn Quốc và toàn cầu trong những năm gần đây, bà có thể chia sẻ về những xu hướng phát triển chính mà thị trường Halal ở Hàn Quốc và trên thế giới đang trải qua không?

Thị trường Halal hiện đang chứng kiến sự phát triển ấn tượng cả ở Hàn Quốc và trên toàn cầu. Tôi cho rằng có một số xu hướng mà Việt Nam có thể quan sát và tham khảo.

Đầu tiên phải kể đến nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm Halal. Ở Hàn Quốc, thị trường thực phẩm Halal đang phát triển nhờ vào số lượng lớn du khách, cư dân và sinh viên quốc tế theo đạo Hồi. Các thành phố lớn như Seoul cũng chứng kiến sự gia tăng của các nhà hàng và thực phẩm đạt chứng nhận Halal. Theo dự báo, dân số Hồi giáo toàn cầu sẽ đạt 3 nghìn tỷ người vào năm 2025, tất nhiên điều này sẽ kéo theo nhu cầu ngày càng lớn đối với sản phẩm Halal.

Thứ hai, Việt Nam cũng có thể tham khảo từ quy trình chứng nhận và tiêu chuẩn Halal của chúng tôi. Hàn Quốc đang thúc đẩy các tiêu chuẩn Halal minh bạch với sự tham gia của nhiều tổ chức nhằm xây dựng uy tín trên thị trường. Trên thế giới, mỗi quốc gia đều có quy trình chứng nhận khác nhau, điều này ảnh hưởng đến sự tin tưởng của người tiêu dùng. Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất để đạt và duy trì chứng nhận Halal. Chỉ khi hiểu rõ quy trình chứng nhận, Việt Nam sẽ cải thiện hơn nữa việc cung cấp các sản phẩm Halal ra thế giới.

Thứ ba là xu hướng thương mại điện tử và tiếp thị số. Ở Hàn Quốc, các nền tảng trực tuyến cung cấp sản phẩm Halal đang rất phát triển, giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với hàng hóa Halal hơn. Thương mại điện tử cũng cho phép doanh nghiệp tiếp cận được thị trường quốc tế.

Thứ tư, Việt Nam cần phải đổi mới hơn trong sản phẩm thực phẩm Halal. Ở Hàn Quốc, nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm Halal tiện lợi và sáng tạo như các bữa ăn sẵn và đồ ăn nhẹ đang gia tăng. Xu hướng này cũng đang dần chuyển sang các món ăn đa dạng và hiện đại hơn, phù hợp với nhiều tệp khách hàng.

Cuối cùng là về nhận thức văn hóa và giáo dục. Ở Hàn Quốc, việc nâng cao nhận thức về luật ăn uống của Hồi giáo mang đến nhiều sáng kiến giáo dục và hợp tác giữa các nhà cung cấp thực phẩm Hàn Quốc và cộng đồng Hồi giáo.

Khi thị trường Halal đang ngày càng mang lại tiềm năng kinh tế và thu hút sự quan tâm, bà cho rằng Việt Nam có những tiềm năng và cơ hội gì để trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm Halal toàn cầu?

Tôi cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội lớn để trở thành trung tâm cung ứng Halal toàn cầu. Đầu tiên, sự gia tăng của dân số Hồi giáo, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á, với các quốc gia như Malaysia và Indonesia, chính là "cơ hội trời cho" để Việt Nam tiến tới mục tiêu này.

Thứ hai là sự hỗ trợ và chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam ngày càng nhận thức rõ lợi ích kinh tế của chứng nhận Halal, từ đó thúc đẩy các chính sách nhằm hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu thực phẩm Halal bao gồm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cho các nhà sản xuất trong nước.

Thứ ba, Việt Nam có vị trí địa lý đầy chiến lược giúp dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn ở châu Á, Trung Đông và xa hơn nữa. Cũng nhờ vị trí đắc địa này, Việt Nam trở thành vùng đất của hội nhập văn hóa. Sự đa dạng văn hóa của Việt Nam và sự cởi mở với thị trường quốc tế chính là cánh cửa mở ra cơ hội thúc đẩy các sản phẩm Halal phát triển, thu hút cả người tiêu dùng trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, Việt Nam đang tích cực đầu tư vào chứng nhận Halal. Chú trọng đầu tư vào quy trình chứng nhận Halal sẽ giúp Việt Nam đảm bảo các sản phẩm đáp ứng được những tiêu chuẩn Halal quốc tế, hấp dẫn người tiêu dùng ở các quốc gia có đa số người Hồi giáo. Ngoài ra, sự hợp tác và xây dựng mạng lưới đối tác cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường uy tín và vị thế trong ngành công nghiệp Halal, từ đó thu hút thêm đầu tư và cơ hội hợp tác quốc tế.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm an toàn và bền vững, nhu cầu về các sản phẩm Halal đang có những biến đổi rõ nét. Liệu những yếu tố này sẽ tác động tới nhu cầu cũng như xu hướng trong tương lai của thị trường Halal như thế nào thưa bà?

Nhu cầu đối với các sản phẩm Halal tăng đều trong những năm gần đây, bởi nhiều yếu tố như sự gia tăng của dân số Hồi giáo và nhận thức cao hơn của người dân trên toàn thế giới về các tiêu chuẩn Halal. Theo tôi, nhu cầu đối với sản phẩm Halal giờ đây không chỉ tập trung vào thực phẩm mà còn mở rộng sang các lĩnh vực khác như mỹ phẩm, dược phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân.

Điều này cũng sẽ góp phần thay đổi cục diện của ngành công nghiệp Halal hiện tại. Nếu ban đầu, nhu cầu đối với các sản phẩm Halal chỉ tập trung vào thực phẩm và đồ uống, thì hiện nay lại có sự chuyển dịch sang các sản phẩm không thuộc ngành thực phẩm như mỹ phẩm, thời trang và dược phẩm. Các ngành công nghiệp này đang ngày càng áp dụng các tiêu chuẩn Halal, vốn được xem là chỉ dấu của sự an toàn, minh bạch và sản xuất có đạo đức.

Bên cạnh đó, du lịch và dịch vụ Halal cũng sẽ xuất hiện nhiều hơn trong tương lai. Hiện nay, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ du lịch được chứng nhận Halal đang trở nên phổ biến ở những quốc gia có tỷ lệ dân số Hồi giáo đáng kể, mở ra một mô hình du lịch mới. Thậm chí, nhận thức của người tiêu dùng cũng ngày càng tăng. Cả người Hồi giáo và người không theo đạo Hồi đều ý thức rõ hơn về các sản phẩm Halal, coi đây như một biểu tượng của sản phẩm bền vững và chất lượng cao.

Về dự đoán cho tương lai, tôi cho rằng nhu cầu về sản phẩm Halal sẽ tiếp tục tăng trưởng bền vững, không chỉ ở lĩnh vực thực phẩm và đồ uống mà còn ở các lĩnh vực phi thực phẩm như mỹ phẩm và dược phẩm. Công nghệ và tính minh bạch cũng sẽ góp phần “làm nên công chuyện”, với việc sử dụng blockchain và trí tuệ nhân tạo để theo dõi quy trình chứng nhận Halal, qua đó đảm bảo minh bạch trong chuỗi cung ứng.

Xin cảm ơn bà!