📞

Nữ chiến sĩ trên mặt trận đối ngoại

08:36 | 25/10/2012
Trong truyền thống của dân tộc Việt Nam, người phụ nữ được biết đến không chỉ anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, đảm đang trong lo toan gia đình, mà còn thông minh, sáng tạo.
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Ngoại giao chủ trì buổi thảo luận.

Ngay từ thời phong kiến, mặc dù địa vị xã hội của phụ nữ không được coi trọng, nhưng xuất hiện những con người mà trí tuệ của họ đã khiến xã hội phải khâm phục như: Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan...

Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Còn trong lịch sử ngoại giao Việt Nam, không thể không nói đến những người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, với phong cách ngoại giao lịch lãm, duyên dáng và sự thông minh, nhạy bén, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, vừa mềm dẻo, vừa kiên quyết, gắn với những tên tuổi như Nguyễn Thị Bình, Tôn Nữ Thị Ninh... đã tạo những dấu ấn quan trọng trong mặt trận ngoại giao Việt Nam hiện đại. Có thể nói, phụ nữ Việt Nam đã có truyền thống làm công tác đối ngoại, như Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đúc kết, đó là “truyền thống yêu nước, kiên định và bản lĩnh trong đấu tranh bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là sự tận tụy, tinh thần sáng tạo, quyết đoán trong công việc; là sự chịu thương chịu khó, tính nhân hậu và khoan dung trong cuộc sống…”. Ông cũng khẳng định, phụ nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ lớn lao của Đảng và Nhà nước. Đáng khâm phục và tôn vinh hơn, họ còn hoàn thành xuất sắc thiên chức mà tạo hóa và xã hội đã ban tặng, đó là vai trò làm mẹ, làm vợ trong gia đình – một trong những yếu tố đảm bảo sự phát triển bền vững của xã hội.

Hiện nay, Đảng và Nhà nước đang nỗ lực triển khai hoạt động ngoại giao toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi tất cả cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có phụ nữ, phải nỗ lực, chủ động và tích cực hơn nữa để hoàn thành trọng trách của mình. Muốn vậy, theo Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Phương Nga – người có nhiều năm làm công tác đối ngoại - thì bên cạnh điểm mạnh vốn có của phái nữ là sự chu đáo, tỉ mỉ, khéo léo, tinh tế và nhạy cảm thì chị em cần phải luôn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa – xã hội; tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, độc lập, tự tin, dám nghĩ, dám làm, có bản lĩnh và tin vào khả năng của mình, cùng với đó là tinh thần hợp tác, phối hợp có hiệu quả trong công việc. Và điều quan trọng nữa là phải biết xây dựng kế hoạch phù hợp để cân bằng tốt giữa gia đình và công việc.

Để cụ thể, trong buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của phụ nữ làm công tác đối ngoại trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng” được tổ chức hôm 20/10 vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga đã định hướng rõ: Đối với hoạt động ngoại giao Nhà nước, cán bộ nữ cần trau dồi tốt các kỹ năng nghiên cứu, phân tích, đánh giá diễn biến tình hình thế giới, nhận định các xu hướng phát triển, dự báo chiến lược, từ đó có thể tham mưu đối ngoại; Theo dõi sát và kịp thời xử lý tốt các động thái trong quan hệ song và đa phương; Phục vụ và tham gia hoạt động của các đoàn cấp cao, các hội nghị, hội thảo, tham gia đàm phán… Trong hoạt động ngoại giao tại địa phương, cần đẩy mạnh giao lưu và kết nghĩa với thành phố, vùng miền của các nước, nhất là các nước láng giềng để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, củng cố quan hệ hữu nghị và giữ gìn an ninh biên giới; Thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế với các đối tác nước ngoài; Tuyên truyền quảng bá về hình ảnh của địa phương để thu hút đầu tư và tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế tổ chức tại địa phương…

Để các hoạt động đối ngoại thực sự có hiệu quả, theo Thứ trưởng Nguyễn Phương Nga, cần có sự thống nhất và phối hợp tốt các hình thức hoạt động, như ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng, ngoại giao nhân dân và thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Cho nên, việc trao đổi thông tin, kinh nghiệm và phối hợp hoạt động giữa chị em làm công tác đối ngoại của các Bộ, Ban, ngành, địa phương là rất cần thiết. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu cần xây dựng mạng lưới các cán bộ nữ làm công tác đối ngoại, nhằm giúp các chị em học tập, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, tạo mối quan hệ, liên kết để cùng phối hợp trong các hoạt động đối ngoại chung.

Bộ Ngoại giao, với lực lượng cán bộ nữ tương đối lớn, chiếm tỷ lệ 39% tổng số cán bộ, đã đóng góp rất tích cực cho các hoạt động đối ngoại chung và đã được Lãnh đạo Bộ giá cao. Có được những thành tích đó, phải kể đến vai trò của công tác nữ, bởi nói như bà Ngô Thị Hòa, Trưởng Ban nữ công Bộ, thì “công tác nữ công không chỉ quan tâm đến đời sống “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn phải làm tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới và hỗ trợ chị em trong công tác”. Cụ thể ở Bộ Ngoại giao là nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ trong quản lý và nâng cao vai trò của họ trong các hoạt động đối ngoại. Hiện nay công tác nữ công gắn kết với hoạt động đối ngoại đang được cán bộ nữ của Bộ Ngoại giao rất quan tâm thúc đẩy và sẽ trở thành định hướng chính trong công tác nữ của Bộ.

5 kinh nghiệm lớn tại buổi tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm “Phát huy vai trò của phụ nữ làm công tác đối ngoại trong giai đoạn hội nhập quốc tế sâu rộng”, bà Nguyễn Nguyệt Nga, Ủy viên BCH Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nêu ra 5 kinh nghiệm lớn mà theo bà “là những nhân tố mang tính quyết định, giúp các nước đạt thành tựu cao trong việc thực hiện bình đẳng giới trong chính trị và nâng cao vai trò quản lý của phụ nữ”, đó là:

1. Quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao nhất là yếu tố then chốt, có vai trò quyết định tới thành công của nỗ lực đưa bình đẳng giới trở thành hiện thực, đặc biệt trong các vấn đề liên quan đến chính sách, đề cử lãnh đạo nữ  vào các vị trí trong Chính phủ, Quốc hội cũng như bồi dưỡng và tạo điều kiện cho cán bộ nữ ứng cử vào các vị trí lãnh đạo.

2. Việc có các cơ quan quản lý chuyên trách về vấn đề giới làm cho công tác quản lý nhà nước và việc giám sát thực thi bình đẳng giới và phát triển cán bộ nữ được triển khai hiệu quả hơn.

3. Việc thực hiện bình đẳng giới và huy động sự tham gia của phụ nữ vào các hoạt động kinh tế-xã hội phải được coi là mang tính chất định hướng cho quá trình xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh và phát triển bền vững của quốc gia.

4. Để thúc đẩy và khuyến khích phụ nữ tham gia đóng góp niều hơn cho xã hội, Nhà nước cần quan tâm và đặc biệt chú trọng: bảo đảm phụ nữ được bình đẳng trong việc hưởng các quyền lợi về giáo dục, kinh tế, y tế và các lĩnh vực khác; Nâng cao chất lượng của hệ thống dịch vụ công, đặc biệt là hệ thống nhà trẻ và chăm sóc y tế cho trẻ em; Phát huy vai trò của thông tin truyền thông trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về bình đẳng giới.

5. Ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và củng cố mạng lưới kết nối giữa phụ nữ trong một quốc gia và giữa các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hải Hiền