📞

Nữ sĩ quan Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở Trung Phi: Trải nghiệm giúp bản thân hiểu hơn về giá trị cuộc sống

Nguyệt Anh 06:30 | 22/12/2023
Sự góp mặt của phụ nữ tại các Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc như những người truyền cảm hứng, tạo ra những hình mẫu cho phụ nữ và trẻ em gái...
Đại úy Vũ Nhật Hương nhận Huy chương Vì sự nghiệp Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, do Chỉ huy trưởng lực lượng quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Cộng hòa Trung Phi trao tặng tháng 12/2022. (Ảnh: NVCC)

Đó là chia sẻ của Đại úy Vũ Nhật Hương, Trợ lý Phòng Hợp tác quốc tế/ Cục Gìn giữ hoà bình Việt Nam; nguyên Sĩ quan Truyền thông, Phòng Truyền thông, Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc, Cộng hoà Trung Phi (MINUSCA) nhiệm kỳ 2021-2022 với Báo Thế giới và Việt Nam.

Trong những năm gần đây, cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới của Việt Nam. Vậy theo chị, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới là gì?

Trong bối cảnh mới, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế, tuy nhiên thế giới vẫn đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức lớn.

Mỗi quốc gia, dân tộc và phụ nữ sẽ không thể phát triển khi chiến tranh, xung đột, bạo lực và những thách thức về an ninh còn tồn tại. Chính vì vậy, hòa bình và an ninh đã trở thành mục tiêu chung, trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia, dân tộc và nhân loại trong đó có Việt Nam và phụ nữ Việt Nam.

Phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” với tinh thần “Đoàn kết - Đổi mới - Bình đẳng - Hội nhập”, phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình góp phần thực hiện mục tiêu hòa bình, an ninh của đất nước, khu vực và thế giới.

Tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc được đánh giá là nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm. Khi bản thân đã sẵn sàng triển khai hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bất kể là nam hay nữ để đòi hỏi lực lượng tham gia phải có sức khỏe tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, kiến thức quân sự và chuyên môn tốt, giỏi ngoại ngữ, có phẩm chất đạo đức, kỹ năng sinh tồn...

Vũ Nhật Hương trong một lần tác nghiệp. (Ảnh: NVCC)

Đối với các nữ quân nhân, những khó khăn, thách thức đó lại nhân lên gấp bội do đặc điểm sinh học tạo nên sự khác biệt so với nam giới về sức khỏe, tinh thần, tình cảm.

Tại Việt Nam, vượt qua những rào cản khó khăn đó, lực lượng nữ quân nhân xung phong lên đường với một khí thế quyết tâm, đến những miền đất xa xôi như Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan - nơi điều kiện sống còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn, thời tiết khắc nghiệt, người dân nghèo khó, lạc hậu. Đồng thời, đối mặt với bệnh tật, hiểm nguy rình rập mỗi khi xung đột; nhớ con, nhớ gia đình để thực hiện nhiệm vụ, bảo vệ, giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất ở vùng đất sở tại.

Công việc cụ thể của các nữ quân nhân là gì?

Tại các phái bộ, những nữ quân nhân Việt Nam hoạt động ở nhiều vị trí với vai trò khác nhau như sĩ quan tham mưu, quan sát viên quân sự, huấn luyện, quân y. Ngoài thời gian công tác, làm việc theo nhiệm vụ được Liên hợp quốc giao, các chị còn giảng dạy, hỗ trợ các bà mẹ về những kinh nghiệm, kiến thức cơ bản trong việc nuôi dưỡng, chăm sóc con, may khẩu trang hỗ trợ người dân, đồng nghiệp ở phái bộ phòng chống đại dịch Covid-19. Đồng thời, tổ chức khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân và các nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em.

Những nữ sĩ quan gìn giữ hòa bình chính là cầu nối giúp xây dựng lòng tin với các cộng đồng địa phương, từ đó giúp ngăn ngừa, giảm thiểu xung đột và đối đầu. Điều quan trọng nhất, sự góp mặt của phụ nữ tại các Phái bộ Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc đóng vai như những người truyền cảm hứng, tạo ra những hình mẫu cho phụ nữ và trẻ em gái để trở thành một phần ý nghĩa trong các tiến trình hòa bình và chính trị.

Việt Nam tự hào với tỷ lệ 20% lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là nữ giới. Ở các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong công tác hướng dẫn và hoạt động cộng đồng. Trên cơ sở vai trò trung tâm của phụ nữ trong xã hội Việt Nam, sự tham dự và đưa ra quyết sách của phụ nữ một cách có ý nghĩa, đầy đủ và công bằng. Trong tiến trình gìn giữ và kiến tạo hòa bình sẽ giúp thúc đẩy sự ổn định, gắn kết xã hội và nền hòa bình bền vững.

Đại úy Vũ Nhật Hương. (Ảnh: NVCC)

Do đó, trong lĩnh vực gìn giữ hoà bình, nền tảng vững chắc để thực hiện các mục tiêu Việt Nam là quốc gia bình đẳng giới trong giai đoạn tới đó là: Cần mạnh dạn sử dụng cán bộ nữ cho các vị trí quan trọng mà Liên hợp quốc đề xuất Việt Nam như sĩ quan tham mưu cấp cao, chỉ huy phân khu, chỉ huy phái bộ và có thể được ưu tiên bố trí sau khi hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đồng thời, trang bị thêm kiến thức mọi mặt để các nữ sĩ quan cũng có thể ứng thi vào các cơ quan hoạch định chính sách của Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, khích lệ, động viên nhằm tăng tỉ lệ nữ trong khối đối ngoại quốc phòng và có chính sách thu hút nữ dân sự có đủ khả năng được tuyển dụng vào Quân đội, làm nguồn cho cán bộ nữ tham gia hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của quân đội trong tương lai.

Thời đại 4.0 là kỷ nguyên của trí tuệ nhân tạo, phụ nữ sẽ gặp những thách thức gì, theo chị?

Trong xã hội hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) là trí tuệ do con người lập trình tạo nên với mục tiêu giúp máy tính có thể tự động hóa các hành vi thông minh như: biết suy nghĩ và lập luận để giải quyết vấn đề, biết giao tiếp do hiểu ngôn ngữ, tiếng nói, biết học và tự thích nghi… Không kể đến những mặt tích cực mà AI mang lại nhưng rõ ràng ngày nay có thể nói máy móc đã thay thế con người kể cả mặt cảm xúc.

Tôi là người trẻ, sinh ra, lớn lên, học tập và bắt nhịp công việc trong thời kỳ đất nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Đôi khi chính bản thân trở nên vô cảm và thờ ơ với những điều bình dị trong cuộc sống như gượng gạo tự nói ra lời yêu thương, đôi khi lười biếng tham gia một hoạt động như mang tính cộng đồng chẳng hạn, thay vào đó là sử dụng điện thoại thông minh để thay thế cho mọi sự gượng gạo và lười biếng của chính bản thân mình.

Nữ sĩ quan Vũ Nhật Hương tổ chức Trung thu cho trẻ em. (Ảnh: NVCC)

Một năm sống và công tác tại mảnh đất châu Phi nắng gió, AI là điều quá là xa xỉ với chúng tôi, cuộc sống tại đây giống như một cuốn phim ở thập niên 80, ở đó Internet, mạng điện thoại quốc tế chưa thực sự phổ biến, soạn một tin nhắn và tin nhắn đó chập chờn gửi được hay không gửi được. Nhờ vậy mà tranh thủ khi sóng điện thoại tốt, một cuộc điện thoại chóng vánh đã giúp tôi mạnh dạn nói lời yêu thương bằng miệng với chính người thân yêu của mình mà không chút gượng gạo.

Thật khó có thể tìm được chiếc lò vi sóng, chiếc máy rửa bát, một chiếc máy hút bụi thông minh để xử lý công việc nhà cửa, nhưng bù lại, chúng tôi lại có thể sử dụng trí tuệ và sức khoẻ tập thể để giải quyết, san sẻ công việc khu vực nhà chung.

Hay đơn giản, thay vì một tin nhắn có thể hỗ trợ việc thiện nguyện bằng vật chất, ở châu Phi, chúng tôi đã sử dụng ánh mắt, nụ cười và trái tim để tham gia các chương trình thiện nguyện tại Làng trẻ mồ côi, trường học… Vận dụng sức trẻ, sự sáng tạo của tập thể để mang những nét văn hoá độc đáo Việt Nam quảng bá, giới thiệu với bạn bè năm châu bằng nhiệt huyết và lòng nhân ái.

Từ trải nghiệm của bản thân, thách thức lớn trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo của con người nói chung theo tôi, đó là sự xa cách. Thật may, một năm qua tôi đã có khoảng thời gian “được - sống - chậm - lại” cho bản thân để hiểu hơn về giá trị của cuộc sống xã hội, kinh tế đang phát triển tại quê nhà.

Xin cảm ơn chị!