Chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol sẽ có cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với vấn đề Triều Tiên. (Nguồn: asiapacific.ca) |
"Lấy hành động đổi hành động"
Theo bài viết ngày 14/3 trên NK News, chuyên trang theo dõi về tình hình Triều Tiên, tài liệu về định hướng chính sách ngoại giao và an ninh của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol cho thấy, chính quyền mới dường như từ bỏ hoàn toàn chính sách cũ về Triều Tiên đã được Hàn Quốc theo đuổi trong 5 năm qua.
Ông Yoon thậm chí còn chủ trương đi đầu trong thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên.
Theo một bản phác thảo dài 11 trang về định hướng chính sách ngoại giao và an ninh do Ủy ban chuyển tiếp chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol công bố ngày 13/3, chính quyền tiếp theo của Hàn Quốc sẽ ưu tiên khôi phục “niềm tin đã bị rạn nứt” với Mỹ và “củng cố vững chắc” thế trận phòng thủ của đất nước để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Nội dung tài liệu báo hiệu sự chấm dứt chính sách liên Triều đã được chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Moon Jae-in áp dụng trong 5 năm qua.
Giáo sư Christopher Green, giảng viên Đại học Leiden (Hà Lan) nhận định: “Chính sách của ông Yoon trở lại với cách tiếp cận lấy 'hành động đổi hành động'. Điều này có nghĩa là Triều Tiên sẽ phải có các bước đi cụ thể để đổi lấy lợi ích”.
Theo ông Christopher Green, chính quyền mới của Hàn Quốc nên theo đuổi cách tiếp cận “dựa trên nguyên tắc” trong bối cảnh Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa từ đầu năm đến nay.
Nền tảng chính sách về Triều Tiên của ông Yoon Suk-yeol dựa trên việc duy trì các lệnh trừng phạt quốc tế cho đến khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn và “đóng băng” hầu hết các cam kết, chẳng hạn như hợp tác kinh tế và tuyên bố kết thúc chiến tranh, cho đến khi Triều Tiên thực hiện “các bước đi quan trọng” để giải trừ vũ khí.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục thắt chặt các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Triều Tiên và đi đầu trong các nỗ lực thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên, nhằm đáp trả các động thái gia tăng khiêu khích gần đây của Bình Nhưỡng.
Một nhà ngoại giao nước ngoài am hiểu về cương lĩnh tranh cử của ông Yoon Suk-yeol đưa ra nhận định với NK News rằng, việc ông Yoon cam kết đi đầu trong thực thi các lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào Triều Tiên và tăng cường liên minh Mỹ-Hàn Quốc rất phù hợp với “lợi ích chung” của Mỹ và phương Tây.
Một trong những biện pháp quan trọng để Hàn Quốc đạt được mục tiêu giải quyết vấn đề Triều Tiên là thông qua hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các thành viên và cuối cùng là tham gia nhóm Bộ tứ, bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ.
Nhà phân tích Peter K. Lee thuộc Trung tâm nghiên cứu về Mỹ ở Sydney (Australia), cho biết, mô hình hợp tác mà nhóm Bộ tứ tạo ra là “sự phù hợp tự nhiên” đối với Hàn Quốc. Nhóm tư vấn chính sách đối ngoại của ông Yoon Suk-yeol đã định hình hợp tác với nhóm Bộ tứ dựa trên liên minh Mỹ-Hàn Quốc vì điều đó giúp họ củng cố lập trường và đối mặt với những lời chỉ trích không thể tránh khỏi từ phía Trung Quốc.
Tin liên quan |
Hàn Quốc: Thế vận hội Bắc Kinh và tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên là hai vấn đề riêng rẽ |
Quan điểm của Bắc Kinh là nhóm Bộ tứ là một công cụ nhằm kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Peter K. Lee cho rằng, chính quyền tiếp theo của Hàn Quốc đang phát đi thông điệp rằng, nhóm Bộ tứ và liên minh Mỹ-Hàn Quốc sẽ gắn bó chặt chẽ với nhau, đồng thời từ bỏ quan điểm của chính quyền Tổng thống Moon Jae-in vốn “coi nhóm Bộ tứ là một vấn đề tách biệt” khỏi liên minh Mỹ-Hàn Quốc.
Thông điệp tích cực với đối tác tiềm năng
Tài liệu về định hướng chính sách ngoại giao và an ninh của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol là văn bản đầu tiên, chỉ rõ các ưu tiên chính sách ngoại giao và an ninh kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 9/3 vừa qua.
Trong đó, nội dung đề cập các mối quan hệ song phương của Hàn Quốc với các đối tác chủ yếu, khôi phục quan hệ với Nhật Bản, Nga và thúc đẩy sáng kiến hợp tác “cùng có lợi” với các quốc gia khu vực Đông Nam Á.
Chính quyền của Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol dự kiến sẽ chính thức lên nắm quyền vào đầu tháng 5 tới. Hiện chưa rõ chính quyền mới của Hàn Quốc sẽ đưa ra những biện pháp gì để cân bằng các mục tiêu đối ngoại nói trên trong khi vẫn giữ được ưu tiên thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ trong khu vực.
Dự thảo chính sách đối ngoại đánh giá tích cực và kêu gọi triển khai bổ sung Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) để đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, song THAAD lại được Bắc Kinh xem là công cụ do thám chống lại nước này.
Cũng không rõ chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol sẽ triển khai mô hình hợp tác nào với Nga trong bối cảnh quy mô và mức độ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Mosccow ngày càng gia tăng, kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào Ukraine, trong đó có sự tham gia trừng phạt của Seoul.
Tài liệu về chính sách đối ngoại của Seoul, theo Giáo sư Christopher Green, “đưa ra một thông điệp tích cực cho tất cả các đối tác tiềm năng và bây giờ chúng ta phải đợi nó được triển khai trong thực tế”.
| Mong cùng nắm tay tiến tới Thế vận hội Bắc Kinh, Hàn Quốc thúc đẩy thảo luận cấp cao với Triều Tiên ngay trong năm Ngày 3/10, Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Lee In-young cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc tổ chức các cuộc thảo luận cấp ... |
| Hàn Quốc phát triển tên lửa mạnh hơn để đối phó Triều Tiên Hàn Quốc đang trong giai đoạn cuối của quá trình phát triển loại tên lửa đạn đạo có thể mang đầu đạn nặng 3 tấn ... |