Chính phủ Nga đã cố gắng thanh toán các khoản nợ bằng nội tệ, nhưng nhiều trái phiếu không cho phép hoàn trả bằng đồng Ruble. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 24/5, Bộ Tài chính Mỹ thông báo, các ngân hàng và cá nhân Mỹ sẽ bị cấm nhận khoản thanh toán trái phiếu từ chính phủ Nga. Bộ này nhấn mạnh: “0h sáng ngày 25/5 (giờ New York) là thời gian lệnh miễn trừ của Mỹ với Nga hết hiệu lực. Văn phòng Quản lý Tài sản nước ngoài (OFAC) sẽ không gia hạn".
Động thái của Washington đã làm tăng khả năng Moscow bị vỡ nợ trái phiếu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho rằng: “Nếu Nga không thể tìm ra cách hợp pháp để thực hiện các khoản thanh toán này, thì về mặt kỹ thuật, họ sẽ vỡ nợ".
"Chỉ là vấn đề thời gian"
Lệnh miễn trừ được đưa ra sau khi Mỹ công bố trừng phạt Nga vì chiến dịch quân sự tại Ukraine cuối tháng 2/2022. Moscow vẫn có thể thanh toán các khoản nợ trái phiếu nước ngoài và thoát nguy cơ vỡ nợ.
Đến nay, gần 3 tháng sau xung đột tại Ukraine, Nga vẫn hoàn tất các khoản thanh toán cho chủ nợ. Quốc gia này vài lần gặp khó do các lệnh trừng phạt khiến họ mất nhiều nguồn thu ngoại tệ và không tiếp cận được dự trữ ở nước ngoài.
Hiện tại, Nga hiện đối mặt với hàng chục kỳ hạn thanh toán nợ trong năm nay. Vào ngày 27/5, nước này sẽ phải thanh toán khoản tiền lãi 100 triệu Euro cho 2 trái phiếu: một trái phiếu yêu cầu thanh toán bằng USD, Euro, Bảng Anh hoặc Franc Thụy Sỹ; một trái phiếu có thể trả bằng đồng Ruble.
Sau thời gian gia hạn từ 15-30 ngày sau thời điểm lỡ thanh toán, Nga có thể sẽ bị tuyên bố là vỡ nợ.
Jay Auslander, một luật sư Mỹ chuyên về nợ công cho rằng, việc Nga vỡ nợ sẽ không tác động nhiều đến kinh tế toàn cầu, vì nước này đã bị loại khỏi thị trường tài chính thế giới trong nhiều tháng nay. Các nhà đầu tư cũng đã dự đoán trước tình huống này.
Lần gần đây nhất Nga vỡ nợ quốc tế là vào năm 1918, khi lãnh tụ cuộc Cách mạng Tháng Mười Vladimir Lenin từ chối công nhận các nghĩa vụ tài chính của chế độ Sa hoàng đã bị lật đổ. Quốc gia này đã vỡ nợ trong nước vào cuối những năm 1990 trong cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á, nhưng sau đó khôi phục tình trạng vỡ nợ đó với sự trợ giúp của viện trợ quốc tế.
Nếu Nga vỡ nợ, bước tiếp theo có khả năng là nước này sẽ tìm cách kiện tụng tại các tòa án Mỹ, Anh hoặc châu Âu với lập luận rằng, Moscow buộc phải vỡ nợ trong tình trạng bất khả kháng.
Nhưng luật sư Auslander nhận thấy, Nga khó chiến thắng nếu khởi kiện, vì lý do ban đầu phương Tây đẩy nước này ra khỏi thị trường tài chính vì xung đột tại Ukraine.
Tin liên quan |
Trung Quốc 'giúp' Nga chống lệnh trừng phạt - Tổng thống Putin hết ý định cậy nhờ? |
Timothy Ash, một chiến lược gia thị trường mới nổi tại BlueBay Asset Management cho biết, bây giờ "chỉ là vấn đề thời gian" trước khi Nga vỡ nợ. Kết quả đó sẽ tiếp tục làm giảm niềm tin vào vị thế nước đi vay của Nga, nhưng cũng sẽ giúp các nhà đầu tư quốc tế đã mua trái phiếu bỏ túi hàng tỷ USD.
Theo ông Ash, Nga sẽ mất phần lớn cơ hội tiếp cận thị trường, ngay cả với Trung Quốc, vì nguồn tài chính duy nhất của chính quyền Moscow sẽ đi cùng mức lãi suất “cao cắt cổ”.
Vị chuyên gia này nói: “Điều đó đồng nghĩa rằng Nga sẽ không thể huy động vốn, không nhận được đầu tư và cũng không thể tăng trưởng. Ngoài ra, mức sống của người dân cũng bị ảnh hưởng".
Còn Adam M. Smith, người từng là quan chức cấp cao trong Bộ Tài chính của chính quyền cựu Tổng thống Obama thì dự đoán, Nga rất có thể sẽ vỡ nợ vào tháng 7/2022. Làn sóng kiện cáo từ Nga và các nhà đầu tư có khả năng xảy ra sau đó.
Nga không lo ngại?
Giám đốc dự báo toàn cầu của The Economist Intelligence Unit (EIU) Agathe Demarais nhận định, nợ chính phủ của Nga đang ở mức thấp và đang trên đà giảm trước khi quốc gia này tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Vì vậy, vỡ nợ trái phiếu không thể gây ra vấn đề lớn cho Nga.
Theo bà Agathe Demarais, đó một tín hiệu để giải đáp cho câu hỏi: liệu Nga có đang muốn cắt đứt mọi liên hệ với phương Tây và thị trường tài chính hay không?
Bà nói: "Thông thường, mọi quốc gia sẽ làm mọi thứ để tránh nguy cơ vỡ nợ. Nhưng, đến thời điểm hiện tại, tất cả động thái của quốc gia này lại cho thấy, Nga không thực sự lo ngại về việc vỡ nợ. Tôi nghĩ, Moscow không tin tưởng rằng mối quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây có thể cải thiện trong tương lai gần”.
Giám đốc dự báo toàn cầu của EIU cho biết thêm, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga có thể sẽ được duy trì “vô thời hạn”, vì Tổng thống Putin khó có thể quay đầu trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.
EIU dự đoán, căng thẳng sẽ kéo dài trong suốt năm nay và trở thành xung đột về sau, bởi cả Nga và phương Tây đều đang cố gắng định hình lại chuỗi cung ứng để thích nghi với các lệnh cấm vận mới, thay vì tìm cách chấm dứt nó.
Hiện tại, Nga vẫn đang có nguồn doanh thu đáng kể từ hoạt động xuất khẩu năng lượng và đang cố gắng buộc các nhà nhập khẩu châu Âu trả tiền mua dầu mỏ và khí đốt bằng đồng Ruble để giảm thiểu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt.
| Đối đầu với trừng phạt từ phương Tây, Trung Quốc không muốn hay không thể giúp Nga? Những gì Trung Quốc đang thể hiện dường như đã xác định rõ chính sách đối với Nga: Ủng hộ về mặt chính trị, chẳng ... |
| Trung Quốc cần than Nga, Moscow cần những khách hàng mới Trung Quốc đang mua lượng than đá giá rẻ kỷ lục của Nga, ngay cả khi “cơn mưa” trừng phạt của các quốc gia phương ... |