TIN LIÊN QUAN | |
Indonesia không đạt kỳ vọng thu hút đầu tư từ Saudi Arabia | |
Quốc vương Saudi Arabia công du châu Á tìm kiếm đầu tư |
Chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Nga của một Quốc vương Saudi Arabia đương nhiệm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao đã mở ra trang mới trong quan hệ song phương. Là người rất ít khi thực hiện các chuyến công du nước ngoài, nên việc chọn Moscow làm điểm dừng chân và sau hai năm để chuẩn bị cho hành trình của mình thể hiện sự coi trọng đặc biệt của Quốc vương Salman đối với mối bang giao Nga – Saudi Arabia.
Nhận định về kết quả chuyến thăm, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, Jordan, Yemen, Lebanon và UAE Nguyễn Quang Khai cho rằng cuộc hội đàm giữa hai bên không chỉ đánh dấu cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, mà còn mở ra một tương lai mới cho thị trường dầu mỏ thế giới và Trung Đông.
Đẩy mạnh hợp tác
Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho biết, một trong những kết quả lớn nhất của cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo ngày 5/10 là việc Nga đồng ý bán Hệ thống tên lửa S-400, Hệ thống tên lửa chống tăng Kornet và chuyển giao công nghệ sản xuất nhiều loại vũ khí tối tân khác cho Saudi Arabia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốc vương Saudi Arabia Salman gặp gỡ ngày 5/10. (Nguồn: Time) |
Trước Saudi Arabia, Nga chỉ cung cấp S-400 cho các quốc gia đồng minh thân cận. Bởi vậy, động thái này cho thấy mối quan hệ giữa Moscow và Riyadh đã có bước ngoặt lớn. Việc mua được vũ khí hiện đại của Nga cũng đánh dấu một sự thay đổi của Saudi Arabia, khi hầu hết trang thiết bị quốc phòng của nước này trước đó đều đến từ các nước phương Tây như Mỹ và Anh.
Bên cạnh đó, nguyên thủ hai nước cũng nhất trí sẽ tiếp tục cam kết giảm sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ mở rộng (OPEC Plus) xuống còn 1,8 triệu thùng/ngày nhằm bình ổn giá. Tổng thống Putin hứa xem xét gia hạn thỏa thuận về tham gia OPEC Plus, sẽ hết hạn vào tháng 3/2018.
Cuối cùng, cả Nga và Saudi Arabia đều không nhắc đến việc cấm vận Qatar tại Trung Đông. Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Quan hệ Quốc tế của Thượng viện Nga Konstantin Kosachev cho biết Moscow sẽ tiếp tục giữ thế trung lập và mong muốn đóng vai trò trung gian hòa giải căng thẳng hiện nay.
Xóa bỏ rào cản
Một vấn đề trọng tâm khác liên quan đến ảnh hưởng ngày càng lớn của Iran cũng được Quốc vương Saudi Arabia Salman đề cập với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, thay vì chỉ trích mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa Nga và Iran, Quốc vương Salman đã tập trung đẩy mạnh quan hệ hợp tác trên nhiều mặt với Moscow. Động thái này được cho là nhằm tăng cường tiềm lực quân sự của Riyadh, để đối phó với ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Tehran tại khu vực.
Với Nga, theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai, Moscow mong muốn đồng thời duy trì quan hệ với cả Tehran và Riyadh. Iran là đối tác quan trọng của Nga trong cuộc chiến tại Syria và bảo đảm sự tồn tại của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mặt khác, Saudi Arabia đóng vai trò then chốt khi cung cấp nguồn tài chính dồi dào cho Nga qua các hợp đồng đầu tư và mua bán vũ khí, đồng thời có vị trí chiến lược trong chính sách Trung Đông của Moscow.
Nhiều nhà phân tích cho rằng Tổng thống Putin mong muốn chính quyền của Quốc vương Salman và các nước vùng Vịnh tham gia giải quyết cuộc chiến Syria. Nếu trở thành sự thực, tam giác Nga – Iran – Saudi Arabia sẽ mang tới thay đổi tích cực trong việc giải quyết cuộc chiến ở Syria.
Cân bằng địa chính trị khu vực
Việc xích lại gần Nga được đánh giá là nước cờ khéo léo của Saudi Arabia để đa dạng hóa quan hệ ngoại giao và tránh phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ. Qua đó, Riyadh cũng buộc Washington xem xét lại chính sách của mình ở Trung Đông, đặc biệt là trong mối bang giao với Saudi Arabia. Ngày 7/10, ngay sau chuyến thăm, trong một động thái “hâm nóng” quan hệ song phương, Mỹ công bố sẽ bán cho Saudi Arabia Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trị giá 15 tỷ USD.
Hơn nữa, trong khi Quân đội Syria và Nga tiếp tục tỏ ra hiệu quả trong việc truy quét lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và chấm dứt cuộc chiến tại Syria, vai trò của lực lượng nổi dậy được Mỹ và phương Tây hỗ trợ lại đang trở nên mờ nhạt. Nhà nghiên cứu Brian Katulis tại Trung tâm nước Mỹ tiến bộ nhận định: “Không chỉ Quốc vương Salman mà nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia vùng Vịnh khác đang thiết lập mối quan hệ gần gũi hơn với Moscow. Nga đang trở thành nhân tố chủ chốt giải quyết điểm nóng ở Trung Đông và khiến vai trò của Mỹ bị lu mờ, đặc biệt là tại Syria”.
Học giả Anna Borshchevskaya của Viện Nghiên cứu Washington về Chính sách Cận Đông thì cho rằng hiện Nga chưa có đủ sức mạnh để lấp đầy “khoảng trống quyền lực” mà Mỹ để lại ở Trung Đông. Tuy nhiên, Moscow vẫn rất khôn khéo trong việc tìm kiếm và mở rộng quan hệ với nhiều nước, nhằm tăng cường ảnh hưởng ở khu vực này.
Trong khi đó, Đại sứ Nguyễn Quang Khai cho rằng chuyến công du Moscow của Quốc vương Salman vừa qua sẽ góp phần cân bằng địa chính trị trong khu vực Trung Đông. Hy vọng rằng Mỹ, Nga và Saudi Arabia có thể cùng nhau hợp tác, tìm kiếm giải pháp hòa bình cho khu vực Trung Đông vốn còn nhiều bất ổn sau chuyến thăm lịch sử của Quốc vương Salman tới Moscow.
Cuối cùng, Saudi Arabia đã cho phép phụ nữ lái xe Ngày 26/9, Quốc vương Saudi Arabia, Salman bin Abdulaziz al Saut đã quyết định cho phép phụ nữ nước này được phép lái xe. Với ... |
Nhật Bản, Saudi Arabia đạt thỏa thuận về các đặc khu kinh tế Đây được xem như một phần của kế hoạch giúp hai nước đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách. |
Quốc vương Saudi Arabia dùng thang dát vàng khi đến Nhật Bản Quốc vương Saudi Arabia đến Tokyo ngày 12/3 với đoàn tùy tùng hàng nghìn người, hàng trăm xe limousine, cầu thang dát vàng cùng nhiều ... |