📞

Ô nhiễm không khí từ góc nhìn kinh tế

Linh Chi 00:00 | 24/01/2020
TGVN. Ô nhiễm không khí đã và đang là mối quan ngại lớn, khi các chỉ số chất lượng không khí liên tục trong nhiều ngày tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn luôn ở ngưỡng cao của thang cảnh báo.
4 tháng trở lại đây ô nhiễm không khí tại Hà Nội liên tục ở ngưỡng xấu, nguy hại đến sức khỏe. (Nguồn: Giaoducthoidai)

Tại Tọa đàm đối thoại chính sách “Tổn thất kinh tế của ô nhiễm không khí (ÔNKK) và các chính sách giảm thiểu ô nhiễm” do Đại học Kinh tế quốc dân (ĐHKTQD) tổ chức tại Hà Nội mới đây, các chuyên gia chỉ ra rằng, ÔNKK gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10,8 - 13,2 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5-7% GDP).

Tổn thất lớn về kinh tế

Theo nghiên cứu của ĐHKTQD, trong 10 bệnh có tỷ lệ tử vong cao nhất tại Việt Nam thì có 6 bệnh liên quan đến đường hô hấp và nguyên nhân đến từ ÔNKK và chất lượng không khí.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng, lượng CO2 phát thải năm 2010 tại Việt Nam đã tăng tới tám lần so với năm 1980, ước tính năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2010 và năm 2030 sẽ tăng lên gấp bốn lần. Việt Nam nằm trong chu kỳ ô nhiễm không khí hàng năm từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Trong năm 2019, số ngày chỉ số chất lượng không khí AQI vượt quy chuẩn cao hơn các năm trước. Riêng tháng 12, có đợt ô nhiễm kéo dài hơn hai tuần, có ngày tất cả trạm đo đều màu tím (chỉ số AQI trên 200).

Bên cạnh đó, ÔNKK chính là “thủ phạm” gây ra hiện tượng lắng đọng và mưa axit, hủy hoại hệ sinh thái, làm giảm tính bền vững của các công trình xây dựng và các dạng vật liệu.

Không chỉ thế, theo PGS.TS. Đinh Đức Trường, Trưởng Khoa môi trường, Biến đổi khí hậu và Đô thị (ĐHKTQD), ÔNKK còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Tại Việt Nam, ÔNKK gây thiệt hại về kinh tế khoảng 10,8-13,2 tỷ USD mỗi năm (chiếm từ 5-7% GDP).

Theo số liệu Trung tâm Luật và Chính sách môi trường, Đại học Yale (Mỹ), năm 2018, Việt Nam có chỉ số hiệu quả môi trường (EPI) xếp thứ 132/180 quốc gia. Trước đó năm 2016, chỉ số EPI của Việt Nam là 131/178 quốc gia; năm 2012, chỉ số EPI của Việt Nam xếp 79/132.

“Các chỉ số này cho thấy, chất lượng môi trường không khí đang ngày càng tụt hậu, so sánh với thế giới thì Việt Nam hiện đang nằm trong nhóm các quốc gia có thứ bậc thấp về chất lượng môi trường không khí”, PGS. TS. Đinh Đức Trường nhấn mạnh.

Đến lúc phải mạnh tay

Xét về nguyên nhân gây ÔNKK, PGS TS. Đinh Đức Trường cho rẳng, có ba nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là việc sử dụng tài nguyên của nền kinh tế Việt Nam. Nhiên liệu hóa thạch chiếm hơn 90% năng lượng, tiêu thụ than chiếm 36% và có dấu hiệu ngày càng tăng.

Thứ hai, Việt Nam là “thiên đường ô nhiễm” do FDI. Hay nói cách khác, Việt Nam đang từng bước trở thành “thiên đường ô nhiễm” như là một hiệu ứng phụ của việc tiếp nhận đầu tư FDI một cách thiếu kiểm soát, từ đó, dẫn đến hệ lụy là đã có nhiều dự án FDI phải trả giá đắt về ô nhiễm môi trường.

Thứ ba là do thứ bậc thấp trong phân công lao động quốc tế. Hiện nay, các nước đã phát triển chiếm vị trí cao trong chuỗi giá trị, vì vậy, những hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo gây ô nhiễm bị đẩy về Việt Nam.

PGS.TS. Đinh Đức Trường cũng nhận thấy, Việt Nam hiện đang thâm dụng tài nguyên thiên nhiên và coi đó là giải pháp cho tăng trưởng kinh tế. Giống như các nước đang trong quá trình công nghiệp hóa, Việt Nam có sự chậm trễ tương đối trong các tiêu chuẩn môi trường.

Dù đã nhận thức được sự nghiêm trọng của ÔNKK nhưng nhìn chung công tác quản lý ÔNKK tại Việt Nam vẫn còn bất cập chưa được giải quyết triệt để. Một số vấn đề vẫn còn “nghẽn” cần xử lý như: hệ thống thể chế về môi trường không khí chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu quy định đặc thù cho môi trường không khí, hệ thông tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, tính hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật chưa cao và thiếu tính gắn kết.

Đứng trước những vấn đề trên, PGS.TS. Đinh Đức Trường chỉ ra rằng, đã đến lúc Việt Nam phải “ra tay” xử lý tình trạng này. Việt Nam có bốn nguồn thu chính có thể sử dụng để giải quyết ô nhiễm môi trường, đó là: đánh thuế carbon, phí ô nhiễm môi trường, trái phiếu môi trường và hợp tác công tư trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường.

Các khoản thu này có thể được sử dụng để chi cho những hoạt động như: giám sát và hệ thống xử lý vi phạm, đầu tư cho năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hỗ trợ đầu tư hạ tầng và tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh.

Đồng thời, Việt Nam cần loại bỏ tư duy độc lập, đơn ngành trong quá trình hoạch định các chiến lược, chính sách phát triển ở tất cả các cấp, các ngành; đổi mới công nghệ trong sản xuất và tiêu dùng năng lượng sạch; tăng cường nghiên cứu khoa học, đánh giá và dự báo các tác động của ÔNKK; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế.

Để cuộc chiến chống ÔNKK đạt được hiệu quả về kinh tế, Việt Nam cần thực thi ngay một hệ thống các giải pháp đồng bộ và toàn diện, bao gồm các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ÔNKK.

GS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐHKTQD (thành viên tổ tư vấn Thủ tướng Chính phủ) nhận định, ÔNKK chủ yếu do hoạt động kinh tế của con người gây ra, vì vậy, để giảm thiểu một cách hiệu quả thì chính sách về kinh tế rất quan trọng.

“Chỉ khi nào bài toán về ÔNKK của Việt Nam tiệm cận đến mức độ chính xác thì đề xuất chính sách mới đạt hiệu quả”, GS. Trần Thọ Đạt kết luận.

“Chính sách phát triển kinh tế tổng thể cần xác định mục tiêu kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là những cách tiếp cận đột phá để giải quyết vấn đề môi trường. Việt Nam cần phải đổi mới tư duy, cách tiếp cận trong kiểm soát vấn đề không khí dựa trên quan điểm của kinh tế”.

PGS TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường.