TIN LIÊN QUAN | |
Lê Duẩn: Nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng | |
Lê Duẩn: Một nhân cách văn hóa lớn, thấm đẫm hồn Việt |
Công chúng thường đánh giá, bình luận về một con người khi có đủ độ lùi thời gian cần thiết; vì thời gian chính là yếu tố góp phần làm cho sự nhìn nhận công bằng, sáng suốt, thấu tình đạt lý. Và đối với những con người kiệt xuất thì khi họ không còn trên cõi đời nữa, hậu thế sẽ dùng thời gian và các điều kiện cần thiết khác để thấu hiểu, thu nhận nhiều điều đa diện nhất về họ.
Tháng 4/1974, tôi được đến số 6 Hoàng Diệu thăm ông Ba Duẩn, khi ông đang giữ cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (CHTW) Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh với các cháu nhi đồng. (Ảnh tư liệu) |
Vốn tình cảm quý lúc sinh thời
Tôi đi qua cổng số 4 Hoàng Diệu, qua khu tập thể cơ quan chứ không vào cổng số 6, đến trước nhà riêng của vị lãnh tụ thì thấy chú Tám cận vệ của ông Ba đứng ở đó, cạnh vọng gác có cảnh vệ bên trong. Chú Tám nói giọng Nghệ An, mặc áo sơ mi trắng ra dẫn tôi vào, tới gần nhà thì gặp bà Hồ (bà Lê Thị Cháu- em ruột ông Ba) và bà dẫn tôi lên tầng 2 còn chú Tám lại đi ra ngoài cổng. Bà Hồ dẫn tôi lại giới thiệu và được ông gật đầu cho phép ngồi. Tôi nhẹ nhàng ngồi xuống phía ngoài cùng. Ông Ba đang ngồi cùng chú Lê Bá Tôn, TSKH. Nguyễn Thúc Loan (ngành Điều khiển học), bà Bộ (bà Lê Thị Diễu-chị ông Ba); chú thư ký, sau một lát có thêm bác Lê Phiếm (là con trai bà Bộ từng bị địch bắt tù Côn Đảo) và vài người nữa… Những lần trước, tôi có gặp ông Ba tại nhà chú Lê Bá Tôn và bà Bộ ở 65B Trần Quốc Toản, Hà Nội, nhưng lần này không khí khác hẳn vì là ngày sinh nhật của ông. Trên tường cạnh bức tranh con công là những giá sách rất lớn, có những cuốn dày cộp, gáy mạ vàng, không hiểu sao tôi bỗng thấy hồi hộp. Ông Ba lúc đó đang nói chuyện về mô hình phát triển Thụy Điển và các vấn đề quốc tế khác mà bấy giờ tôi không hiểu hết, chỉ duy nhất đoạn ông kết luận về mô hình Thụy Điển mà Việt Nam có thể tham chiếu, học hỏi là tôi nhớ được vì tối hôm đó tôi ghi lại. Đó là tóm tắt ngắn gọn về xã hội nước Bắc Âu gồm tám chữ “trật tự, hài hòa, nhân văn, hiện đại”. Ngồi một lát, tôi có việc phải về trường, tôi rụt rè xin phép. Cũng vừa lúc ông kết thúc nói chuyện, ông ân cần hỏi tôi về chuyện học hành. Tôi thưa là đang học Đại học và có ý định xung phong đi bộ đội rồi hết chiến tranh sẽ về học tiếp. Ông im lặng chút rồi nói: chiến tranh sẽ sớm kết thúc, lúc đó cháu phải tiếp tục học tốt và tìm được niềm say mê về một lĩnh vực nghề nghiệp. Sau này tôi mới hiểu rằng đó là niềm tin mãnh liệt, dự cảm nhạy bén, tài nắm bắt thời cơ của ông Ba, và nhờ nó, chính ông đã trực tiếp giao Bộ Tổng Tham mưu vạch kế hoạch giải phóng miền Nam trong vòng hai năm 1975-1976. Còn ba tôi nhận xét rằng: ông Ba Duẩn nếu gặp thanh niên là hay hỏi han chuyện nghề nghiệp, ước mơ; gặp những người lớn tuổi thì quan tâm đến vấn đề nhà cửa, việc học tập của con cháu.
Góc nhìn khác về một lãnh tụ
Nhiều năm sau, với những lần gặp gỡ nguyên Tổng Bí thư (TBT) Đỗ Mười, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phu nhân của ông Ba - bà Bảy Vân, TS. Lê Kiên Thành con trai ông Ba…, tôi càng hiểu thêm con người ông, cả khi không nhìn từ góc độ là lãnh tụ, nhà lãnh đạo, TBT Đảng mà ở góc độ khác. Đó là khi tôi nghe nhận xét của nguyên TBT Đỗ Mười về những hấp lực từ tài năng, trí tuệ, lòng nhân ái của ông Ba đối với người xung quanh; hoặc có dịp, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cho rằng nên luyện võ vì người tập võ thường dũng cảm, hào sảng, thủy chung, kiên định. Khi bác Sáu kể rằng ông Ba khiêm tốn, nhường nhịn, trọng đãi các nhân sĩ trí thức Nam Bộ hồi hoạt động ở miền Nam, tự nhiên tôi trộm nghĩ ông có phẩm chất của tráng sĩ (tráng sĩ theo đúng nghĩa đẹp nhất), dù là “tráng sĩ của cách mạng”. Do vậy, ông có thể cố kết được nhân tâm, sử dụng được người tài phục vụ mục đích to lớn của dân tộc.
Bà Bảy Vân có dạo ra Hà Nội thường lưu lại ở nhà khách 8 Chu Văn An. Có mấy lần cha con tôi đến thăm, gặp khi bà có vài chuyện phải suy tư. Bà kể chuyện ông Ba lần nào tạm biệt cũng khóc và hồi cưới bà đã tặng một bài thơ tình rất lãng mạn do chính ông viết. Sau này, tôi nhiều lần đến thăm bà ở TP. Hồ Chí Minh và qua những trao đổi tôi thấy thêm phẩm chất trọng tình cảm, nhân ái, thích đọc sách sử, yêu văn hóa, văn nghệ của ông Ba.
Qua Pháp gặp họa sĩ Lê Bá Đảng (bà con chi dưới họ tôi) được nghe kể rằng: trước năm 1975, ông đã từng vẽ các bức tranh về đường mòn Hồ Chí Minh qua hình dung, tưởng tượng của mình, qua truyền thông, sách báo và các nguồn khác và ông đặt tên là “Phong cảnh bất khuất”. Ông đã tổ chức mang “Phong cảnh bất khuất” và các tác phẩm khác đi triển lãm nhằm mục tiêu truyền thông đối ngoại, vận động cảm tình công chúng ở Âu Mỹ ủng hộ Việt Nam. Năm 1976, họa sĩ về thăm quê hương đã được ông Ba Duẩn và các đồng chí lãnh đạo tạo thuận lợi, giao một đơn vị quân đội tổ chức cho tham quan con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Sự trân quý, tận tình, chu đáo của ông Ba đã góp phần tạo thêm động lực sáng tác cho nhiều văn nghệ sĩ từng gặp ông.
TBT Đảng CSVN Lê Duẩn trong lễ kỷ niệm 10 năm giải phóng Đà Nẵng.(Nguồn: Cobiss) |
Gìn giữ và phát huy kho tàng kinh nghiệm
Là nhà lãnh đạo chịu trách nhiệm chủ chốt về nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại quốc gia, TBT Lê Duẩn để lại cả một kho tàng kinh nghiệm lý luận, thực tiễn. Do khuôn khổ bài viết, không thể phân tích chi tiết các vấn đề, mà chỉ xin điểm xuyết đôi nét. Đối với Thụy Điển là nước TBT Lê Duẩn chỉ gián tiếp tiếp cận nhưng khi có vấn đề cần luận giải, so sánh, đối chiếu, ông đã đưa ra nhận xét rất chuẩn xác, điển hình như đã kể trên. Đối với những nước ông đã đến như Liên Xô, Trung Quốc, Ấn Độ, Hungary, Tiệp Khắc, Lào…ông để lại nhiều ấn tượng đặc biệt. Không chỉ ứng xử tinh tế, đúng mực, nhân văn đối với nguyên thủ các nước, đoàn ngoại giao, nhân dân sở tại mà ông còn quan tâm sâu sắc, thân tình đến cán bộ cơ quan đại diện nước ta, lưu học sinh, người lao động Việt Nam tại đó. Còn trong nước, bước chân ông đặt lên khắp mọi vùng, khắp các cơ quan, nhà máy, công trường, đồng ruộng… chia sẻ niềm vui nỗi buồn lo và cùng vạch những ý tưởng tốt đẹp về tương lai với đồng bào đồng chí của mình. Nhà thơ Tố Hữu từng viết về ông: “Chân tình, bình dị/Vượt khuôn sáo ngôn từ/Vắt óc trầm tư/Xóa lối mòn, đào sâu chân lý” (Trích bài thơ “Nhớ về Anh”). Nhà thơ Lưu Trọng Lư viết: “Một nhà tư tưởng/Một người tình của cuộc sống/Luôn luôn anh có những câu hỏi với đời…/Ở đâu anh cũng nói chuyện con người…”. Còn tôi, cũng có viết đôi dòng về ông Ba với sự trân trọng đặc biệt, xin được chép ra đây: “Từ Quảng Trị quê hương tôi/ Sản sinh ra một Người vĩ đại/Giàu thương yêu nhưng cương quyết, quật cường/Yêu nước, vì dân, cháy lòng suy nghĩ/Đó là ông Ba Duẩn nặng nghĩa tình” (Bài thơ Khởi nguồn từ Quảng Trị).
Trở lại chuyện Thụy Điển, Tiệp Khắc (nay là CH Czech), Hungary… những nước mà TBT Lê Duẩn đã từng thăm chính thức hay quan tâm đến, có thể thấy rằng đến nay họ vẫn là những đối tác truyền thống, hữu nghị, bạn bè. Những trăn trở, mong muốn của TBT Lê Duẩn khi xưa đã và đang được nước ta và nhiều quốc gia đối tác đưa quan hệ hợp tác lên tầm cao mới. Mới đây, Thụy Điển đã đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo và khoa học-công nghệ (công nghệ sinh học). Tại Czech, hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc. Đây được coi là cộng đồng người Việt Nam lớn thứ ba tại châu Âu (sau Pháp và Đức). Quan hệ giữa nhà nước và nhân dân Việt Nam với các quốc gia Czech, Hungary đều tốt đẹp, phát triển. Từ đó tới nay, Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với 175 nước, vùng lãnh thổ trên thế giới (một số nước là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược…). Chắc rằng, thế hệ chúng ta và các lớp kế tiếp mai sau cần phải nỗ lực nhiều nữa để xứng đáng với sự tin yêu, trao truyền của những lớp người mở đường, khai phá, giành độc lập, bảo vệ non sông; có phong cách, bản lĩnh làm việc ngang tầm với nguyên thủ các quốc gia đối tác như cố TBT Lê Duẩn cùng những nhà lãnh đạo lớp tiền bối khi xưa.
Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời của nguyên Tổng Thư ký Liên hợp quốc Javier Pérez de Cuéllar (nhiệm kỳ 1982-1991) nói về ông Ba Duẩn như sau: "... Ngài Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đã giữ một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử của Việt Nam...".
Ra mắt cuốn sách tập hợp các bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh Cuốn sách xuất bản nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Trường Chinh Sáng 9/2, tại Trung tâm Văn hóa 3-2, thành phố Nam Định, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt ... |
Tổng Bí thư chúc thọ nhân dịp đồng chí Đỗ Mười tròn 100 tuổi Chiều 25/1 (tức ngày 28 Tết), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tới thắp hương tưởng niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn; chúc ... |