Nhỏ Bình thường Lớn

Ông Phùng Xuân Nhạ rời 'ghế nóng' Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Chiều 7/4, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Phùng Xuân Nhạ.
Miễn nhiệm Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.

Chiều 7/4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Nghị quyết phê chuẩn đề nghị về việc miễn nhiệm một số Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Theo đó, Quốc hội đã miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Phùng Xuân Nhạ.

Sau khi các Nghị quyết được thông qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình danh sách để phê chuẩn việc bổ nhiệm một số thành viên Chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trong thời gian công tác, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, Danh hiệu Nhà giáo ưu tú; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; được một số trường đại học danh tiếng thế giới trao tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự (Trường ĐH Năng lượng Mátxcơva - Liên bang Nga, Trường ĐH Kinki - Nhật Bản).

Tuy nhiên, nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo của ông Nhạ được đánh giá là có nhiều sóng gió. Trong đó, nổi bật là vụ gian lận thi tốt nghiệp THPT năm 2018, sự cố sai sót sách giáo khoa cuối năm 2020.

Trong một cuộc nói chuyện với giáo viên cuối năm ngoái, ông Phùng Xuân Nhạ cũng chia sẻ những áp lực của ngành giáo dục. “Bất kỳ một sự tác động nào, nhất là đổi mới, cũng đặt ra những quan điểm trái chiều”, ông Nhạ nói.

Theo ông Nhạ, "lĩnh vực nào cũng có những khó khăn, nhưng riêng giáo dục, kỳ vọng của người dân là rất cao."

“Tôi trước hết cũng là một người thầy. Nhưng tôi là đại diện của các thầy cô, được Đảng và Nhà nước giao phụ trách lĩnh vực này. Áp lực vô cùng! Nhưng nếu chúng ta cứ bị cuốn vào những điều chưa làm được hoặc những vấn đề mà dư luận chưa hài lòng thì chúng ta sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ lớn của sự nghiệp đổi mới”.

Ông Nhạ cho rằng, nếu kiên định, kiên nhẫn để thực hiện từng bước thì sự nghiệp đổi mới giáo dục chắc chắn thành công.

Tóm tắt quá trình công tác của ông Phùng Xuân Nhạ:

4/1986 – 8/1993: Cán bộ giảng dạy, Trung tâm Bồi dưỡng lý luận Mác Lênin, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

9/1993 – 7/1994: Học sau đại học tại Trường Đại học tổng hợp Manchester, Vương quốc Anh.

8/1994 – 8/2002: Giảng viên; Phó Trưởng phòng Hành chính – Tuyên huấn – Đối ngoại (đến tháng 1/1997); Phó Giám đốc Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương (từ tháng 2/1997), Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội.

9/2002 – 7/2003: Nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Georgetown, Hoa Kỳ.

8/2003 – 4/2007: Giảng viên; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển; Phó Chủ nhiệm khoa Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (từ tháng 1/2005), kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển.

5/2007 – 8/2010: Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, kiêm Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế phát triển (đến tháng 12/2007).

9/2010 – 2/2013: Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội; Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội (từ tháng 10/2010). Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 1/2011).

2/2013 – 1/2016: Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Thành ủy viên Thành ủy Hà Nội (đến tháng 11/2015); Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào ban Chấp hành Trung ương Đảng.

1/2016 – 4/2016: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

4/2016: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

7/4/2021: Quốc hội miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ông Phùng Xuân Nhạ.

TIN LIÊN QUAN
Thêm một chữ K trong nguyên tắc phòng dịch Covid-19
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia: Không thể vì tiêu cực mà... bỏ
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương: 'Cứu' con bằng giáo dục gia đình
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia: ‘Cần minh bạch hóa quy trình xét giải’

Phi Khanh (tổng hợp)