Ông Kudlow, Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng nói Mỹ hy vọng đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc đúng thời hạn nhưng hai bên còn đang rất cách xa nhau về quan điểm. Phát biểu của Kudlow dội gáo nước lạnh vào ông Steven Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính trước đó nói rằng đàm phán với Trung Quốc “rất hiệu quả”. Tuy nhiên, ông Mnuchin cũng nói còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Phát biểu của ông Kudlow đã kéo chỉ số Dow Jones xuống 200 điểm.
Các chỉ số chứng khoán chủ chốt của Mỹ đều tụt điểm khi Tổng thống Trump nói ông sẽ không gặp Chủ tịch Tập Cận Bình trước ngày 2/3, thời hạn cho một Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, một quan chức dấu tên của Nhà Trắng tiết lộ Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gặp nhau sau ngày 2/3.
Hai bên nhiều khả năng không đạt được thỏa thuận khi thời hạn ngày 1/3 đang đến gần. (Nguồn: AP) |
Thị trường phản ứng nhanh chóng trước các diễn biến trên với chứng khoán và giá dầu thô giảm mạnh, nợ Chính phủ Mỹ và giá vàng tăng. Đồng USD tiếp tục mạnh. Việc Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có gặp nhau hay không và có đạt thỏa thuận kịp thời hay không rất quan trọng bởi những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến tăng trưởng toàn cầu. Cuộc chiến thương mại càng kéo dài, kinh tế thế giới sẽ càng trở nên suy yếu. Nhu cầu về dầu thô sẽ bị tác động mạnh.
Trung - Mỹ đang bước vào vòng đàm phán thương mại cấp cao tiếp theo tại Bắc Kinh. Đoàn đàm phán chính của Mỹ do Đại diện Thương Mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu sẽ bắt đầu cuộc đàm phán chính thức từ ngày 14/2. Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc vẫn do Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Quốc Vụ viện Lưu Hạc dẫn đầu. Như vậy, khi Trung Quốc vừa bắt đầu ngày làm việc của năm 2019 thì đoàn đàm phán Mỹ đã tới, điều này cho thấy phía Mỹ có nhu cầu và coi trọng đàm phán.
Tiếp sau cuộc đàm phán diễn ra gần đây tại Mỹ, hai bên Trung - Mỹ tiếp tục bước vào vòng đàm phán thương mại mới từ ngày 14/2, điều này thể hiện rằng: đàm phán thương mại Trung - Mỹ giữ được hướng phát triển tích cực; dù phía Mỹ đưa ra giới hạn thời gian cho đàm phán (1/3/2019) nhưng mục tiêu thực sự của Mỹ là chấm dứt chiến tranh thương mại, đạt được thỏa thuận hai bên cùng có thể chấp nhận hoặc có thể giải thích; và hiện nay vấn đề khó nhất trong cuộc chiến thương mại với Mỹ không phải việc Trung Quốc đối phó với người Mỹ thế nào, mà là việc Trung Quốc tự đối diện với chính mình như thế nào.
Trong lần đàm phán trước đó, phía Trung Quốc đưa ra những hứa hẹn thấp hơn nhiều so với yêu cầu rất cao của Mỹ và hai bên đã không đạt được thỏa thuận về văn bản khung nêu những điểm đạt được và chưa đạt được để đàm phán tiếp. Phía Trung Quốc đã không đồng ý liệt kê tất cả các trợ cấp của Chính quyền trung ương và địa phương Trung Quốc dành cho các công ty. Trung Quốc cũng không hứa hẹn cụ thể về những quan ngại hiện nay của phía Mỹ về việc Trung Quốc ép buộc chuyển giao công nghệ. Phòng Thương mại Mỹ cùng các nhóm doanh nghiệp Mỹ thúc ép Nhà Trắng không được giải quyết quá dễ dãi với Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải có những thay đổi quan trọng trong chính sách công nghiệp và công nghệ của họ.
Bằng việc đồng ý tiếp ông Lưu Hạc, ông Trump đã đặt mình vào thế bị sức ép lớn không leo thang áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc bởi vì việc bố trí cuộc tiếp, nêu trên, và những kỳ vọng về một thỏa thuận, với kết quả tiêu cực sẽ tác động thị trường toàn cầu và nền kinh tế của hai nước.