OPEC+ chỉ quyết định tăng sản lượng khai thác thêm 648 nghìn thùng/ngày trong tháng Bảy và tháng Tám tới (Nguồn: Shutterstock) |
Dù mức tăng này đã cao gấp rưỡi so với 432 nghìn thùng/ngày mà OPEC+ đang áp dụng nhưng vẫn bị chỉ trích vì còn thấp hơn cả con số một triệu thùng mà Mỹ đang xả kho hằng ngày.
Đúng là giá dầu đang lên cơn sốt. Mới từ đầu năm tới nay, mức giá này đã tăng gần 40%, riêng ở Mỹ là 54%. Hôm 2/6, giá xăng ở Mỹ đã vọt lên tới 4,76 USD/gallon (3,785 lít), mức cao nhất mọi thời đại.
Giải cứu giá dầu đã trở thành vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, OPEC+ với thành viên chủ chốt là Saudi Arabia lại không mấy vội vàng. Bài học quá khứ khiến tổ chức chiếm tới 40% sản lượng dầu của thế giới phải thận trọng.
Trước đại dịch Covid-19, thỏa hiệp với sức ép hạ giá dầu, OPEC+ liên tục tăng sản lượng. Đến khi dịch bùng phát, kinh tế thế giới đảo chiều đi xuống, giá dầu tụt dốc không phanh, OPEC+ đã phải thông qua quyết định đau đớn: cắt giảm 10 triệu thùng dầu/ngày.
Nay dù Covid-19 đã được kiểm soát nhưng kinh tế thế giới lại khá mong manh. Các dự báo mới nhất đều hạ tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2022 xuống thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó.
Không những thế, theo Saudi Arabia, giá dầu tăng đâu phải do thiếu nguồn cung mà do nhiều yếu tố khác như địa chính trị hay việc áp thuế cao ở các nước phương Tây.
Đơn cử như Liên minh châu Âu, vốn đang mua 2,5 triệu thùng dầu của Nga mỗi ngày, nay quyết định áp lệnh trừng phạt khiến chuỗi cung ứng hỗn loạn. Đây là vấn đề chính trị chứ đâu phải quan hệ cung - cầu.
Tất nhiên, Mỹ và châu Âu đều là những bạn hàng lớn, có ảnh hưởng, chẳng nên để phật lòng. Trong bối cảnh đó, chiến thuật nhỏ giọt xem ra là giải pháp khôn ngoan mà OPEC+ áp dụng.