Buổi trình diễn Pansori ở Trung tâm Văn hóa Busan, Hàn Quốc. |
Nhận xét trên của ông Park Nark Jong, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam cho thấy Pansori là nghệ thuật dân gian độc đáo, hấp dẫn và có những điểm gần gũi với nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam.
Một diễn viên nhiều vai
Pansori là một loại nghệ thuật âm nhạc dân gian của Hàn Quốc, có dạng hình thức như ca kịch do một ca sĩ (gọi là So-rigun) và một nghệ sĩ đánh trống (Go-su) phối hợp biểu diễn, kể những câu chuyện dài qua lời ca (so-ri), lời (a-ni ri) và động tác (no-reum sae).
Nội dung của Pansori là những câu chuyện nói lên nỗi thống khổ của người dân Hàn Quốc, bằng cách cất lên lời ca, kể những câu chuyện đời hỷ, nộ, ái, ố được nhìn nhận theo con mắt hài hước của nghệ sĩ.
Trong buổi trình diễn Pansori tại Trung tâm văn hóa Busan (Hàn Quốc), ca sỹ So-rigum đứng hát với cây quạt xếp trên tay. Chiếc quạt được múa theo cảm xúc của So-rigum và dấu hiệu gấp quạt lại là để báo đã đến màn chuyển cảnh. Nhạc công Go-su giữ nhịp trống không chỉ bằng tiếng trống mà còn bằng các thanh âm “Ôle” (hay quá!) khích lệ người hát.
Ca sỹ So-rigum vừa hát vừa kể. Họ thủ nhiều vai, lúc nam lúc nữ, lúc vào vai già, lúc lại vào vai trẻ theo nội dung chuyện. Ca sỹ So-rigum cất lời ca, lời kể, hài hòa động tác cùng nhịp trống lúc khoan, lúc nhặt, hết sức điêu luyện và tinh tế. Nhạc công Go-su giữ nhịp phách làm nền cho ca nương hát, kể và trống quyện với nhau. Khán giả cũng được khuyến khích hô “Ôle” trong suốt buổi biểu diễn.
Chính vì những nét độc đáo và công phu, mà nghệ thuật học phương Tây đã gọi Nghệ thuật Pansori là ca kịch chỉ một diễn viên (Opéra à un seul acteur). |
Pansori được phổ biến tại Hàn Quốc vào thế kỷ 19. Tuy nhiên, đến những năm 1960, Pansori bị mai một dần.
Đến nay, Pansori được xác định là một thể loại âm nhạc truyền thống độc đáo của Hàn Quốc và được Chính phủ nước này công nhận là tài sản văn hóa phi vật thể quốc gia với mục tiêu bảo tồn hình thức văn hóa này cho các thế hệ tương lai.
Ngày 7/11/2003, Pansori đã được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Các buổi trình diễn Pansori thường được ghi hình và ghi âm lại cẩn thận để phục vụ những người yêu mến Pansori và nghiên cứu loại hình âm nhạc độc đáo này.
Những nét tương đồng
Đặc trưng của nghệ thuật âm nhạc Pansori Hàn Quốc là mang đậm tính trào phúng và hài hước. Điều này xuất phát từ suy nghĩ của người dân, muốn tố cáo nỗi bất bình của mình với tầng lớp thống trị một cách hài hước, đồng thời cất lên tiếng hát để giải tỏa nỗi thống khổ trong cuộc sống.
Vì vậy, khi trao đổi về sự tương đồng giữa nghệ thuật Pansori của Hàn Quốc với các loại hình nghệ thuật âm nhạc dân gian Việt Nam, ông Park Nark Jong đã có những nhận xét tinh tế: Nghệ thuật truyền thống Việt Nam xuất phát từ những câu chuyện mang đậm bản sắc văn hóa nông nghiệp lúa nước và các câu chuyện hỷ nộ ái ố của người dân, đây có thể nói là một trong những điểm rất gần gũi với Pansori.
Ông cho biết thêm: Pansori của Hàn Quốc dù có ca từ buồn bã, than thân trách phận song vẫn xen lẫn những tiếng cười và sự hài hước. Người dân cất cao tiếng hát để tiếp thêm dũng khí cho bản thân, điều này khá giống với nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Còn với GS.TS. Trần Văn Khê đã từng hào hứng so sánh nghệ thuật Bài chòi Việt Nam với nghệ thuật Pansori Hàn Quốc rằng: Điểm độc đáo nhất của ca kịch Bài chòi là một diễn viên có thể thủ một lúc nhiều vai, cùng với vài nhạc cụ thô sơ phụ họa mà đủ sức lôi cuốn khán thính giả thích thú theo dõi. Cách biểu diễn này ở châu Á chỉ có thể loại Pansori của Hàn Quốc với một diễn viên thủ nhiều vai cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ, được sự phụ họa của một trống puk.
Sự phát triển nhanh chóng và tốt đẹp của mối quan hệ giữa Việt Nam và Hàn Quốc, phải chăng còn nhờ một lực đẩy vô cùng mạnh mẽ từ phía sau. Đó là sự tương đồng văn hóa: sâu xa và bền vững. Minh Hòa