2019 là một năm đặc biệt với Việt Nam và Thụy Điển khi hai quốc gia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Đại sứ có chia sẻ gì về mối quan hệ thân tình mật thiết suốt nửa thế kỷ qua?
Trải dài suốt 50 năm, Thụy Điển đã luôn là người bạn và đối tác thân thiết của Việt Nam, ngay cả ở những lúc khó khăn nhất. 50 năm trước, vào ngày 11/1/1969, ở đỉnh điểm của cuộc chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, Thụy Điển đã trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Thụy Điển – đứng đầu là cố Thủ tướng Olof Palme - đã bày tỏ sự ủng hộ và tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam.
Trong suốt những năm qua, Thụy Điển luôn sát cánh ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam về tài chính và kỹ thuật trong công cuộc cải cách kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi rất tự hào về điều này. Thụy Điển đã và đang là một đối tác tin cậy và sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam.
Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Pereric Hogberg. |
Hiện nay, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và công cuộc cải cách thành công, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình. Vì thế, hai nước chúng ta đã tiến tới mối quan hệ đối tác bình đẳng hơn. Quan hệ song phương đã chuyển dịch và tập trung ưu tiên vào kinh doanh - thương mại, các lĩnh vực ngày càng trở nên quan trọng đối với cả hai quốc gia trong một nền kinh tế toàn cầu hóa. Cũng giống như trong bất kỳ mối quan hệ bạn bè tốt đẹp nào, đôi khi chúng ta khác nhau về quan điểm nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta không còn là bạn bè với nhau. Đây chính là điểm mạnh của mối quan hệ Việt Nam - Thụy Điển. Bạn bè trong khó khăn mới là bạn bè thực sự.
Quan hệ Việt Nam - Thụy Điển đã có những thay đổi trong thời gian qua. Tuy vậy, Thụy Điển vẫn tiếp tục cam kết đồng hành trên con đường hướng tới tương lai của Việt Nam. Tình hữu nghị giữa hai nước sẽ lớn mạnh hơn và phát triển hơn. Mối quan hệ thương mại, khoa học, văn hóa và xã hội dân sự của chúng ta cũng sẽ tiếp tục nở rộ.
Trong các chương trình “Lễ hội ánh sáng – Lucia” gần đây, khán giả luôn thấy ông có mặt trong dàn đồng ca và biểu diễn rất tuyệt vời. Dường như Đại sứ là một người rất yêu thích và am hiểu âm nhạc?
Tôi không hiểu vì sao mình lại trở thành một nhà ngoại giao bởi đam mê lớn nhất của tôi là dành cho âm nhạc. Từ nhỏ đến tận bây giờ, tôi luôn tham gia vào các dàn đồng ca. Âm nhạc giúp tôi tìm được niềm vui trong cuộc sống. Khung cảnh trên sân khấu nhìn xuống cũng rất tuyệt vời. Tôi đứng ở đó vì muốn trở thành một phần của buổi biểu diễn, thay vì chỉ đứng ở dưới trong bộ vest đứng đắn và vỗ tay tán thưởng. Cảm giác tuyệt vời nhất khi đứng trên sân khấu biểu diễn là việc bạn được thể hiện bản thân mình. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mặc những bộ đồ biểu diễn, ra sân khấu, cất tiếng hát với tất cả đam mê của mình và được hoà mình vào trong những giai điệu du dương đó.
Trao đổi văn hoá cũng là hoạt động rất ý nghĩa để kết nối hai dân tộc. Hai nước cũng đã có nhiều hoạt động trao đổi âm nhạc, nhất là hợp tác giữa Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Học viện Âm nhạc Thụy Điển. Năm ngoái, một trong những ca sĩ Opera người Thụy Điển nổi tiếng nhất thế giới Anne Sofie von Otter đã đến Việt Nam biểu diễn và giảng dạy tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.
Tôi rất vui mừng khi ngày càng nhiều người biết đến âm nhạc của đất nước tôi. Ngoài ra, rất nhiều cuốn sách của Thụy Điển đã được dịch sang tiếng Việt và giới thiệu tới công chúng, từ những cuốn sách của các học giả được giải Nobel tới các sách về văn hoá Thụy Điển. Những bộ phim về quê hương, đất nước và con người Việt Nam cũng được trình chiếu tại Thụy Điển và ngược lại, các bộ phim của Thụy Điển, nhất là phim bom tấn đều được đón nhận rất rộng rãi tại Việt Nam. Tất cả điều này đều mang nhiều ý nghĩa cho chúng tôi.
Gần ba năm làm việc tại Việt Nam, chắc hẳn Đại sứ cũng có nhiều kỷ niệm với người dân và mảnh đất chữ S này?
Sau khi chuyển đến Hà Nội, tôi đã dành nhiều thời gian khám phá thành phố này cũng như đất nước các bạn và chứng kiến gia đình mình hoà nhập với cuộc sống tại đây. Tôi thấy Hà Nội là thành phố thân thiện và con người rất hiếu khách. Tôi có chút khó khăn trong việc học tiếng Việt, thế nhưng tôi lại nhận được rất nhiều giúp đỡ từ những người bạn Việt Nam. Bên cạnh đó, tôi rất thích ẩm thực Hà Nội cũng như ẩm thực Việt Nam.
Khác với những thành phố khác, Hà Nội đang thay đổi từng ngày nhưng không hề đánh mất những giá trị lịch sử văn hoá đầy thu hút của mình. Tôi hy vọng Hà Nội sẽ tiếp tục giữ được vẻ đẹp thanh bình của thành phố. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy buồn nhất chính là tình trạng ô nhiễm không khí. Tôi có thể cảm nhận điều này rất rõ trong ba năm vừa qua. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm và cần có những biện pháp giải quyết sớm. Ô nhiễm không khí luôn là một vấn đề lớn tại các đô thị trên thế giới, không riêng gì Hà Nội.
Tôi đã có nhiều trải nghiệm ở Việt Nam nhưng điều tuyệt vời nhất là tự lái xe đi du lịch xuyên Việt, từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh trong 16 ngày. Tôi đã dừng chân tại nhiều điểm đến khác nhau như Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết… và chứng kiến nhiều điều thú vị. Tôi đã gặp rất nhiều người dân, lãnh đạo địa phương, các nhà báo và các bạn sinh viên và có những phút giây chia sẻ rất thân tình với họ. Điều tuyệt vời nhất khi bạn lái xe rong ruổi trên đường phố đó là được ngắm nhìn và tận hưởng khung cảnh xung quanh, thay vì ngồi trên máy bay và không biết mình đang ở đâu. Tôi thực sự hy vọng mình có thể thực hiện được một chuyến đi như vậy trong năm nay, đi lên vùng núi phía Bắc giáp với biên giới Trung Quốc hoặc đến Tây Nguyên.
Xin cảm ơn Đại sứ!