Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đối thoại trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/11. (Nguồn: Reuters) |
Sau nhiều lần trì hoãn, cuộc họp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra vào sáng ngày 16/11.
Đây là cuộc tiếp xúc thứ ba giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đồng thời là cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên giữa Washington và Bắc Kinh từ khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ.
Đối thoại trong đối đầu
Ông Biden lên cầm quyền cách đây gần một năm trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung Quốc hết sức căng thẳng sau 4 năm nắm quyền của người tiền nhiệm Donald Trump.
Dưới thời chính quyền ông Trump, hai bên đối đầu nhau quyết liệt trên tất cả các khía cạnh, từ chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ, "ăn miếng trả miếng" trong việc hạn chế hoạt động của các cơ quan ngoại giao, hạn chế trao đổi học thuật, cấp thị thực cho sinh viên, đến cạnh tranh về mặt chiến lược, cạnh tranh ảnh hưởng ngoại giao ở bên ngoài, chạy đua trong lĩnh vực không gian...
Hơn 100 cơ chế đối thoại Mỹ-Trung ở các cấp khác nhau đã tỏ ra bất lực khi không thể giúp hai nước giảm căng thẳng, đối đầu.
Ngay khi mới đắc cử, Tổng thống Biden được trông chờ sẽ giúp cải thiện và đưa quan hệ hai nước Mỹ-Trung Quốc đi vào quỹ đạo phát triển ổn định.
Tuy nhiên, cũng như sự bế tắc của người tiền nhiệm Donald Trump trong việc đi tìm đột phá quan hệ Mỹ-Nga, giới quan sát nhận thấy, quan hệ Mỹ-Trung Quốc dưới thời ông Biden không những không được cải thiện, mà thậm chí còn xấu hơn trên nhiều khía cạnh.
Tin liên quan |
Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Khó nhượng bộ, khó đến đích |
Trong quan hệ thương mại, cuộc chiến do Mỹ phát động không giúp làm giảm, thậm chí còn mở rộng thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ trong tháng 9/2021 đạt con số kỷ lục là 42 tỷ USD.
Về cạnh tranh quân sự, sau khi Trung Quốc phóng thử thành công tên lửa siêu thanh bay vòng quanh Trái đất vào tháng 8/2021, Bộ Quốc phòng Mỹ liên tiếp ra các báo cáo, cảnh báo về sức mạnh quốc phòng vượt trội của Bắc Kinh so với Washington.
Chẳng hạn, Mỹ cho rằng, hải quân Trung Quốc hiện có 355 tàu chiến, vượt số lượng tàu chiến của Mỹ. Còn trong lĩnh vực tên lửa siêu thanh, Trung Quốc đã đi trước Mỹ trong nhiều năm.
Trong quan hệ ngoại giao, cả Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt cả trên phạm vi toàn cầu lẫn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính quyền của Tổng thống Biden đã triển khai nhiều bước đi quyết đoán, thể hiện rõ nhất là việc đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, thiết chế hóa hoạt động của Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia), thành lập Liên minh an ninh ba bên AUKUS (gồm Australia, Anh và Mỹ)...
Đây được cho là các bước đi mà Trung Quốc lo ngại là nhằm bao vây và kiềm chế nước này, tương tự như cách thức Mỹ và đồng minh triển khai chống Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Điểm dường như khác biệt duy nhất trong cách làm của chính quyền Tổng thống Biden so với chính quyền của người tiền nhiệm là ông chủ Nhà Trắng không sử dụng các ngôn từ đao to búa lớn, chỉ "lẳng lặng" triển khai chính sách đối đầu cứng rắn với Trung Quốc trên thực địa, trong khi vẫn duy trì đối thoại kiểu "lạt mềm buộc chặt".
Cạnh tranh nhưng không gây đổ vỡ quan hệ
Cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc theo kịch bản được dự báo trước, đó là ít có các yếu tố bất ngờ. Có ít nhất 3 điểm quan trọng rút ra từ sự kiện này.
Thứ nhất, quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung có tầm quan trọng đặc biệt.
Đây là điều mà các nhà lãnh đạo của hai cường quốc hàng đầu địa cầu hiểu rõ hơn ai hết kể từ chuyến thăm khai thông, mở đường cho việc thiết lập và hình thành mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, bắt đầu bằng chuyến thăm bí mật tới Trung Quốc của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger cách đây vừa đúng 50 năm.
Ngay khi bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh lần này, hai nhà lãnh đạo đã cố gắng tạo bầu không khí tin cậy và mang tính xây dựng nhất có thể.
Trong khi ông Biden "hy vọng sẽ gặp trực tiếp như những lần đến Trung Quốc trước đây", ông Tập lại chào ông Biden là "người bạn cũ".
Điều này cho thấy, việc tạo bầu không khí thân thiện không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với thành công của cuộc họp, mà còn giúp hóa giải căng thẳng trong quan hệ mà cả hai đều hiểu rằng sẽ khó tránh khỏi trong những năm tiếp theo.
Thứ hai, theo thông cáo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã không né tránh và trao đổi thẳng thắn hàng loạt vấn đề khác biệt, vốn được xem là nhạy cảm trong quan hệ song phương và rất ít khi được đề cập công khai ở các cuộc họp cấp cao Mỹ-Trung, như tình hình Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong cũng như vấn đề nhân quyền.
Thậm chí, Tổng thống Mỹ còn đề cập vấn đề Đài Loan, vốn được coi là "lằn ranh đỏ" trong quan hệ Washington-Bắc Kinh.
Các phát biểu của Tổng thống Biden cho thấy, Mỹ tiếp tục duy trì sự "mập mờ về chiến lược" trong quan hệ với Đài Loan, đó là: Mỹ vẫn tiếp tục cam kết chính sách "một Trung Quốc", được định hướng bởi Đạo luật quan hệ với Đài Loan, 3 thông cáo chung và "6 đảm bảo", trong khi mạnh mẽ phản đối việc đơn phương thay đổi tính nguyên trạng cũng như các hành động đe dọa đến hòa bình và ổn định ở Eo biển Đài Loan (Trung Quốc).
| Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung Quốc: Nỗ lực tránh vòng xoáy xung đột? |
Thứ ba, trong khi nêu rõ các khác biệt như tranh chấp thương mại, cạnh tranh chiến lược, hai nhà lãnh đạo cũng nhận thức được trách nhiệm nước lớn của mình trong việc duy trì quan hệ đối thoại, đảm bảo hòa bình và an ninh thế giới.
Họ đều nhấn mạnh việc hợp tác giải quyết các vấn đề toàn cầu như khủng hoảng biến đổi khí hậu, vấn đề cung cấp năng lượng, cũng như đề cập tình hình tại một loạt điểm nóng trên thế giới như Afghanistan, Iran và Bán đảo Triều Tiên.
Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình đều nhất trí rằng, điều quan trọng nhất đối với cả Mỹ và Trung Quốc lúc này là ngăn chặn xung đột có chủ ý hay không có chủ ý giữa hai nước bằng cách duy trì các kênh đối thoại thường xuyên ở cấp cao.
Với quá nhiều vấn đề đang tồn tại trong quan hệ hai bên hiện nay, rất khó để cho rằng, cuộc họp thượng đỉnh lần này sẽ giải quyết thấu đáo mọi câu chuyện.
Mấu chốt ở đây là câu chuyện cạnh tranh mang tính cơ cấu giữa cường quốc số 1 đã định hình và cường quốc số 2 trên thế giới đang trỗi dậy mạnh mẽ.
Trong quá khứ, Mỹ và Trung Quốc đã từng có một số cuộc gặp cấp cao tương tự và hình thành hàng trăm cơ chế đối thoại để xử lý các khác biệt.
Điều trớ trêu là, trái với mong đợi, mâu thuẫn và nghi kỵ Mỹ-Trung ngày một trở nên gay gắt hơn khi sức mạnh tổng thể hai bên ngày càng thu hẹp lại. Và rất có thể, cuộc gặp thượng đỉnh lần này chỉ giúp "trì hoãn", chứ khó có thể giải quyết các mâu thuẫn quá lớn đã được tích tụ từ lâu giữa hai cường quốc.
*TS. Hoàng Anh Tuấn* hiện là Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao. Ông từng là Đại sứ Việt Nam tại Indonesia nhiệm kỳ 2015-2018, Phó Tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị-an ninh nhiệm kỳ 2018-2021.
| thượng đỉnh Mỹ-Trung: Nhà Trắng ra thông cáo, khẳng định chắc nịch về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Ngày 16/11, Nhà Trắng ra thông cáo về cuộc họp thượng đỉnh diễn ra theo hình thức trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden ... |
| thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung: Đủ cơ hội cho 2 nước; ông Biden nhắc nhở, ông Tập không kém cạnh Cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào sáng 16/11 (giờ Việt ... |