TIN LIÊN QUAN | |
Na Uy đề xuất Anh gia nhập Khu vực Kinh tế châu Âu | |
Công dân toàn cầu phải biết yêu quê hương |
Nhân dịp Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (18/10), thầy giáo Lê Thanh Bình, vị Trưởng khoa đầu tiên đã chia sẻ những câu chuyện khó quên của mình trong thời gian công tác nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy cũng như về Khoa truyền thông và văn hóa đối ngoại của Học viện Ngoại giao.
Những câu chuyện ở Na Uy
Văn hóa dường như là một phần trong con người nhà ngoại giao Lê Thanh Bình bởi không chỉ nghiên cứu, viết sách, ông còn biết làm thơ, sáng tác nhạc, vẽ tranh, thổi sáo, am hiểu một số loại hình võ thuật dân tộc... Những “vốn liếng” này được ông vận dụng một cách khéo léo vào trong hoạt động đối ngoại khi làm Tham tán Công sứ tại Đại sứ quán Việt Nam ở Na Uy ( 2013 - 2016).
Ông Lê Thanh Bình (thứ 3 từ phải sang) tại Lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Năm 2014, ông Bình được mời thuyết trình tại một hội thảo khoa học quốc tế được tổ chức ở Đại học Stord-Haugegund. Sau lời tự giới thiệu ngắn gọn về bản thân, về truyền thống văn hóa Việt Nam, ông đã trình diễn ba bài hát đầy chất dân ca ba miền của Việt Nam: “Gặp lại người xưa” (do chính ông sáng tác), bài “Lý chiều chiều” (Dân ca Nam Bộ) và bài “Trống cơm” (Quan họ Bắc Ninh). Ông còn biểu diễn thổi sáo trúc hai nhạc phẩm “Trên đường chiến thắng” và “Lý hoài Nam”. Trong tiết mục cuối, nhà ngoại giao Việt Nam đã dùng sáo trúc "đi" một bài quyền với tên gọi “Sen nở lúc bình minh” thuộc hệ phái võ cổ truyền Việt Nam.
Với màn "thuyết trình" như một nghệ sĩ, ông đã gây ấn tượng mạnh cho toàn thể giảng viên và sinh viên có mặt trong buổi giao lưu. Ngay sau dịp đó, thay mặt nhà trường, PGS.TS. Oded Ben-Hori đã viết thư gửi đến Đại sứ quán Việt Nam tại Na Uy, cảm ơn sự nhiệt tình của Tham tán Công sứ Lê Thanh Bình. Ông viết: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với sự chia sẻ của Ngài bằng những ví dụ điển hình thông qua âm nhạc và hình ảnh văn hóa của Việt Nam với các sinh viên tại Đại học Stord- Haugegund… Sự tham dự của Ngài đã truyền cảm hứng mạnh cho sinh viên, các đồng nghiệp của tôi và cho bản thân tôi. Cách trình bày của Ngài và sự diễn giải tương ứng của Ngài về truyền thống của đất nước là ví dụ thú vị cho hoạt động ngoại giao văn hóa và nó có thể được thực hiện trong môi trường giáo dục”.
Cũng trong thời gian làm việc tại Na Uy, vào năm 2014, ông Lê Thanh Bình vinh dự được Ngoại trưởng Na Uy J.Brend gửi thư riêng, bày tỏ lòng cảm mến và xúc động trước bức vẽ chân dung Ngoại trưởng do ông tự tay thực hiện. Tham tán Công sứ Lê Thanh Bình cũng được Hoàng hậu Na Uy gửi lời cảm ơn vì thơ, tranh vẽ của ông tặng Hoàng hậu nhân dịp sinh nhật. Bức tranh ông vẽ tặng Tổng thống Ireland năm 2016 cũng được Tổng thống yêu thích và trân trọng. Qua những câu chuyện giản dị, gần gũi đời thường nhưng giàu chất văn hóa này, nhà ngoại giao Lê Thanh Bình đã góp phần quảng bá hình ảnh văn hóa Việt Nam bằng những hoạt động ý nghĩa và thân tình.
Một người thầy nhiệt huyết
Nhà ngoại giao - thầy giáo Lê Thanh Bình từng chia sẻ, ngoại giao văn hóa nếu dùng lời nói thì khó có thể diễn tả hết được, chính vì thế, việc trực tiếp giới thiệu đến công chúng nước ngoài bằng các màn biểu diễn, hình ảnh minh họa sống động sẽ là cách tốt nhất để họ cảm nhận vẻ đẹp và giá trị tinh thần đa dạng này. Theo ông, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” là cần thiết để vận dụng các yếu tố văn hóa một cách sáng tạo trong các hoạt động đối ngoại.
Với niềm đam mê và kinh nghiệm giảng dạy, hoạt động văn hóa đối ngoại thông qua những màn biểu diễn trực quan sinh động theo những cách rất riêng, rất độc đáo và đầy tính nghệ thuật của Gs. Lê Thanh Bình chắc hẳn sẽ dễ đến với bạn bè quốc tế hơn, từ đó giới thiệu hiệu quả hơn hình ảnh đất nước, văn hóa và con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Khoa Truyền thông và Văn hóa Đối ngoại, Học viện Ngoại giao do ông là Trưởng khoa đầu tiên đã đi qua một chặng đường 10 năm. Những lớp sinh viên, cộng sự đầu tiên của Khoa đã trưởng thành, sẽ là những cán bộ giỏi nghề, giàu kỹ năng để giới thiệu và triển khai hiệu quả công tác ngoại giao văn hóa, một công cụ quan trọng thể hiện sức mạnh mềm của mỗi quốc gia.
Trân quý những thành tựu trên, nhiều thế hệ sinh viên Khoa truyền thông và Văn hóa đối ngoại của Học viện Ngoại giao vẫn quý mến gọi PGS.TS Lê Thanh Bình là một trong những "Thầy giáo - Nghệ sĩ" trong ngành đối ngoại. Ông giống như một ngọn lửa nhiệt huyết, lan truyền cảm hứng, niềm tin cho nhiều thế hệ sinh viên tại Học viện Ngoại giao bằng những câu chuyện làm ngoại giao văn hóa thực tiễn và sinh động.
Nâng tầm ngoại giao văn hóa Hơn 10 năm gắn bó và tâm huyết với Ngoại giao Văn hóa, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Sanh Châu vẫn cho ... |
Tại sao Bali? Ngày Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi đến Việt Nam nhận nhiệm sở, nhóm các Đại sứ chúng tôi (gồm Việt Nam, Mỹ, Thụy Điển, Italy, ... |
Khi văn học “nhập cuộc” ngoại giao Những năm gần đây, văn học đã trở thành một phần quan trọng của ngoại giao văn hóa và được nhiều quốc gia tập trung ... |