📞

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: "Chưa đỗ ĐH, bạn vẫn có nhiều cơ hội khác"

20:01 | 22/09/2016
"Rất nhiều nghề không cần bạn phải 10 toán, 10 văn, rất nhiều sự nghiệp vẻ vang mà không phải là kỹ sư, bác sĩ mới làm được".

Sau những quan điểm thẳng thắn trong bài “Nếu chậm đổi mới, giáo dục của ta dễ thua ngay trên sân nhà”, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội tiếp tục chia sẻ với TG&VN về chuyện vào Đại học có phải là lựa chọn thông minh?

Phó Giáo sư,Tiến sĩ Nguyễn Văn Nhã. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ở nhiều quốc gia, tỉ lệ ghi danh học Đại học rất cao, nhưng không phải ai cũng học để lấy bằng, có nhiều người chỉ học một phần kiến thức phục vụ cho công việc. Còn ở nước ta, người người, nhà nhà ồ ạt vào Đại học, thậm chí không ít gia đình đầu tư cả trăm triệu đồng cho con đi học Đại học để rồi sau đó con phải đi làm công nhân. Vậy theo PGS thì vì sao lại có hệ lụy hàng trăm nghìn Cử nhân, Thạc sĩ nước ta thất nghiệp và con số vẫn không dừng lại theo từng năm?

Thì rõ ràng tôi thấy nhiều nơi, các đơn vị tuyển dụng của Việt Nam đều yêu cầu phải có bằng Đại học mới tuyển mà? Mấy đồng nghiệp người Mỹ có hỏi: người Việt Nam cho con sang Mỹ du học với học phí quá cao, họ có tính khi nào con sẽ trả nổi số tiền bố mẹ chi cho học hành tại Mỹ 4 năm trời không? Câu trả lời là: Bố mẹ không đòi tiền đầu tư cho con, đó là “hy sinh đời bố củng cố đời con” với hy vọng con sẽ nên người, thành tài ở xứ lạ, nơi bố mẹ không hình dung nó là gì. Có khá nhiều “cậu ấm, cô nương” được cha mẹ bao bọc nên vào đại học cũng là theo nguyện vọng của cha mẹ mà!

Cái tư duy lấy con đường thi cử để tiến thân, làm quan, vẻ vang dòng họ… vẫn ăn sâu, bám rễ trong nhiều bậc cha mẹ. Vậy cho nên dù nghèo đói họ vẫn đầu tư cho con học Đại học. Báo chí cũng không ít lần tung hô bác nhặt rác chui ống cống nuôi được tận 3 con vào đại học đó thôi!

Nhưng khi mà hy vọng nuôi con nên người, nay con thất nghiệp không đủ tiền xin được một chỗ làm, thì nỗi đau bị thất vọng quá lớn, không gì bù đắp nổi! Rất mong các bậc cha mẹ hãy để cho con em tự quyết định con đường tương lai của các cháu. Rất nhiều nghề không cần các cháu phải đạt điểm 10 toán, 10 văn, rất nhiều sự nghiệp vẻ vang mà không phải là kỹ sư, bác sĩ mới làm được. Đó là một trong nhiều nguyên nhân làm tăng tỉ lệ thất nghiệp của các Cử nhân, Thạc sĩ hiện nay.

Liệu học đại học tràn lan, đại trà như hiện nay có phải là con đường duy nhất để nâng cao dân trí? Các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn, làm sao để biết được đâu là lựa chọn đúng, thưa ông?

Tôi có nhiều dịp tư vấn tuyển sinh cho các em chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT. Đa số các thầy cô đều khuyên các em hãy lựa chọn ngành nghề theo đúng nguyện vọng, sở trường của mình; đừng a dua theo chúng bạn, đừng xem điểm trường nào, ngành nào thấp dễ đỗ và học phí không cao. Bởi lẽ, có thể các em đó sẽ vào được đại học nhưng dễ thất nghiệp sau này.

Tuy rằng lớp trẻ còn thiếu nhiều thứ (nhất là ngoại ngữ và kỹ năng) nhưng tôi tin rất nhiều các bạn trẻ hiện nay là thế hệ thông minh, chịu khó, chăm chỉ và có đủ sáng suốt để lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở trường của bản thân.

Năm 2016 có đến hơn 200.000 em không đăng ký học đại học mà chuyển ngay sang học nghề. Nhiều em có kết quả thi trên điểm sàn vẫn xin đi học nghề.

Theo tôi, với những em nào chưa tìm được việc làm cũng có thể do năng lực cá nhân em đó còn nhiều hạn chế so với chúng bạn. Bởi lẽ tuổi trẻ là năng động, là không cam chịu bó tay.

Để có lựa chọn đúng, mỗi bạn trẻ cần lắng nghe con tim mách bảo: Bạn yêu thích ngành nghề nào nhất và có phải sở trường của bạn chưa? Nếu bạn chưa đỗ vào đại học, nếu bạn chưa xin được việc làm thì các bạn vẫn có nhiều cơ hội khác. Chỉ vì các bạn đang sở hữu tuổi trẻ và sức mạnh của tuổi đôi mươi.

Nhiều người vẫn xem bằng đại học như “tấm giấy thông hành”, “tấm vé vào đời” để xin việc. Vậy nên đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, phụ huynh và thí sinh lại căng như dây đàn để chọn trường, chọn ngành. Thực tế, không ít bạn trẻ học đại học chỉ để giống như bao người khác chứ chưa rõ được mục đích. Thế nên, ngay khi chưa tốt nghiệp, nhiều em đã hoang mang, trăn trở và mất phương hướng. PGS có thể gợi ý giải pháp thay đổi tâm lý “sính bằng cấp” tại Việt Nam?

Tuy còn khá nhiều doanh nghiệp vẫn đặt tiêu chí tuyển dụng là phải có bằng đại học, nhưng thời kỳ học kiểu như sĩ tử thi khoa bảng xưa kia để được bổ làm quan, “vinh thân phì gia” đã qua rồi. Có rất nhiều con đường để tạo lập cuộc sống tương lai mà không đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học ngay.

Sẽ là coi thường thế hệ trẻ khi những người già đã mất đi “tài sản vô giá” đó là sức sống của tuổi trẻ, lại đi khuyên nhủ họ. Các bạn trẻ hãy tự hào là quỹ thời gian và năng lượng của các bạn còn khá đủ đầy, đừng chán nản, đừng hoang phí để kiên trì theo đuổi mục đích mà các bạn đã chọn lựa.

Để nhảy lên cao, các bạn phải nhún xuống; để nhảy qua rào cản, các bạn phải lùi để lấy đà. Lớp già không còn và không thể làm được như các bạn. Nên chúng tôi tin các bạn sẽ tự quyết định, chọn thời điểm để phá cách, đột phá không theo lối mòn cũ và chắc chắn các bạn sẽ thành công.

Các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn, làm sao để biết được đâu là lựa chọn đúng? (Nguồn: Tuổi trẻ)

Để hạn chế nguy cơ thất nghiệp tăng cao, giải pháp chính là gì và để thay đổi được thực trạng này thì cần thời gian bao lâu nữa, thưa ông?

Vì giáo dục là quốc sách hàng đầu, là trách nhiệm của toàn xã hội, cho nên để hạn chế nguy cơ thất nghiệp thì nhà nước và nhân dân cùng phải có trách nhiệm, chứ không phải chỉ có các cơ sở đào tạo.

Nhà nước thì ban hành cơ chế chính sách hài hòa để kết hợp đào tạo với các nhà tuyển dụng sản phẩm đào tạo. Các doanh nghiệp thì có trách nhiệm cùng tham gia với nhà trường để có được sản phẩm như mong muốn. Phụ huynh cần điều chỉnh việc chọn nghề, chọn ngành theo năng lực, sở trường của con em mình. Các sinh viên thì có trách nhiệm tự quyết định tương lai của chính mình và làm cho cha mẹ thật sự tự hào hãnh diện về mình chứ không còn là gánh nặng lo toan của cha mẹ khi các bạn đã qua tuổi trẻ con rồi. Việc này không thể thay đổi một sớm một chiều, nhanh hay chậm còn do các cấp lãnh đạo có thực sự quyết tâm đổi mới hay không.

Hơn 30 năm công tác trong ngành, theo PGS, điểm khác biệt giữa chương trình đào tạo Đại học ở Việt Nam với các nước tiên tiến trên thế giới nằm ở đâu?

Về nội dung, các chương trình đào tạo Đại học của Việt Nam không khác biệt nhiều so với các chương trình đào tạo của các đại học tiên tiến trên thế giới. Bởi vì Việt Nam đã là thành viên của AUN (Asian University Network - Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á). Các trường đại học đều có hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo với các nước, cùng cấp bằng, cùng công nhận bằng cấp của nhau trừ một số môn học có tính đặc thù VIệt Nam.

Tuy nhiên, điều khác biệt lại là các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Ta còn thiếu đội ngũ các giáo sư giỏi, thiếu vắng trang thiết bị thí nghiệm hiện đại, thư viện tân tiến, kinh phí đào tạo hạn hẹp, môi trường học tập nghèo nàn... Như GS. Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nói: "Học phí phải để cho trường có đủ chi phí, có cơ sở vật chất đầy đủ và quan trọng là đủ lương cho giáo viên. Còn với sinh viên, không có nước nào mà học bổng không đủ tiền để chi trả học phí như ở nước ta".

Trân trọng cảm ơn PGS.!

(thực hiện)