Nhỏ Bình thường Lớn

PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã: Không nên xem giáo dục như một thương vụ kiểu 'tiền nào của nấy'

TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã (nguyên Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, không nên và không được coi giáo dục là một thương vụ đơn thuần, lại càng không được quan niệm kiểu 'tiền nào của nấy'.
khong nen xem giao duc giong nhu thuong vu
PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã cho rằng, nhiều bạn trẻ vẫn được cha mẹ và gia đình 'bao cấp' nên chưa bị áp lực của việc phải 'tự đứng trên đôi chân của mình'. (Ảnh: NVCC)

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cuối năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động tốt nghiệp đại học cao gấp 3,2 - 3,9 lần cao đẳng và trung cấp. Đó là một thực tế đáng buồn và câu chuyện đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu thực hành vẫn tồn tại trong nhiều trường đại học. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Vài năm gần đây, số cử nhân, thạc sĩ đã tốt nghiệp không hoặc chưa tìm được việc làm ngày càng tăng cao, đặc biệt vào cuối 2019, đầu 2020. Nguyên nhân một phần do nền kinh tế bị ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19.

Mặt khác, còn khá nhiều bạn trẻ vẫn mơ hồ, có hoài bão lớn nhưng thiếu thực tế nên không muốn nhận những công việc mà xã hội cần, doanh nghiệp cần. Đó là chưa kể có nhiều bạn trẻ vẫn được cha mẹ và gia đình “bao cấp” nên chưa bị áp lực của việc phải “tự đứng trên đôi chân của mình”…

Về phía các cơ sở đào tạo, việc để các sản phẩm đào tạo của mình bị thất nghiệp nhiều, không có việc làm, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội là có tội với chính sinh viên và phụ huynh của họ, làm hao tổn tiền bạc và công sức của nhân dân.

Mặc dù đơn vị nào cũng tuyên bố “chuẩn đầu ra” rất sáng sủa, cam kết trên mạng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm rất cao. Trong khi đó, Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) không có cơ chế kiểm tra giám sát, lại đang tăng quyền tự chủ cao cho các trường kiểu “thả nổi”, dẫn đến không ít trường chưa trung thực trong báo cáo, chưa nghiêm túc trong đào tạo để sản phẩm có xu hướng ngày càng kém chất lượng.

Các nhà quản lý và giáo dục cần nhìn thấu điều này để thay đổi, tránh việc thất nghiệp và phí phạm chất xám ngày càng gia tăng theo cấp số nhân.

Thị trường giáo dục hiện thời đang mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức dành cho các bạn trẻ?

Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, có rất nhiều thay đổi (nhiều ngành đang biến mất, nhiều ngành mới đang hình thành và phát triển), ta vẫn gọi là thế giới VUCA. Vì vậy, mỗi người phải thay đổi để phù hợp và đáp ứng với biến động nhanh và khó lường đó, đặc biệt là giới trẻ.

Trong quá trình đó, cơ hội và thách thức luôn song hành. Các bạn trẻ phải chủ động, năng động để tìm kiếm cơ hội, đừng ngồi chờ đợi cơ hội đến. Họ phải rèn luyện bản lĩnh và tố chất để vượt lên các áp lực, khó khăn của cuộc sống chứ đừng viển vông hão huyền.

Tôi vẫn hay nói với các bạn trẻ, cuộc đời luôn có hai cái túi, một túi đựng tiền, quyền lực, còn một túi đựng áp lực, nhọc nhằn. Muốn thành công phải dám và đủ sức chịu hy sinh.

Các bạn trẻ nên cân nhắc và kiên định với mục tiêu chọn ngành nghề phù hợp với năng lực và sở trường của bản thân, đừng a dua tìm ngành hot, nghe lạ...

Việc lựa chọn này vô cùng quan trọng trong suốt cuộc đời học hành của mỗi người. Các bậc phụ huynh hãy mở lòng để con em mình được lựa chọn, đừng áp đặt và chỉ dẫn theo kinh nghiệm cảm tính của mình. Mỗi em chọn đúng ngành đúng nghề, cả xã hội sẽ không lo dư thừa sản phẩm đào tạo sau tốt nghiệp.

Vấn đề là nhiều bạn trẻ vào đại học mà không có bản kế hoạch nghề nghiệp nên họ không biết phải làm gì sau khi nhận bằng. Giáo dục đại học có thể được xem là một "thương vụ" hay không?

Đất nước đang chuyển mình từ cơ chế tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng XHCN, mọi ngành nghề đều chịu ảnh hưởng và tác động, không riêng gì ngành giáo dục. Tuy nhiên, sự nghiệp giáo dục lại không đơn thuần là tạo ra sản phẩm vô tri vô giác mà là ươm mầm tương lai cho mỗi con người, là những "cái máy" đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội.

Vì thế, không nên và không được coi giáo dục là một thương vụ đơn thuần, lại càng không được quan niệm kiểu “tiền nào của nấy” (kiểu như phải đóng học phí cao mới có dịch vụ đào tạo cao). Lịch sử cách mạng Việt Nam và nhiều bài học trên thế giới đã chứng tỏ trong gian khổ khó khăn vô cùng vẫn xuất hiện những con người tài năng; thậm chí, "Bần gia chi tử hiếu, quốc nạn xuất trung thần" (Nhà nghèo mới rõ là con có hiếu, đất nước lâm nguy sẽ sinh ra những anh hùng).

Hiện nay, ngày càng nhiều công ty đang tìm kiếm, thu hút nhân tài mà ít coi trọng việc có bằng đại học. Google, Ernst and Young, Apple và IBM nằm trong số những công ty không còn yêu cầu giáo dục đại học truyền thống cho những vị trí lương cao. Và cách nhìn bằng cấp càng cao càng tốt không phải bao giờ cũng đúng?

Ở nước ngoài, họ gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp rất hữu cơ, có các chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng cho từng doanh nghiệp. Đặc biệt, có sự liên kết gắn bó và đồng hành của doanh nghiệp với nhà trường trong việc đào tạo, do đó doanh nghiệp không phải tốn công đào tạo lại.

Ở nước ta, việc này chưa được quan tâm khuyến khích thỏa đáng. Dường như các doanh nghiệp đang đứng ngoài giáo dục, chỉ cần đưa ra mức thu nhập hấp dẫn để “hớt váng sữa” những sinh viên tốt nghiệp tài năng cho mình. Cho nên xét hồ sơ, xem học bạ, đếm chứng chỉ, đòi kinh nghiệm… vẫn là thói quen của các nhà tuyển dụng.

Bao giờ chúng ta làm thật, đánh giá thật, học thật, cống hiến thật sẽ mất bệnh thành tích, khi đó năng lực thật mới vượt lên các bằng cấp.

Vậy theo ông, tại sao nhiều người vẫn tập trung vào việc có bằng cấp thay vì thu nhận các kỹ năng mà thị trường việc làm đang cần?

Đơn giản là vì các cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp lấy bằng cấp ra “soi”. Bạn có giỏi đến mấy, tài như bác “Hai Lúa” mà thiếu chứng chỉ cũng bị đánh bật đấy thôi!

Nhân đây, tôi cũng muốn nói rằng: Sứ mệnh của đại học khác với các trường cao đẳng, các trường nghề. Vì vậy, vẫn cần trang bị cho sinh viên những kiến thức mới và cập nhật cho họ phương pháp học tập nghiên cứu trình độ cao, không nên cắt gọt chương trình, biến người học thành robot để dắt tay chỉ việc theo kiểu áp đặt.

Sinh viên sẽ mất cơ hội chủ động và sáng tạo, thậm chí sản phẩm tốt nghiệp sẽ “thầy chẳng ra thầy, mà thợ cũng không ra thợ”. Lỗi đó là của nhà trường, của sự nghiệp đào tạo, đừng đổ lên đầu sinh viên.

Vẫn có không ít người đặt câu hỏi: “Học đại học để làm gì?”...

Con người hơn các loài vật khác là biết tư suy sáng tạo chứ không phải tư duy bản năng, là quản trị được cảm xúc để có chỉ số EQ cao. Nói cụ thể hơn, con người cần khả năng làm chủ cuộc sống của mình, nên học bao nhiêu cũng không là đủ.

Nếu được 4-5 năm dành ưu tiên cho việc học hành ở đại học thì đó là cơ hội vàng, không phải ai cũng có đâu, muốn cũng không được. Nói đến đây tôi lại nhớ câu chuyện ngụ ngôn “Con cáo chùm nho” của La Phông-ten.

Xin trân trọng cảm ơn PGS. TS!

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần thử nghiệm sách giáo khoa theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu: Cần thử nghiệm sách giáo khoa theo nguyên tắc khoa học, đủ độ an toàn mới đưa ra đại trà

TGVN. Chia sẻ với báo TG&VN, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho rằng, chúng ta cần cẩn trọng khi đưa sách giáo khoa (SGK) vào sử ...

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh: Phụ huynh Việt mới là lực cản lớn nhất của giáo dục!

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh: Phụ huynh Việt mới là lực cản lớn nhất của giáo dục!

TGVN. Sau loạt bài với những ý kiến trái chiều về bộ sách giáo khoa mới lớp 1, Báo TG&VN tiếp tục trích đăng quan ...

GS. Nguyễn Minh Thuyết: ‘Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu?’

GS. Nguyễn Minh Thuyết: ‘Có bao giờ xã hội bằng lòng với ngành giáo dục đâu?’

TGVN. Chia sẻ với TG&VN, GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, tất cả những ngành phục vụ trực tiếp, trong đó có giáo dục đều ...

Nguyệt Anh (thực hiện)