PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung nêu quan điểm, dịch bùng phát, điều quan trọng là phải tích lũy kiến thức về Covid-19, về cách ly an toàn chứ không phải tích trữ máy thở, máy tạo oxy. |
Theo ông, Hà Nội nên triển khai cho F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà để tránh việc lây nhiễm chéo, lây lan rộng ra sao?
Dựa trên những số liệu về số ca nhiễm SARS-CoV-2, có đến 80% số ca từ khi nhiễm cho đến khi khỏi là triệu trứng nhẹ hoặc không có triệu trứng. Điều đó cho thấy số này có thể theo dõi ngoài bệnh viện, để dành giường bệnh chăm sóc cho 20% số người nhiễm bệnh trung bình, nặng, nguy kịch.
Đặc biệt, số lượng F0, F1 được cách ly tập trung sẽ gây ra sự quá tải, nếu không cẩn thận dễ lây nhiễm chéo từ người này sang người khác. Vì vậy, việc cách ly F1, F0 tại nhà giúp chúng ta sử dụng nguồn lực y tế một cách hợp lý nhất.
Ở Hà Nội, với số ca đa nguồn, đa ổ, số ca nhiễm ngày càng tăng lên, tính chất dịch tễ khá phức tạp nên thành phố đã thực hiện giãn cách. Tôi cho rằng Hà Nội nên thí điểm F1, F0 tại nhà.
Bộ Y tế đã đưa ra hướng dẫn 5599 cho phép thí điểm F1, F0 tại nhà và rút ngắn thời gian cách ly, nằm viện của những trường hợp F0. Điều này phù hợp để phân bổ nguồn lực tốt hơn.
Trên Fanpage của Bệnh viện Phổi Trung ương cũng có hướng dẫn quy trình tỉ mỉ các cách theo dõi sức khỏe, làm như thế nào, theo dõi ra sao, cần có những kiến thức gì… Từ đó để mỗi người có một thái độ đúng đắn về dịch bệnh và thực hành chuẩn.
Đồng thời, chủ động để đánh giá xem có thiếu sót nào không, có đảm bảo an toàn không, hiệu quả không, có nguy hiểm đến cộng đồng không, có nguy hiểm đến tính mạng người cách ly tại nhà không… Do vậy, tôi rất mong Hà Nội tính toán phương án thí điểm F1, F0 tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nghĩa là, việc áp dụng cách ly các trường hợp F1, F0 tại nhà là phù hợp và cần thiết với tình hình dịch bệnh tại nước ta hiện nay?
Đúng vậy, có thể nói cách ly F1, F0 tại nhà là hoàn toàn phù hợp với tình hình dịch tễ ở Việt Nam hiện nay. Trước đây, chúng ta cách ly tập trung và thực hiện thành công trong 3 vụ dịch. Nhưng đến lúc này, dịch lan rộng, hệ thống y tế cũng như người dân đã có hiểu biết về Covid-19…
Do vậy, cần thiết phải làm sao sử dụng nguồn lực một cách tối ưu trong cuộc chiến với dịch bệnh, trong đó có cả nguồn lực của cộng đồng, ngay chính nhà của người dân với cách ly F1, F0 tại nhà.
Có thể khẳng định, việc cách ly tại nhà mang lại nhiều lợi ích khác nhau, trong đó có cả lợi ích của cả người bệnh chứ không đơn thuần là của hệ thống y tế hay giảm ngân sách.
Cho nên thời kỳ này hoàn toàn phù hợp để chúng ta áp dụng bài học cách ly tại nhà. Tất nhiên phải đảm bảo hai yếu tố, đó là an toàn tính mạng cho người cách ly tại nhà, đồng thời cắt đứt được đường lây truyền ra cộng đồng cũng như cho người thân. Do vậy, người cách ly phải kết nối với bệnh viện, phải được hướng dẫn tỉ mỉ, thực hành chuẩn để tránh những sai sót đáng tiếc xảy ra.
Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn với câu hỏi “khi nào thì cần nhập viện? nên vào viện hay ở nhà nếu nhiễm virus?”
Tôi cho rằng, người cách ly phải có kỹ năng theo dõi như biết cặp nhiệt độ, đếm được nhịp thở... Đặc biệt, nên có máy đo bão hòa oxy, biết được triệu trứng nhiễm Covid-19 thế nào là thông thường, nhẹ hay nặng để có biện pháp ứng phó phù hợp.
Cùng với đó, người được cách ly phải đếm được nhịp thở, khi nào thấy khó thở, mệt, thay đổi ý thức, không ra khỏi giường được, với những biểu hiện nhịp thở trên 20 lần/phút, đo bão hòa oxy dưới 94% là dấu hiệu nguy hiểm bắt buộc phải đến bệnh viện. Tôi xin nhấn mạnh, với những bệnh nhân khó thở cần được xử lý nhanh, kịp thời.
Với những triệu chứng thông thường như sốt trên 38,5 độ có thể uống hạ sốt, đau đầu, mất khứu giác, vị giác… cứ tiếp tục theo dõi tại nhà và có kết nối với hệ thống y tế. Đã có những bài học thực tiễn nên chúng ta có thể yên tâm cách ly tại nhà nếu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí đưa ra.
Theo ông, điều gì quan trọng nhất để mọi người tự bảo vệ bản thân và cộng đồng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng như hiện nay??
Phải khẳng định, chỉ có 5K cùng với vaccine mới giúp chúng ta vượt qua được đại dịch. Mỗi người hãy tự bảo vệ bản thân mình cũng chính là góp phần bảo vệ cộng đồng để cùng nhau vượt qua Covid-19 trong khi chưa đủ vaccine.
Theo tôi, cách ly F1, F0 tại nhà rất quan trọng, giảm tải cho y tế, bệnh viện, có đủ số giường cho người thực sự cần thiết. Tại nhà chỉ là một phương thức để cách ly thôi. F1 cần 4 điều kiện và F0 cần 3 điều kiện để cách ly tại nhà, mục tiêu là có một cuộc sống vẫn ổn. Thứ hai là cắt đứt đường lây và không bị lây nhiễm.
Muốn đảm bảo tính mạng của mình khi cách ly tại nhà phải tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng chống dịch và theo dõi sức khỏe. Theo dõi, mối liên lạc giữa người cách ly tại nhà và người giám sát hỗ trợ rất quan trọng. Mục đích theo dõi để xác định thời điểm biến chứng, dù tỷ lệ rất ít, nhưng cần xác định biến chứng vào lúc nào, gây khó thở như thế nào, bởi khó thở do Covid-19 diễn biến rất nhanh.
Tôi muốn nhấn mạnh, mục đích cách ly tại nhà trước hết là an toàn cho chúng ta, tự theo dõi được sức khỏe, đồng thời cắt đứt đường lây với người khác. Khi đạt được 2 mục đích này thì cách ly tại nhà sẽ giúp giảm tải cho xã hội.
Việc tổ chức mạng lưới y tế online quan trọng ra sao để các ca F0, F1 có thể kết nối thông suốt, an tâm điều trị tại nhà?
Điều này vô cùng quan trọng nhưng tôi muốn nhấn mạnh, mạng lưới mang tính chất online là chưa đủ. Một trong 7 điều kiện tôi đề xuất để cách ly tại nhà chính là hệ thống giám sát y tế. Giám sát ở đây có 2 nhiệm vụ: người được cách ly tại nhà có đảm bảo đúng, thực hiện theo hướng dẫn hay không? Điểm thứ hai, việc theo dõi sức khỏe phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm.
Tôi đề nghị nên có một mạng lưới online (chẳng hạn zalo) để qua đó nhiều người được theo dõi y tế, được cách ly tại nhà có thể chia sẻ thông tin với nhau. Mọi người có thể trao đổi về những triệu chứng mình mắc phải để có nên tiếp tục ở nhà hay bắt buộc phải đến bệnh viện.
Như trên đã nói, nếu thấy khó thở, đo nhịp thở 20 lần/phút, hoặc đo bão hòa oxy dưới 94% bắt buộc phải vào viện. Ngoài ra, nếu bệnh nhân môi tím, nói không đủ câu cũng là biểu hiện của triệu chứng nặng. Như vậy, hệ thống online chỉ là hệ thống bổ sung để hỗ trợ cho những người cách ly tại nhà.
Và còn một thứ vaccine khác – đó là “vaccine niềm tin”. Ông đánh giá thế nào về loại “vaccine” này giữa lúc dịch bệnh đang leo thang?
Tôi không gọi là vaccine niềm tin, điều chúng ta cần là tích lũy kiến thức. Tôi thấy trong điều kiện hiện nay, nhiều người hoảng loạn đi mua máy tạo oxy, bình chai oxy dự trữ tại nhà, thậm chí mua máy thở… đều là những điều không cần thiết.
Covid-19 sẽ không thể chữa ở nhà khi có biến chứng. Khi có biến chứng mới cần dùng đến oxy, đến kháng sinh… Do đó, việc đi mua tích trữ, tích lũy đều vô ích.
Điều quan trọng là chúng ta phải tích lũy kiến thức về Covid-19, về cách ly an toàn để nếu người nhà hoặc bản thân bị nhiễm thì biết cách ứng phó. Đó là thực hiện tốt nguyên tắc 5K, có kiến thức về dịch bệnh cũng như cách phòng chống.
Dựa trên những nền tảng kiến thức như vậy, chúng ta sẽ củng cố được niềm tin, dự phòng sẽ không bị lây, không rơi vào những tình trạng nguy cơ, nguy hiểm có thể bị lây nhiễm.
Dù những việc nhỏ nhưng có tác động rất lớn như ra đường không bao giờ quên khẩu trang, nên giữ khoảng cách, cùng nêu cao trách nhiệm xã hội của mỗi công dân đối với cộng đồng, chung tay với Chính phủ, Bộ Y tế trong phòng chống dịch bệnh. Chúng ta có niềm tin sẽ bảo vệ được mình chính là bảo vệ cho cộng đồng chứ cá nhân tôi không gọi đó là vaccine niềm tin.
Xin cảm ơn ông!
*PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung là người Việt Nam đầu tiên được bầu vào vào Hội đồng tư vấn chiến lược và kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về phòng chống bệnh lao (STAG TB).