PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần phải thay đổi cách nhìn nhận về bằng cấp. (Ảnh: NVCC) |
Có một thực tế đáng buồn là hiện nay vẫn nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp, có người đặt câu hỏi “Học đại học để làm gì?”. Quan điểm của ông thế nào về câu chuyện này?
Nếu chúng ta vẫn xác định rằng học đại học là mục tiêu mình phải đạt được, học gì thì học, miễn là học đại học.
Đồng thời, không nhận ra rằng một ngôi trường đại học chỉ là một trong những phương tiện để giúp chúng ta đạt mục tiêu thành công và hạnh phúc trong cuộc đời thì vẫn sẽ có rất nhiều người tốt nghiệp đại học xong sẽ cảm thấy hoang mang không biết làm gì.
Khi cho rằng chỉ cần học những kiến thức cứng được chương trình đào tạo đại học cung cấp là đủ mà không quan tâm rèn luyện các kỹ năng mềm, kỹ năng hội nhập nghề nghiệp.
Thậm chí có tâm lý xả hơi, nghỉ ngơi khi đỗ vào đại học. Đại học là “học đại” thì vẫn nhiều cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp cũng không đáng ngạc nhiên.
Đặc biệt, nếu việc hướng nghiệp vẫn bị hiểu sai là một vấn đề đơn giản, chỉ là chọn một việc để làm mà kiếm sống, đến khi nào cần thì có thể ra quyết định được ngay. Việc hướng nghiệp không dựa trên số liệu phân tích nhu cầu nhân lực xã hội mà chỉ dựa trên cảm nhận của một vài cá nhân “nghĩ là” hoặc “cho là” thì sẽ dẫn đến thực trạng trên.
Thị trường giáo dục hiện thời đang mở ra cơ hội nhưng cũng là thách thức cho các bạn trẻ. So với các nước trên thế giới và khu vực ASEAN thì chất lượng nguồn nhân lực trẻ của nước ta thế nào?
Thị trường giáo dục hiện nay đang mở ra các cơ hội học tập lớn chưa từng có cho các bạn trẻ. Mạng lưới tri thức nhân loại được kết nối và chia sẻ không giới hạn trong không gian số. Do đó, khiến cho bất kỳ ai cũng có cơ hội học tập và thành tài với điều kiện chúng ta có được những kỹ năng như xác định mục tiêu, lập kế hoạch cuộc đời, kỹ năng tự học suốt đời và ý chí để duy trì động lực cho bản thân đạt những mục tiêu đề ra".
"So với nguồn nhân lực các nước trong khối ASEAN, có thể về tri thức hay khả năng thích ứng linh hoạt chúng ta không kém, nhưng các kỹ năng của công dân thế kỷ 21 như sử dụng ngôn ngữ làm việc (tiếng Anh) hiệu quả là kém hơn; sức bền về thể chất và sức khỏe tinh thần yếu hơn". |
Tuy nhiên, sự phát triển của công nghệ và công bằng về cơ hội giáo dục cũng mang đến nhiều thách thức. Công nghệ sẽ khiến cho nguồn nhân lực lao động phổ thông trở nên thừa thãi; nếu không có những kỹ năng bậc cao của công dân thế kỷ 21, cá nhân sẽ khó có thể được nhận vào một vị trí việc làm cụ thể.
Ngoài ra, cùng với sự phát triển của công nghệ, 80% thế hệ gen Z và thế hệ alpha mong muốn và tin rằng họ có thể làm việc từ xa, làm việc ở nhà hiệu quả. Điều này sẽ tạo nên sự cạnh tranh về công việc lớn chưa từng có. Những cử nhân tốt nghiệp đại học không chỉ phải cạnh tranh với những người bạn cùng trường, cùng quốc gia mà còn phải cạnh tranh với nguồn nhân lực chất lượng cao từ các nước khác trong khu vực.
Trong khi đó, so với nguồn nhân lực các nước trong khối ASEAN, có thể về tri thức hay khả năng thích ứng linh hoạt chúng ta không kém, nhưng các kỹ năng của công dân thế kỷ 21 như sử dụng ngôn ngữ làm việc (tiếng Anh) hiệu quả là kém hơn; sức bền về thể chất và sức khỏe tinh thần yếu hơn.
Một cách khái quát, nguồn nhân lực của chúng ta không thua kém về IQ (trí tuệ) so với các quốc gia khác nhưng lại có thể thua kém về EQ (trí thông minh cảm xúc); AQ (chỉ số vượt khó); PQ (chỉ số đam mê). Những điểm yếu này có thể làm các bạn mất cơ hội nhận được các vị trí công việc tốt.
Hiện nay, ngày càng nhiều công ty đang tìm kiếm, thu hút nhân tài mà ít coi trọng việc có bằng đại học. Google, Ernst and Young, Apple và IBM nằm trong số những công ty không còn yêu cầu giáo dục đại học truyền thống cho những vị trí lương cao. Và có lẽ chúng ta phải thay đổi cách nhìn bằng cấp?
Trong bối cảnh mà tri thức của nhân loại có thể được tiếp cận một cách công bằng cho tất cả mọi người, những yếu tố độc đáo, sáng tạo, lối tư duy phản biện, cách nhìn mới về một vấn đề mới là yếu tố quyết định gia tăng giá trị sản phẩm và gia tăng giá trị của tổ chức.
Tôi có nghe một cán bộ cấp cao của Google đã nói về chiến lược tuyển nhân sự của Google không còn quan tâm đến ứng viên tốt nghiệp tại trường đại học nào và có bằng cấp ra sao. Vì trong rất nhiều năm, những nhân viên tốt nhất của Google và thành tích học tập ở đại học hay tấm bằng danh giá của một trường nào đó rất hiếm có sự liên hệ với nhau.
Tất nhiên, một công ty như Google rất cần kiến thức chuyên môn, nhưng không phải là những “lý thuyết chuyên ngành sâu” mà là những kỹ năng thực chiến các bạn áp dụng vào giải quyết vấn đề thực tế. Vì vậy, họ chỉ cần bạn có những “micro – degree” tương đương với những chứng chỉ chuyên sâu thể hiện rằng bạn có năng lực giải quyết vấn đề họ cần, kèm vào đó là khả năng tự học hỏi và sự tò mò một cách thông minh của bạn mà thôi.
"Trong bối cảnh mà tri thức của nhân loại có thể được tiếp cận một cách công bằng cho tất cả mọi người, những yếu tố độc đáo, sáng tạo, lối tư duy phản biện, cách nhìn mới về một vấn đề mới là yếu tố quyết định gia tăng giá trị sản phẩm và gia tăng giá trị của tổ chức". |
Vì vậy, không chỉ thay đổi cách nhìn nhận về bằng cấp. Bản thân các trường đại học, các chương trình đào tạo cũng phải đổi mới để trang bị nhiều hơn cho người học những kỹ năng đổi mới sáng tạo, năng lực tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề linh hoạt cũng như năng lực công nghệ thông tin và truyền thông làm nền tảng cho cá nhân có thể học tập suốt đời.
Theo ông, tại sao nhiều người vẫn tập trung vào việc học cho ra bằng cấp thay vì thu nhận các kỹ năng mà thị trường việc làm đang cần?
Chúng ta đang sống trong một thế giới VUCA - đa cực, đặc trưng bởi tính biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity). Trong bối cảnh đó, sự lo lắng, hoang mang là điều khó tránh khỏi. Và khi hoang mang, chúng ta thường chọn một phương án an toàn tối thiểu. Một là đi theo số đông (thi và học đại học), hai là thứ hữu hình cụ thể để nắm chắc trong tay (đó là tấm bằng đại học).
Ở một khía cạnh nào đó bản thân tấm bằng đại học của các trường phải đóng vai trò như một biên bản xác nhận các năng lực, phẩm chất của người tốt nghiệp theo đúng tuyên bố của nhà trường khi quảng bá tuyển sinh. Nếu một chương trình tuyên bố rất hay, tuyển sinh rất tốt, nhưng cuối cùng đào tạo không ra những người có phẩm chất và năng lực xã hội cần thì phải có trách nhiệm giải trình trước cơ quan chức năng. Giải trình không xong thì phải giải tán, đóng cửa chương trình đào tạo.
Nhà nước hiện cũng đang có cơ chế kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo, các chương trình đào tạo để đảm bảo những tuyên bố của cơ sở đào tạo về chuẩn đầu ra năng lực, phẩm chất của người học phải được xác thực.
Bản thân mỗi nhà trường cần phải thay đổi phương thức đào tạo kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học để tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp, rèn nghề cho người học. Việc rèn những kỹ năng thực chiến phải bằng những lãnh đạo thực chiến chứ không phải những bách khoa thư lý luận.
Sự phát triển của công nghệ và công bằng về cơ hội giáo dục cũng mang đến nhiều thách thức cho các bạn trẻ. (Nguồn: Nhân đạo) |
Liệu học đại học tràn lan, đại trà như hiện nay có phải là con đường duy nhất để nâng cao dân trí? Các bạn trẻ có quá nhiều lựa chọn, làm sao để biết được đâu là lựa chọn đúng, thưa ông?
Khi nói về con đường để nâng cao dân trí thì không phải đặt ra chỉ tiêu phải đào tạo được bao nhiêu cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Cái chính để tạo động lực cho mỗi cá nhân cập nhật kiến thức và học tập suốt đời, là “sự tò mò một cách thông minh”, là sự “ham muốn tạo ra thay đổi”, là “không hài lòng với những cái cũ kỹ” .
Tôi cũng lấy từ thuật ngữ “googleyness”, một trong những phẩm chất mà Google đặt ra để tuyển những ứng viên tiềm năng.
"Bản thân mỗi nhà trường cần phải thay đổi phương thức đào tạo kết hợp giữa doanh nghiệp và trường đại học để tăng thời gian hội nhập nghề nghiệp, rèn nghề cho người học". |
Còn trong bối cảnh rất bất định, có quá nhiều lựa chọn thì việc ra quyết định hướng nghiệp càng cần thiết phải dựa trên cơ sở khoa học. Mỗi cá nhân phải tự khám phá được bản thân mình có những điểm mạnh gì, tố chất, năng khiếu, năng lực nổi trội nào; phải xác định được đam mê, sở thích, hứng thú của bản thân ra sao, các giá trị nào mang lại hạnh phúc cho bản thân. Phải hiểu được những ngành nghề xã hội không còn nhu cầu và xu thế ngành nghề mới trong tương lai.
Phải tranh thủ các cơ hội trải nghiệm nghề nghiệp, trao đổi với những người làm nghề từ sớm để biết được về điều kiện, môi trường, tính chất, thách thức, yêu cầu sức khỏe và kỹ năng đặc biệt của công việc chứ không chỉ nhìn thấy khía cạnh màu hồng. Sau đó, trên cơ sở bàn bạc với gia đình cần có sự thống nhất giữa yêu cầu và khả năng, giữa nguyện vọng gia đình và mong muốn cá nhân, giữa cơ hội phát triển và hoàn cảnh kinh tế gia đình.
Để đăng ký một chương trình đào tạo, dựa trên những định hướng nghề đã thống nhất hãy chọn một cơ sở đào tạo với bậc đào tạo phù hợp. Tìm hiểu các điều kiện vật chất của cơ sở đào tạo, so sánh lợi thế giữa các cơ sở đào tạo, cân nhắc về uy tín của cơ sở đào tạo để ra quyết định
Nhiều người vẫn xem bằng đại học như “tấm giấy thông hành”, “tấm vé vào đời” để xin việc. Vậy nên đến kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học, phụ huynh và thí sinh lại căng như dây đàn để chọn trường, chọn ngành. PGS có thể gợi ý giải pháp thay đổi tâm lý “sính bằng cấp” tại Việt Nam?
Con đường đến thành Rome không chỉ có một. Và việc chúng ta có thành công trong cuộc đời hay không lại không phụ thuộc vào việc chúng ta đi con đường nào mà phụ thuộc nhiều vào thái độ với con đường đã chọn. Đó là sự nỗ lực, ý chí phấn đấu hàng ngày và tâm thế coi những sai lầm, thất bại trên con đường đi của mình là tất yếu và là cơ hội để chúng ta học những bài học trưởng thành.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
| Điểm chuẩn ngành Kế toán những năm gần đây tăng mạnh Hàng năm, điểm trúng tuyển vào ngành Kế toán trong nhóm Kinh tế tại các trường đại học đều nằm ở mức khá cao và ... |
| Cập nhật thêm nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển đại học 2022 Đại học Xây dựng Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội và nhiều trường đại học tiếp tục công bố điểm sàn xét tuyển ... |