📞

Phải có ngoại ngữ để... ra thế giới!

08:08 | 12/08/2017
Đó là quan điểm của chị Phạm Thị Thanh, trưởng đoàn đại biểu Việt Nam tham gia Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á  2017 (YSEALI)...

Theo chị, khả năng hội nhập quốc tế của các đại biểu, thành viên trong đoàn Việt Nam được đánh giá như thế nào?

Tôi thấy được sức trẻ, nhiệt huyết, đam mê của các bạn trẻ. Họ luôn mong muốn được đóng góp sức mình, dẫn đầu trong sự đổi thay vươn lên tầm quốc tế của đất nước. Đoàn Việt Nam năm nay có những em mới chỉ học đại học năm thứ hai, có cả những người đã hoàn thành Thạc sĩ hoặc đi làm, độ tuổi, ngoại ngữ và nền tảng kiến thức rất đa dạng giúp cho các thành viên trong đoàn dễ dàng hỗ trợ lẫn nhau. Các thành viên luôn tạo được hình ảnh tốt đẹp trước bạn bè quốc tế khi giới thiệu về Việt Nam.

Chị Phạm Thị Thanh (thứ ba từ trái sang) và Trưởng đoàn các nước ASEAN chụp ảnh cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, tháng 8/2017. (Nguồn: NVCC)

Qua những ngày hoạt động cùng nhau, tôi đánh giá cao các thành viên bởi sự đoàn kết, cởi mở, nhiệt tình. Các bạn hoàn toàn xứng đáng là những đại biểu, những “công dân toàn cầu”.

Trong hành trang hội nhập quốc tế, ngoài ngoại ngữ ra, theo chị còn cần những yếu tố nào?

Giờ đây, tiếng Anh nên được coi là ngôn ngữ thứ hai và thiết yếu để có thể “ra thế giới”. Nếu bạn muốn làm việc với các vị khách quốc tế, hoặc học tập ở một đất nước khác (không nói tiếng Anh là ngôn ngữ chính), hãy học thêm những ngôn ngữ, văn hóa mới với một tư duy cởi mở.

Hơn nữa, kiến thức chung về văn hóa, xã hội, chính trị quốc tế và trong nước sẽ là hành trang để các bạn có thể hội nhập quốc tế nhanh hơn. Còn những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp là điều kiện để bạn có thể khẳng định mình trong môi trường lao động quốc tế.

Qua YSEALI, đoàn Việt Nam đã quảng bá hình ảnh và văn hóa đất nước thông qua những hoạt động gì?

Sáng kiến thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á có rất nhiều hoạt động hữu ích. Qua đó, các bạn trẻ Việt Nam đã quảng bá hình ảnh áo dài, đồ ăn, các địa điểm du lịch thông qua “Đêm hội đa văn hóa”.

Chương trình tham quan là cơ hội để các thành viên trong đoàn giới thiệu về con người, cảnh vật, văn hóa Việt Nam đến bạn bè ASEAN. Trên hết, các đại diện Việt Nam tham gia chương trình đều là những người trẻ tiêu biểu, mang đến hình ảnh của giới trẻ Việt Nam đầy nhiệt huyết và sẵn sàng hội nhập.

Nguyễn Thị Minh Huệ (25 tuổi), thành viên, trợ lý nghiên cứu tại Trung tâm Thương mại châu Á:

Tôi nghĩ, để phát triển bền vững, ASEAN cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước, với một nền tảng tốt hơn. Nền tảng đó được xây dựng từ những hiểu biết tốt hơn. Dưới góc độ của một người trẻ, tôi cho rằng Việt Nam là ngôi sao sáng trong ASEAN kể cả tiềm năng kinh tế và văn hóa với kiến thức, kỹ năng cứng rất tốt. Là một trong những đại diện của Việt Nam trong chương trình này, tôi muốn tạo sự kết nối chặt chẽ hơn giữa các bạn trẻ ASEAN, qua đó, mỗi người thể hiện được am hiểu về chính sách của họ và đóng góp cho tương lai. YSEALI là cơ hội tốt để những bạn trẻ được tiếp xúc, học hỏi các nền văn hóa khác nhau. Họ đến đây đều mang những câu chuyện đại diện cho nền văn hóa riêng. Thông qua đó, mỗi người sẽ hiểu hơn về văn hóa của từng nước, tạo nền tảng tốt cho sự phát triển và hợp tác sau này giữa các nước với nhau. Các bạn trẻ cần được giáo dục không chỉ về kiến thức mà còn cần được đào tạo về kỹ năng để phát triển toàn diện, nhằm kết nối với thế giới một cách tự tin hơn.

Chị mong muốn đóng góp gì cho Việt Nam và Cộng đồng ASEAN?

Tôi thực sự muốn làm rất nhiều điều cho Việt Nam khi về nước sau khoảng thời gian học tập ở châu Âu. Từ quan điểm cá nhân, tôi nghĩ ASEAN nói chung có đầy đủ điều kiện để phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh như Liên minh châu Âu. Nhưng chúng ta cần đi đúng và nhanh nhất với những điều kiện hiện có.

Với riêng tôi, nông nghiệp và giáo dục sẽ là hai mảng tôi muốn tập trung hơn. Bởi lẽ, nông nghiệp là lợi thế của Việt Nam và ASEAN. Còn giáo dục là điểm khởi đầu và tất yếu để giới trẻ có thể chuẩn bị sẵn sàng về kiến thức và kỹ năng cho một mục tiêu chung. Đó là sự phát triển bền vững của Việt Nam và của cả Cộng đồng ASEAN.

Chị đánh giá như thế nào về vai trò của giới trẻ trong việc kết nối Cộng đồng ASEAN và vai trò của Việt Nam trong Cộng đồng ấy?

Tôi rất thích khẩu hiệu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC): Một tầm nhìn - Một bản sắc - Một cộng đồng. ASEAN trẻ với khoảng 60% nguồn lao động dưới 35 tuổi. Do đó, không ai khác, thế hệ tương lai của một cộng đồng ASEAN lớn mạnh  sẽ là những người tiên phong và đảm nhiệm vai trò chính cho sự phát triển này.

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và Cách mạng Công nghiệp 4.0, chúng ta cần cùng nhau gây dựng một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh không chỉ về kinh tế mà còn về văn hóa, giáo dục, du lịch...

Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động của ASEAN với sản phẩm xuất khẩu chính là nông nghiệp, thiết bị điện tử, may mặc. Cùng với các thành viên khác của ASEAN, chúng ta cần có những tiêu chuẩn chung, quản lý chặt chẽ để nâng vị thế của các quốc gia ASEAN trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, muốn kết nối các bạn trẻ lại với nhau phải có những dự án, kế hoạch cụ thể?

Hiện tại, tôi đang cùng những thành viên chủ chốt của Nhóm hiện thực hóa giấc mơ Israel cho Nông nghiệp Việt Nam qua các dự án nhằm gây dựng và thay đổi bộ mặt nền nông nghiệp - quả trứng vàng của Việt Nam.

Không chỉ vậy, tôi mong muốn sẽ tiếp tục đóng góp cho sự đổi thay trong giáo dục Việt Nam theo hướng thực tiễn hơn, đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Hiện tại, tôi đang cùng bốn anh chị tâm huyết với giáo dục hoàn thiện dự án này. Chắc chắn, chúng tôi sẽ sớm tìm được nguồn tài trợ và liên hệ với các trường cấp ba và đại học để định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ.

Đồng thời, tôi thường xuyên hỗ trợ thêm những bạn trẻ mong muốn đi du học. Từ đó, giúp các bạn có thể từng bước tiến gần tới ước mơ được trở thành công dân toàn cầu. Họ sẽ vươn ra thế giới để tiếp thu những kiến thức bổ ích và quay trở về xây dựng một Việt Nam tốt đẹp hơn.

Xin cảm ơn chị!

(thực hiện)