Bìa cuốn sách 'Phẩm cách của văn chương" được phát hành tại Việt Nam. (Nguồn: Mintbooks) |
Nhân thể của văn
Chúng ta thường khen, hoặc thường nghe người khác khen, bài văn này thật hay, bài thơ kia thật tuyệt, tác phẩm đó thật ý nghĩa. Nhưng biểu hiện cụ thể của những khái niệm “hay”, “tuyệt”, “ý nghĩa” là gì, thì chúng ta có thể sẽ khó để cắt nghĩa cho rõ ràng.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Cảm nhận vẻ đẹp của văn chương, đôi khi, chỉ có thể ngắm nhìn, chiêm nghiệm bằng xúc cảm của lòng mình, thật khó giãi bày thành lời. Những góc nhìn lý luận về lý thuyết văn chương thì dường như có phần khô cứng, xa vời với phần nhiều độc giả. Đó hẳn là công việc chuyên môn của nhà nghiên cứu văn học.
Vậy mà, trước thực tế khó khăn ấy, vẫn có cách để chúng ta miêu tả vẻ đẹp của văn chương một cách gần gũi, giản dị, để có thể diễn đạt bằng lời niềm trân quý của chúng ta với những trang viết nhiều yêu mến.
Cuốn sách Phẩm cách của văn chương – một nhan đề rất thơ, của nhà văn Ki Ju Lee chính là kim chỉ nam của phương thức như thế. Không chỉ là những dòng tâm tình chứng minh về vẻ đẹp của văn chương, tác giả Ki Ju Lee còn chủ ý cung cấp cho người đọc những phương thức để có thể tạo nên những vẻ đẹp ấy.
Thông qua những diễn giải từ góc độ từ nguyên (chữ Hán, chữ Hàn, tiếng Anh), mà nhiều hơn, là qua những câu chuyện đời thường, những ký ức dung dị của chính mình, nam nhà văn người Hàn dẫn dắt độc giả bước đi trên con đường lý thuyết văn học trong tâm thế nhẹ nhàng, gần gũi.
Theo đó, văn chương chính là cuộc sống, cuộc sống chính là văn chương. Như lời tựa đầu mà Ki Ju Lee nhắn nhủ, và khai triển xuyên suốt quyển sách: “Cuộc sống chính là một câu văn. Văn chương và cuộc sống vào một khoảnh khắc nào đó bỗng hòa làm một. Đôi khi không phải tôi viết văn mà có lẽ văn viết nên tôi”.
Nhân sinh của người
Đọc Phẩm cách của văn chương, chúng ta còn có thể hình dung được công việc, con đường nghề nghiệp của nghề viết. Hơn 200 trang sách là quá khứ, đến hiện tại và tương lai của ngòi bút Ki Ju Lee.
Có thể tổng kết mô hình mà Ki Ju Lee quan niệm về hành trình sáng tạo văn chương, đó là: quan sát cuộc sống, hình thành thói quen viết, thiết lập cá tính bản thân, nhìn sâu nội tâm và tôn trọng độc giả.
Trong đó, mối quan hệ giữa nhà văn và độc giả được Ki Ju Lee quan tâm đặc biệt, như ông chia sẻ: “bởi tôi tin rằng càng tôn trọng thế giới của người khác bao nhiêu, thế giới của mình càng sâu sắc bấy nhiêu”.
Tác giả Lee Ki Ju được biết đến là người chuyên viết diễn văn cho tổng thống Hàn Quốc. (Nguồn: Mintbooks) |
Điểm hay của quyển sách là toát lên vẻ thơ mộng, yêu kiều, mềm mại của văn chương. Men theo từng trang viết, độc giả bị lôi cuốn bởi những câu văn sâu lắng, toát lên mùi hương văn chương êm dịu. Và mùi hương ấy, như thể một loại nước hoa nồng say, làm mê đắm người đọc suốt những nghĩ suy, chiêm nghiệm sau đó.
Tuy vậy, đồng thời, điểm này cũng có thể gây khó chịu với vài người, vốn xem lối viết này là tản mạn, rườm rà, thậm chí là trau chuốt, sáo rỗng. Phần vì nhan đề sách có vẻ hơi cao so với nội dung kỳ vọng, tầm đón đợi của độc giả; phần vì nhan sắc chỉ có một, nhưng vẻ đẹp của nhan sắc lại tùy sắc thái trong ánh nhìn của mỗi người.
Tựa như lý thuyết về “ý nghĩa biểu cảm” mà nhà văn Roland Barthes từng đề xuất. Vậy “ý nghĩa biểu cảm” mà bạn có được từ Phẩm cách của văn chương là gì? Hãy tự mình trải nghiệm với quyển sách nên thơ này.
Là người chuyên viết diễn văn cho tổng thống Hàn Quốc, nhà văn Ki Ju Lee là một học giả và diễn giả nổi tiếng với hàng loạt tác phẩm như: Nhiệt độ ngôn ngữ, Những điều từng là quý giá, Phẩm cách của lời nói, Phẩm cách của văn chương. Những tác phẩm này đều đã có bản dịch Việt ngữ. |
| Nhà văn Linda Lê: Người ra đi – văn chương ở lại... Nhà văn Linda Lê đã từ giã cõi trần ngày 9/5 tại Pháp, hưởng dương 59 tuổi. Nhưng, ngay cả khi tác giả đã hóa ... |
| Nhiều hoạt động hấp dẫn dành cho người yêu văn chương tại Những ngày Văn học châu Âu Sau 2 năm tạm dừng do dịch Covid-19, Những ngày Văn học châu Âu tại Hà Nội sẽ trở lại từ ngày 5-15/5 với nhiều ... |
| Bàn luận về thi ca và hội họa, tôn vinh các sáng tạo văn chương và nghệ thuật TGVN. Ngày 19/3, tọa đàm “Từ thi ca đến hội họa” đã diễn ra tại Viện Pháp tại Việt Nam–L’Espace, nằm trong chuỗi các sự ... |
| Đời sống văn học trẻ: Sáng tác lung linh, phê bình mật ngọt TGVN. Những người viết trẻ quanh quẩn trong những chuyện riêng tư. Và vì nể nang, vì quen biết mà các nhà phê bình đang ... |
| Hai góc nhìn về văn của người trẻ Các cuộc tranh luận về tính văn chương trong những sáng tác của các cây bút trẻ vẫn chưa đến hồi kết... |