Các cuộc khảo sát của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Viện Tài chính Quốc tế (IIF) đã chỉ ra rằng, GDP toàn cầu năm 2020 sẽ giảm sâu hơn nhiều so với sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009. Tăng trưởng sẽ quay trở lại trong năm tới nhưng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ không thể phục hồi như năm 2019.
Phân tách với Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không có lợi cho Mỹ và đồng minh của mình. (Nguồn: BBC) |
Kịch bản 2009 khó lặp lại
Theo nhà kinh tế trưởng Laurence Boone của OECD, Trung Quốc - một trong số các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi của G20, sẽ tăng trưởng gần 2% trong năm nay, trong khi ở các quốc gia khác, mức giảm dự báo từ 10% trở lên. Điều này cho thấy, Trung Quốc đã sẵn sàng xuất hiện trở lại như một động lực thúc đẩy phần còn lại của nền kinh tế toàn cầu thông qua phát triển cơ sở hạ tầng khổng lồ và các khoản đầu tư khác, giống như cách nước này đã làm hơn một thập kỷ trước. Tuy nhiên, Trung Quốc lúc này khó có thể đóng vai là đầu tàu phát triển của thế giới, hay ít nhất là nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2009, gói kích thích cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc đã thúc đẩy giá cả hàng hóa và do đó dẫn đến việc tái tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, việc tiến hành biện pháp như vậy là không có khả năng. Theo nhận định của Viện Nghiên cứu Tài chính Quốc tế (IIF), Trung Quốc “không lặp lại gói kích thích cơ sở hạ tầng rất lớn của năm 2009, có nghĩa hoạt động toàn cầu và giá hàng hóa sẽ không tăng như Bắc Kinh đã làm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu”. Điều này dẫn đến sự suy giảm triển vọng tăng trưởng đối với các thị trường mới nổi, đặc biệt là các thị trường ở Đông Nam Á và Mỹ Latinh.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đang áp dụng biện pháp kích thích tài chính nhưng sẽ nhằm vào nâng cấp kỹ thuật số và dịch vụ y tế - hai lĩnh vực mà đại dịch Covid-19 đã chứng minh rằng là thiết yếu. Điều này báo hiệu một sự phục hồi toàn cầu rất khác từ cú sốc Covid-19.
Thực tế, khi bị Mỹ và các nước khác biến thành mục tiêu của các cuộc chiến thương mại, chiến tranh công nghệ và các mối đe dọa tách rời kinh tế, khó có khả năng rằng Bắc Kinh sẽ cảm thấy có nghĩa vụ phải vực dậy phần còn lại của thế giới.
Tương lai của sự phân tách
Nếu ông Trump tiếp tục nắm quyền, sự tách biệt giữa các nền kinh tế và phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng.
Trong trường hợp ông Joe Biden chiến thắng, một quá trình hàn gắn (chậm) trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bắt đầu, tùy thuộc vào thời gian và mức độ chuẩn bị của chính quyền phe Dân chủ để thay thế các chính sách dân túy và bảo hộ trước đây.
Tại thời điểm khủng hoảng chưa từng có, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới lại đối đầu với nhau. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng nhận xét trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á mới nhất rằng, “những rủi ro phát sinh từ căng thẳng địa chính trị, bao gồm sự leo thang xung đột thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các lỗ hổng tài chính có thể trở nên trầm trọng hơn khi đại dịch Covid-19 kéo dài”.
Có lẽ bây giờ là lúc để Mỹ và Trung Quốc suy nghĩ lại lập trường của mình và tìm kiếm điểm đồng thuận để chung sống hơn là tiến hành một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới.