Ở thời cùng chung sống với dịch bệnh, cần nhanh chóng thúc đẩy quá trình số hoá và phổ cập việc sử dụng mạng Internet rộng khắp trong xã hội. |
Ở thời cùng chung sống với dịch bệnh, giãn cách xã hội trong chừng mực nhất định vẫn rất cần thiết và hữu ích, nhưng sự giãn cách này phải được cấu trúc và thực hiện sao cho phục vụ chứ không phải cản trở việc đạt được những mục tiêu phát triển và quản lý kinh tế và xã hội đề ra cho thời kỳ đặc thù này. Nói theo cách khác, “social distancing” (giãn cách xã hội) phải chuyển thành productive distancing và smart distancing.
Nội nhu, chuỗi cung ứng và chuyển đổi số
Vấn đề đặt ra tiếp theo cho mọi nơi là tập trung vào khai thác nội nhu, kích cầu nội nhu và dùng nội nhu làm động lực tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng nhất. Vấn đề này nảy sinh từ sự bức bách của tình thế.
Đóng cửa biên giới quốc gia ở thời kỳ này đối với con người không có nghĩa là thực thi bế quan toả cảng, nhưng kinh tế đối ngoại vẫn bị ảnh hưởng rất tiêu cực. Việc khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế đối ngoại và thúc đẩy hơn nữa kinh tế đối ngoại phụ thuộc vào đối tác bên ngoài và môi trường kinh tế đối ngoại quốc tế nói chung nữa chứ không phải là việc chính quyền quốc gia và vùng lãnh thổ cứ chủ ý là có thể làm được.
Quá trình phục hồi này sẽ kéo dài và đầy bất trắc trong khi các quốc gia và vùng lãnh thổ không thể chờ đợi. Bao giờ cũng vậy, nhà nước luôn đóng vai trò tiên phong và quyết định nhất trong việc kích nội nhu làm động lực tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cho nên mới nói thời kỳ cùng chung sống với dịch bệnh là thời kỳ các nơi vừa phải phòng chống dịch bệnh, vừa có thể phát triển thị trường nội địa, khai thác triệt để tiềm năng của thị trường nội địa và gây dựng thị trường nội địa làm một trong những trụ cột quan trọng và quyết định nhất cho sự tăng trưởng bền vững về kinh tế và phát triển xã hội.
Ở đây, những vấn đề lớn đặt ra cần được giải quyết là cải tổ hay chuyển đổi cơ cấu kinh tế, định hướng lại chính sách đầu tư của nhà nước và khích lệ đầu tư của tư nhân, hợp lý hoá hơn nữa mạng lưới cung ứng và dịch vụ.
Một bài học từ dịch bệnh này trong thời gian qua là rủi ro đối với chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị toàn cầu. Ở thời cùng chung sống với dịch bệnh, các nơi đều phải coi trọng việc giảm bớt mức độ lệ thuộc vào chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị toàn cầu mà phải thể hiện cụ thể ở cả trong những chuyển đối cơ cấu kinh tế và điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại và đầu tư ở nội địa lẫn ở các phương diện của kinh tế đối ngoại. Nói theo cách khác, vấn đề đặt ra ở đây là tự chủ về chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị ở bên trong đồng thời với đa dạng hoá chuỗi cung ứng và chuỗi tạo giá trị ở bên ngoài.
Vấn đề thứ năm ở thời cùng chung sống với dịch bệnh là thúc đẩy quá trình số hoá và phổ cập việc sử dụng mạng Internet rộng khắp trong xã hội. Trong công cuộc đối phó dịch bệnh đến nay, ở mọi nơi trên thế giới đều thấy bộc lộ rất rõ hai điều liên quan đến phương diện này.
Thứ nhất là công nghệ thông tin, truyền thông di động và công nghệ số đóng vai trò rất quyết định tới những thành quả tích cực đã đạt được. Thứ hai là ở rất nhiều nơi hiện tồn tại trong nội địa khoảng cách rất rõ rệt về khả năng sử dụng mạng Internet, công nghệ thông tin và truyền thông di động. Ví dụ điển hình và đặc trưng nhất là không phải ở tất cả mọi nơi trong nội địa đều có đủ cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật giúp người dân tiếp cận nhanh nhất và kịp thời nhất nguồn thông tin gốc về dịch bệnh, những chủ trương và biện pháp ứng phó của chính quyền..... hay như để làm việc trực tuyến hay học tập trực tuyến tại nhà. Vấn đề này đòi hỏi phải được ưu tiên giải quyết nếu muốn công cuộc phòng ngừa dịch bệnh và đối phó dịch bệnh trong tương lai được hiệu quả thiết thực hơn.
Kiểm soát biên giới quốc gia
Vấn đề tiếp theo cần được giải quyết ổn thoả ở thời kỳ này là kiểm soát biên giới quốc gia. Ở nhiều nơi trên thế giới hiện tại đã thấy có tình trạng việc mở cửa trở lại biên giới quốc gia cho con người được coi là mục tiêu. Cách tiếp cận này có thể có lợi nhất định nào đấy cho phe cầm quyền về chính trị nhưng rất tai hại trên thực tế đối với xã hội ở nơi đó.
Ở thời chung sống với dịch bệnh Covid-19, cần giải quyết ổn thoả vấn đề kiểm soát biên giới quốc gia. |
Cách tiếp cận đúng đắn nhất và thực tiễn nhất là phải coi việc mở cửa trở lại biên giới quốc gia cho con người là một trong những biện pháp chính sách vận hành thời cùng chung sống với dịch bệnh. Những thành quả đã đạt được trong công cuộc chống dịch bệnh ở trong nội địa có thể dễ dàng bị huỷ hoại nếu mở cửa trở lại biên giới quốc gia cho con người khi điều kiện chưa thích hợp hoặc chưa cho phép.
Thông thương biên giới quốc gia cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ, cho hoạt động xuất nhập khẩu và hợp tác đầu tư quốc tế là cần thiết và vẫn có thể làm được ở thời cùng chung sống với dịch bệnh, nhưng nhập cảnh người từ bên ngoài vào là bài toán cần được giải một cách hết sức thận trọng mà tiêu chí hàng đầu như một điều kiện tiên quyết phải được đáp ứng là không để vì thế mà dịch bệnh từ bên ngoài lây lan vào gây ra làn sóng dịch bệnh mới trong nội địa.
Cách tiếp cận ở đây là phải đặt lợi ích thiết thực của quốc gia lên trên mọi hình thức hay mức độ quan ngại thật sự cũng như cho lấy được của mọi đối tác bên ngoài. Bởi thế, ở thời cùng chung sống với dịch bệnh này, chính sách của quốc gia về quản lý chuyện xuất nhập cảnh cũng cần phải được hoạch định lại như nhiều khía cạnh khác chính sách đối nội và đối ngoại của quốc gia và vùng lãnh thổ cũng phải được điều chỉnh hay xác định mới.
(Đón xem các phân tích tiếp theo về chủ đề: Thời chung sống với dịch bệnh)